Thực trạng lao động, việc làm trên thế giới

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của người lao động tại chi nhánh công ty cổ phần tập đoàn intimex buôn ma thuột (Trang 35 - 37)

- Tình hình lao động:

Trên thế giới tổng số lao động là hơn 3.382 triệu người. Trung Quốc có số lượng lao động đứng đầu thế giới với hơn 783 triệu người, tiếp sau đó là Ấn Độ với hơn 521.9 triệu người lao động, đứng thứ 3 là Hoa Kỳ với hơn 160.4 triệu người lao động. Liên minh châu Âu có tổng là hơn 238.9 triệu lao động (năm 2019).

Năm 2019, trên thế giới có khoảng 164 triệu lao động di cư trong đó có khoảng 111.2 triệu người (67.9%) sống tại các nước thu nhập cao, 30.5 triệu (18.6%) tại các nước thu nhập trung bình cao, 16.6 triệu (10.1%) tại các nước thu nhập trung bình thấp và 5.6 triệu (3.4%) tại các nước thu nhập thấp. Gần 87% lao động di cư đang trong độ tuổi lao động quan trọng nhất, từ 25 đến 64 tuổi. Điều này cho thấy một số nước xuất cư đang mất một phần lao động hiệu quả nhất trong lực lượng lao động của mình.

- Tình hình việc làm của các lao động:

+ Châu Á –Thái Bình Dương: Tỷ lệ không có việc làm khu vực duy trì ở mức khoảng 3.6% tới năm 2020, thấp hơn mức trung bình toàn cầu. Chuyển đổi cơ cấu đã chuyển dịch người lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp nhưng điều này không cải thiện chất lượng việc làm đáng kể; một bộ phận lớn người lao động không được đảm bảo an ninh việc làm, không có hợp đồng bằng văn bản và thiếu ổn định thu nhập. Mặc dù bảo trợ xã hội đã và đang mở rộng phạm vi đáng kể ở một số quốc gia, bảo trợ xã hội vẫn cực kỳ thấp ở các quốc gia có tỷ lệ nghèo cao nhất.

+ Châu Phi: Chỉ có 4.5% dân số trong độ tuổi lao động trong khu vực không có việc làm, so với 60% có việc làm. Tuy nhiên, điều này là do nhiều người lao động không có cách nào khác mà phải chấp nhận công việc chất lượng kém, thiếu an toàn, không được trả lương xứng đáng và không được hưởng bảo trợ xã hội chứ không phải vì một thị trường lao động vận hành tốt. Lực lượng lao động dự kiến sẽ mở rộng thêm hơn 14 triệu người mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2020 quá thấp, không thể tạo đủ việc làm có chất lượng cho lực lượng lao động gia tăng ngày càng nhanh chóng này.

+ Châu Âu và Trung Á: Ở Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ và tiếp tục giảm tới năm 2020. Ở Đông Âu, số người có việc làm giảm 0.7% cả trong năm 2019 và 2020, nhưng lực lượng lao động suy giảm cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm. Thất nghiệp dài hạn duy trì ở mức cao, 40% ở một số quốc gia. Việc làm phi chính thức vẫn phổ biến, ở mức 43%, ở Trung Á và Tây Á. Người có việc làm nhưng vẫn nghèo, chất lượng công việc kém và bất bình đẳng trong thị trường lao động dai dẳng vẫn là những mối quan ngại lớn.

+ Bắc Mỹ: Tỷ lệ không có việc làm đạt mức thấp nhất, 4.1% vào năm 2019. Cả tăng trưởng việc làm và hoạt động kinh tế bắt đầu suy giảm vào năm 2020. Người có trình độ học vấn cơ bản có khả năng không có việc làm cao gấp hai lần so với những người có trình độ học vấn cao. Đây là khu vực đi đầu trong các nền tảng lao động kỹ thuật số. Việc giám sát chặt chẽ những việc làm như vậy là vấn đề ngày càng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

- Tình hình lao động nghỉ việc:

Báo cáo tác động Covid-19 của tổ chức Lao động quốc tế đưa ra số liệu mới nhất cho thấy số giờ làm việc toàn cầu năm 2020 đã sụt giảm 8.8% so với quý 4 năm 2019. Mức độ sụt giảm này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những người bị mất việc. Đáng lưu ý, khoảng 71% số người bị mất việc (tương đương 81 triệu người) quyết định rời

bỏ thị trường lao động thay vì đi tìm công việc khác và trở thành người thất nghiệp.

Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đã tác động tới người lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là phụ nữ, những người làm việc trong các lĩnh vực bấp bênh và có thu nhập thấp như bán lẻ, du lịch và dịch vụ ăn uống. Thăm dò của viện Gallup cũng cho thấy 1/2 số người được hỏi cho biết đã phải tạm thời nghỉ việc hoặc ngừng kinh doanh, tương đương với 1.7 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu. Tại 57 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Zimbabwe, Philippines, Kenya, Bangladesh, El Salvador, hơn 65% người được hỏi cho biết đã phải nghỉ làm một thời gian. Các nước có số người phải tạm thời nghỉ việc ít nhất chủ yếu là nước phát triển và có thu nhập cao, cụ thể như Áo, Thụy Sĩ và Đức có tỷ lệ này là 10%. Tại Mỹ, con số này là 39%. Thăm dò cũng cho thấy 1/3 người được hỏi đã mất việc làm hoặc phải bỏ việc kinh doanh của mình do dịch, tương đương hơn 1 tỷ người trên toàn cầu. Tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp hơn như Philippines, Kenya và Zimbabwe lên đến 60% trong khi ở Thụy Sĩ chỉ là 3% và ở Mỹ là 13%.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của người lao động tại chi nhánh công ty cổ phần tập đoàn intimex buôn ma thuột (Trang 35 - 37)

w