Điều kiện tự nhiên
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa, phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp Campuchia đường biên giới dài 70 km, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai.
Tỉnh Đắk Lắk có địa hình hướng thấp dần từ Đông nam sang Tây bắc.
Khí hậu toàn tỉnh được chia thành hai tiểu vùng, vùng phía Tây Bắc khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô, vùng phía Đông và phía Nam có khí hậu mát mẻ, ôn hoà. Thời tiết chia làm 2 mùa khá rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
Rừng Đắk Lắk có diện tích và trữ lượng lớn với nhiều chủng loại gỗ quý, nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế và giá trị khoa học. Khoáng sản với trữ lượng khác nhau.
Hệ thống sông suối khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều, tuy nhiên do địa hình dốc nên khả năng trữ nước kém, những khe suối nhỏ hầu như không có nước trong mùa khô.
Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.085 km2, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám, đất đỏ bazan và một số nhóm khác như: đất phù sa, đất gley, đất đen. Các nhóm đất được hình thành từ đá bazan có độ phì khá
cao, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày khác, là lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện. Trong đó có 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 152 xã, 20 phường và 12 thị trấn.
Điều kiện kinh tế
Kinh tế chủ đạo của Đắk Lắk chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông sản, lâm sản.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 199.801 ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước.
Đắk Lắk là nơi trồng bông, cao su, ca cao, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời, là nơi phát triển các loại cây ăn trái như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài.
Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng về du lịch sinh thái. Du lịch Đắk Lắk đang có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hóa của nhiều dân tộc trong tỉnh và các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đẹp.
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 101,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm.
Điều kiện xã hội
Tính đến năm 2015, dân số toàn tỉnh Đắk Lắk đạt gần 1.853.698 người, mật độ dân số đạt 141 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 426.000 người, dân số sống tại nông thôn đạt 1.345.800 người. Dân
số nam đạt 894.200 người, trong khi đó nữ đạt 877.600 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương là 12,9 ‰.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm 30% tổng dân số, trong đó dân tộc Êđê gần 300.000 người, Mnông trên 40.000 người.
Hiện nay ở Đắk Lắk các dân tộc bản địa: Êđê, M’nông, J’rai, Sê Đăng.
Dân tộc Ê Đê thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Malayo – Polynesien), gồm các nhóm: Kpạ, Adham, M’dhur, Bih, Blô, K’tul, K’rung, Ê Ban, H’wing, dân số có khoảng 240.000 người.
Dân tộc Mnông thuộc hệ ngôn ngữ Môn - Khowme, gồm các nhóm: Gar, Noong, Bu Nơr, Chinh, Kuênh, Prâng, Prenh, Rlăm, Bu Đâng, Biăt, Dip, Rơ Ông, dân số có khoảng 50.000 người.
Dân tộc Gia Rai gồm các nhóm Gia Rai Cheo Reo, thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo, dân số hiện nay khoảng trên 11.000 người.
Cả ba dân tộc trên hiện còn lưu giữ hàng ngàn bộ cồng chiêng quý. Dân tộc Ê Đê có 2.680 bộ, dân tộc Mnông có 1.077 bộ, dân tộc Gia Rai có 68 bộ. Cồng chiêng thực sự đã gắn bó với mỗi đời người, mỗi gia đình, dòng họ và các nghi lễ cổ truyền của cộng đồng, thể hiện trong hai hệ thống nghi lễ vòng đời con người và nghi lễ nông nghiệp.
Đắk Lắk là tỉnh có bản sắc văn hóa đa dạng, được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESSCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 13 tôn giáo khác nhau chiếm 450.728
người. Trong đó, nhiều nhất là Công giáo, Tin Lành, Phật Giáo sau đến Đạo Cao Đài và các tôn giáo khác.