Khái quát về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng tây nguyên trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 52 - 58)

chỉnh. Tính đến năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk có 1003 trường học ở cấp phổ thông, trong đó có 54 trường Trung học Phổ thông, có 232 trường Trung học cơ sở , cấp Tiểu học có 424 trường và Mẫu giáo có 293 trường .

Tỉnh Đắk Lắk có 14 tỉnh lộ với tổng chiều dài 460 km, có quốc lộ 14, Quốc lộ 27, Quốc lộ 26 nối với quốc lộ 1A tại thị trấn Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, tỉnh có sân bay Buôn Ma Thuột với các tuyến bay đi lại từ Buôn Ma Thuột đến các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh.

2.1.2. Khái quát về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk Đắk Lắk

Về số lượng

Tỉnh Đắk Lắk nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Qua công tác điều tra của ngành văn hóa, cồng chiêng toàn tỉnh Đắk Lắk năm 1993 có 4.675 bộ cồng chiêng ; năm 2003 còn 3.825 bộ chiêng; đến năm 2007 còn 3.375 bộ cồng chiêng, trong đó dân tộc Êđê có 2.680 bộ, dân tộc Mnông có 627 bộ, dân tộc Giarai có 68 bộ; đến nay số bộ cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục giảm so với những năm trước đây.

Thực trạng số lượng cồng chiêng Tây Nguyên ngày càng suy giảm và những giá trị văn hóa của cồng chiêng Tây Nguyên ngày càng mai một. Thực trạng trên đã và đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước cần phải có những nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả cho việc bảo tồn, kế thừa và phát triển di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và văn hóa đương đại hiện nay.

Loại hình

Cồng chiêng là nhạc cụ bởi khi đánh nó phát ra tiếng nhạc, nhưng cồng chiêng không chỉ để nhằm giải trí, tiêu khiển mà còn gắn liền với lễ hội hay sự kiện quan trọng. Vì vậy, cồng chiêng được xem như một vật linh thiêng, là phương tiện để con người giao tiếp với những bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa con người với các đấng thần linh.

Do đó, âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà mang chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày của dân gian. Hầu như mọi sinh hoạt trong các bộ tộc đều gắn liền với nét nhạc. Ngay từ khi đứa bé mới lọt lòng thì già làng đã sử dụng chiếc cồng cổ nhất đến bên giường đánh lên để cho những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé, đó là tiếng của bộ tộc, khẳng định nó là một phần của cộng đồng bộ tộc. Người ta gọi đó là lễ thổi tai. Khi đứa trẻ lớn lên thì mỗi giai đoạn của đời sống đều gắn liền với tiếng cồng chiêng: Từ việc gieo mạ đến những buổi gặp gỡ nam nữ, cưới hỏi, tang lễ, đều có bài bản riêng cho cồng chiêng. Đặc biệt xưa kia những thanh niên nào đó đến tuổi trưởng thành nhưng không biết chơi cồng chiêng sẽ rất khó lấy vợ, gả chồng.

Khả năng tiếp nhận âm nhạc của người dân Tây Nguyên phát triển tự nhiên không qua trường lớp nào cả mà chủ yếu được phổ biến trong cộng đồng thông qua các mùa lễ hội, hoặc những đợt trình tấu liên tục trong buôn làng thâu đêm suốt sáng. Ban ngày đội cồng chiêng làng sẽ đi vòng quanh từng ngôi nhà trong buôn làng để cầu phúc gia chủ, ban đêm cả làng tụ họp quanh đống lửa ở sân nhà rông (hoặc sân chung) để cùng nhau nhảy múa, ca hát theo nhịp của cồng chiêng.

Cồng chiêng Tây Nguyên bảo lưu hình thức diễn xướng tập thể của cộng đồng. Hợp tấu bằng cách nghe nhau, trong đó tâm linh cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Bởi, mỗi chiếc cồng chiêng Tây Nguyên chỉ là một nốt

nhạc. Từng chiếc cồng chiêng trong dàn kết hợp với nhau để tạo ra bản nhạc, khi nghe sẽ cảm nhận được bè trầm, bè trung và bè cao. Do đó mỗi nhạc cụ chỉ chọn một nốt và mô hình tiết tấu kết chung lại thành bè, thành giai điệu. Điều này cho thấy giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên không phải của một cá nhân nào mà là sự sáng tạo của cộng đồng.

Đặc điểm

Trước đây hầu hết người dân Tây Nguyên kể cả đàn ông lẫn đàn bà, người già hay người trẻ, đều là những nghệ sĩ, nhạc sĩ thực thụ. Họ có thể vừa múa vừa hát vừa sử dụng thành thạo các nhạc cụ hoặc tham gia vào dàn cồng chiêng.

Cồng chiêng là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Cồng chiêng được coi là vật thiêng nhất, có giá trị nhất trong mỗi gia đình, dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng, nó còn là tài sản chung của mỗi dân tộc hợp thành đại gia đình các gia đình trên cao nguyên.

Theo quan niệm của các già làng, cồng chiêng có thể giúp cho con người thông tin trực tiếp với thần linh, với các giàng. Cồng chiêng không sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các lễ hội của buôn làng. Cồng chiêng từ bao đời đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, với các nghi lễ - lễ hội của đồng bào các dân tộc bản địa Đắk Lắk; là thế giới tinh thần, là bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, âm nhạc, khảo cổ học ở trong nước và nước ngoài đã từng đến Đắk Lắk tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, đều khẳng định, Đắk Lắk có một nền văn hóa cồng chiêng vô cùng độc đáo.

Cồng chiêng Tây Nguyên là nhạc cụ gắn chặt với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Vì vậy, cồng chiêng Tây Nguyên thực sự sống động khi nó được thực hiện giữa không gian núi rừng

Tây Nguyên, bên ngọn lửa trại hoặc ở nhà rông. Cồng chiêng Tây Nguyên đã đi vào sử thi Tây Nguyên như để khẳng định tính trường tồn của loại nhạc cụ này: Hãy đánh những cái chiêng kêu thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiềng vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu, nai nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San [35]. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội của người dân nơi đây. Tiếng cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những sử thi, thơ ca đi vào lòng người.

Cồng chiêng là nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nhưng với người dân Tây Nguyên cồng chiêng còn là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cũng với đất trời và con người Tây Nguyên. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng, độc đáo ở kĩ thuật diễn tấu, mà cồng chiêng còn là biểu tượng cho cuộc sống con người nơi đây. Cồng chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên. Không có cồng chiêng sẽ không có Tây Nguyên! Người Tây Nguyên sinh ra trong giây phút đầu tiên được đón bằng bằng tiếng chiêng, chết có tiếng chiêng tiễn đưa. Tất cả các lễ lạt trong cuộc đời đều có tiếng cồng chiêng.

Mỗi một dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo tín ngưỡng thẩm mỹ riêng của mình và họ chơi những bản nhạc riêng của dân tộc mình.

Ngoài sự phong phú đó nó còn được biểu diễn ở một trình độ cao. Cồng chiêng Tây Nguyên có nhiều cách gọi rất phong phú, có khi được đặt dựa theo âm thanh nhạc, có khi tên gọi theo vị trí của nó trong dàn nhạc. Đặc biệt những chiếc cồng phát ra âm thanh thấp - vốn là âm cơ bản - mang tên “mẹ”. Trong dàn cồng chiêng có từ 9 cồng chiêng trở lên thì thêm “cồng cha”, bên cạnh “cồng mẹ”, tiếp theo là “cồng con”, cồng cháu”, tức hình thành hệ thống gia đình với “cồng mẹ” luôn luôn đứng trước “cồng cha”, rất phù hợp với chế độ mẫu hệ của người Tây Nguyên. Các bài cồng chiêng cũng có rất nhiều bè.

Dân tộc Ê Đê có dàn chiêng knah, ngôn ngữ Ê Đê gọi là cing k’nanh, gồm: Chiêng bằng lớn: c`ing char (người ông); chiêng núm lớn: c`ing ana (người mẹ); chiêng núm nhỡ: m’ đu`h (người bố); Chiêng núm nhỏ: moong (ông cậu); chiêng bằng 1: k’nah di (chị lớn); chiêng bằng 2: h’liang (chị thứ hai); chiêng bằng 3: khowk (con trai lớn); chiêng bằng 4: h’luê khowk (con trai lớn thứ hai); chiêng bằng 5: h’luê h’liang (chị thứ ba); chiêng bằng 6: h’luê khowk (con trai út); trống h’gowrr (người bà). Dân tộc Mnông có dàn chiêng bor, dân tộc Mnông Gar, Noong, Preh gọi là c`ing bor, gồm: May (mẹ); R’nui (bố); N’dơt, Loa, Thơ, Thết (các con); Goong pêh: Me (mẹ); T’rơ (bố); Kon (con).

Vì vậy, trong mỗi nghi lễ của đồng bào Ê Đê, Mnông đều có những bài chiêng cụ thể gắn với những giai điệu trầm bổng thiết tha để thông tin với các vị thần và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chủ nhà với cộng đồng. Điều này chứng tỏ từ xa xưa các đồng bào ở đây đã có những quan niệm sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa con người với không gian văn hóa. Chính quan niệm đó là cơ sở của một hệ thống nghi lễ vòng đời người phong phú, đa dạng thông qua văn hóa cồng chiêng.

Cồng chiêng Tây Nguyên mang giá trị văn hóa cổ truyền, bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng như: Giá trị biểu thị đặc

trưng và bản sắc văn hóa vùng miền; giá trị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị phản ảnh đa chiều; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa - xã hội vùng dân tộc, miền núi; đồng thời triển khai thực hiện chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bảo tồn không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, sau khi được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (tháng 11/2005), tỉnh Đắk Lắk đã tích cực, chủ động nhằm phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ và đạt được những kết quả quan trọng trong tư tưởng, lối sống, phong tục, tập quán tiến bộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được giữ gìn, bảo vệ và phát huy.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng từng bước được nâng lên. Việc mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh với nhân dân các địa phương khác trong nước và nước ngoài ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, các hoạt động liên quan đến không gian văn hóa cồng chiêng đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa ở Đắk Lắk, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hiện nay, cùng với quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, đang đứng trước những thách thức lớn, đối mặt với nguy cơ mai một. Đó là ảnh hưởng của văn hóa hiện đại; tác động mặt trái của cơ chế thị trường; sự đô thị hóa quá nhanh; sự ảnh hưởng của tôn giáo; người

già biết văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa cồng chiêng của ông bà để lại; rừng bị tàn phá, không gian canh tác nương rẫy bị thu hẹp, bến nước bị hoang hóa, nhà dài truyền thống đang bị thay dần bằng nhà bê tông, nghĩa là không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mất dần. Nhiều nơi cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng nữa mà đã trở thành vật buôn bán, trao đổi, phục vụ cho các mục đích khác.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng tây nguyên trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 52 - 58)