Nguyên nhân của hạn chế trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng tây nguyên trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 76 - 80)

Trong những năm gần đây, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại, nên văn hóa lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng (như không gian nhà dài, không gian bến nước, không gian nương rẫy, không gian nhà mồ, không gian rừng) đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc Đắk Lắk.

Kinh phí bố trí thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 63/2012/NQ- HĐND ngày 06/7/2012 và Chương trình mục tiêu về văn hóa nói chung và di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng còn hạn chế.

Thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phong tục tập quán, phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nói chung và các dân tộc bản địa nói riêng đã được phát triển theo định hướng của Đảng. Việc thay đổi phương thức sản xuất đã kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân. Đồng bào các buôn làng tùy theo điều kiện cụ thể của gia đình đã bước đầu tách hộ, bỏ nhà dài, làm nhà từng hộ riêng, phát triển kinh tế gia đình theo phương thức sản xuất hàng hóa (VAC, VRC, nhận khoán trồng cà phê, trồng rừng) nhiều gia đình đã mang bán đi những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của gia đình mình. Ngoài ra, một số gia đình đồng bào dân tộc tại chỗ nghe lời xúi dục của bọn xấu đã bỏ lễ hội, bỏ cồng chiêng, bỏ phong tục tập quán cộng đồng và mang bán những bộ chiêng quý.

Sự phát triển của các loại hình văn hóa hiện đại, như: truyền hình, điện ảnh, video, sân khấu, âm nhạc nhất là băng nhạc, phim ảnh nước ngoài được đưa vào nước ta một cách thiếu chọn lọc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nền văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk. Không ít thanh niên (con em

đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Sê Đăng) tuy được giáo dục truyền thống dân tộc, nhưng vẫn bị thu hút vào văn hóa hiện đại, coi sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của buôn làng mình là lạc hậu, lỗi thời, và không phù hợp với thời đại. Do đó, họ không thiết tha với cồng chiêng và các nhạc cụ do ông bà để lại.

Công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa cồng chiêng từ trung ương đến địa phương từ trước đến nay vẫn chưa được đặt ra một cách cụ thể, bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách về công tác này chưa được đào tạo bài bản. Mặt khác, việc dựa vào nhân dân (nhất là các

già làng) để tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị văn hóa cồng

chiêng của dân tộc mình để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ, phát huy nó trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Tiểu kết chương 2

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, luôn luôn có một thách thức lớn là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đối với di sản văn hóa phi vật thể thì thách thức này còn lớn hơn, bởi di sản văn hóa phi vật thể là vô hình, không nhìn thấy, nên nhiều khi có phần bị mai một, mất đi mà không biết. Những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm trong công tác bảo tồn giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới và Việt Nam, luôn là bài học quý giá định hướng cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được tốt, ngoài việc đúc rút các kinh nghiệm của bạn bè trên thế giới, phát huy những gì có lợi, hạn chế và tránh những gì có hại cho các giá trị văn hóa truyền thống, còn phải tạo sự phát triển bền vững cho các giá trị. Qua đó, có định hướng mang tính chiến lược của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa để cùng với cộng đồng tìm ra lời giải là chúng ta sẽ bảo tồn cái gì, bảo tồn và phát huy thế nào để giữ lại cho thế hệ mai sau các báu vật di sản văn hóa của dân tộc.

Để làm tốt được những điều đó, vấn đề then chốt là tỉnh Đắk Lắk phải đổi mới và nâng cao nhận thức, xem cơ sở là địa bàn chiến lược của sự nghiệp cách mạng văn hóa, là nơi biến những quan điểm của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, là môi trường sống, nơi sinh ra và đồng thời là nơi lưu giữ, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Cần biết vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật và các hướng dẫn chuyên ngành về quản lý di sản văn hóa phi vật thể, phối hợp với các ban ngành, các cấp chính quyền, cụ thể hóa các chính sách quản lý của nhà nước. Thêm nữa, nếu địa phương có chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn dân và các cấp, các ngành tham gia, hưởng ứng, thì nhất định công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên sẽ đạt nhiều thành tựu mới trong thời gian tới.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng tây nguyên trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 76 - 80)