Đối với chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng tây nguyên trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 97 - 102)

Di sản văn hóa cồng chiêng là một giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và của thế giới, có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn

hóa của nhân dân ở cơ sở, qua đó góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk hiện đang đứng trước những khó khăn thách thức, đang có nguy cơ bị thất truyền, hủy hại. Việc quan tâm quản lý văn hóa cồng chiêng có nơi còn buông lỏng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn.

Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức việc thực hiện các giải pháp về bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không là trách nhiệm của riêng của ngành hoặc cấp nào, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.

Do vậy bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp các ngành trong quản lý Nhà nước, cần phải được thể hiện trong các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh.

UBND tỉnh Đắk Lắk căn cứ theo phân công thực hiện đề án “Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020” để hàng năm tổng kết, đánh giá rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp từng ngành và có giải pháp đầu tư thích hợp, cũng như có biện pháp khen thưởng, xử lý xứng đáng.

Tiểu kết chương 3

Qua nội dung của chương 3, học viên rút ra một số kết luận sau:

Di sản văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là một tổng thể hợp thành của nhiều yếu tố nghệ thuật, bao gồm hàng loạt những sinh hoạt văn hóa, hoạt động biểu diễn cồng chiêng, tập quán văn hóa, không gian văn hóa. Nhận thức đúng và hiểu rõ về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ có được những định hướng đúng đắn cho việc sưu tầm, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước về bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên theo hướng tổng thể: từ không gian, thời gian đến bài bản, tập tục, sự trao truyền của các nghệ nhân.

Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một hoạt động khoa học, đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu, sự phối hợp liên ngành và phải tuân thủ những nguyên tắc cao nhất là giữ được tính nguyên gốc của di sản gắn với những điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Khi giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, cần có sự hiểu biết đầy đủ đâu là yếu tố gốc, yếu tố nội sinh, đâu là yếu tố ngoại sinh, yếu tố kế thừa, thậm chí cả yếu tố tân trang vay mượn, từ đó lựa chọn hình thức bảo tồn phù hợp, phương án bảo tồn hoặc ưu tiên cho sự phát triển. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức coi di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam, không những là cội rễ của bản sắc văn hóa, mà việc bảo tồn và phát huy nó còn là giải pháp để xây dựng bản sắc văn hóa của dân tộc là công cụ tham gia vào toàn cầu hóa và là vốn liếng, là lợi thế có sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước về bảo tồn di sản phi vật thể đại diện nhân loại văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, để làm cho di sản trở thành một thành tố của quá trình “Di truyền xã hội” sẽ không là trách nhiệm của riêng một ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.

KẾT LUẬN

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là toàn bộ sự tác động có tổ chức, có mục đích của Nhà nước đến các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng, là một hoạt động vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, qua đó hướng đến mục tiêu bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong tổng thể văn hóa bản địa truyền thống của 47 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt tiếng cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây Nguyên sự lạc quan, là nguồn gốc của những sử thi, thơ ca đi vào đời sống tinh thần của nhân dân.

Kết quả nghiên cứu đề tài được thể hiện qua các chương như sau: Chương 1, luận văn đã hệ thống được cơ sở lý luận quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Công tác quản lý di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là quá trình tác động, điều chỉnh thông qua quản lý nhà nước bằng các quy định của pháp luật trên tất cả các hoạt động trong đời sống xã hội nhằm bảo tồn và phát triển di sản, đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân vùng Tây Nguyên và của tỉnh Đắk Lắk. Kết quả nghiên cứu về phương diện lý luận ở chương 1 là cơ sở để luận văn khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng của công tác quản lý di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của tỉnh ở các chương sau.

Chương 2, trên cơ sở khảo sát và tổng hợp các thông tin số liệu từ các nguồn trên địa bàn Tây Nguyên và trong tỉnh Đắk Lắk, luận văn đã phân tích đánh giá thực trạng và làm sáng tỏ thách thức lớn là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk. Những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm

trong công tác bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể luôn là bài học quý giá định hướng cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk.

Chương 3, từ việc quán triệt nhận thức đúng đắn những quan điểm định hướng của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nghiên cứu hiểu rõ về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, luận văn đã đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk theo hướng tổng thể: từ không gian, thời gian đến các bài bản, tập tục, sự trao truyền của các nghệ nhân..., nhằm làm cho di sản trở thành một thành tố của quá trình “Di truyền xã hội”, là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng.

Quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những bất cập, cần nhanh chóng khắc phục. Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một hoạt động khoa học, đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu, sự phối hợp của liên ngành. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và qua khảo sát đánh giá hiện trạng, tác giả luận văn đã đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong giới hạn của một luận văn thạc sỹ, cũng như khả năng của tác giả trước một vấn đề rất lớn của cả tỉnh Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên bao la ngút ngàn, chắc chắn luận văn không tránh khỏi những hạn chế cần bổ khuyết, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk đạt được kết quả như định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ quản lý nhà nước về di sản văn hóa cồng chiêng tây nguyên trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 97 - 102)