7. Bố cục đề tài
1.4. Hoạt động của tầng lớp trí thứcViệt Nam trước năm 1945
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, đất nước bước vào một giai đoạn lịch sử mới: giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước bối cảnh giai cấp thống trị tỏ ra bất lực và bế tắc, đầu hàng địch, một số trí thức đã đứng lên giành lấy ngọn cờ dân tộc, lãnh đạo phong trào chống ngoại xâm. Mặc dù tất cả các phong trào cứu nước đều không thành, nhưng đã chứng tỏ chí khí truyền thống đấu tranh, lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân nói chung và trí thức nói riêng. Đặc biệt nó tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh mới, với những hướng đi gắn với sự hình thành tầng lớp trí thức tân học.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục đã đánh đấu sự hình thành khuynh hướng đấu tranh mới ảnh hưởng từ hệ tư tưởng Tư sản. Đặc biệt, những chuyển biến trong nhận thức đã đưa đến quá trình tiếp thu và
truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu quá trình trưởng thành của trí thức cách mạng, với những trọng trách và nhiệm vụ lịch sử giao phó. Cùng với cả dân tộc, tầng lớp trí thức bước vào cuộc đấu tranh mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đăt biệt các giai đoạn 1930 – 1935, 1936 – 1939, giới trí thức yêu nước, tiến bộ hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực, gây ảnh hưởng rộng khắp trong dân chúng, thúc đẩy các phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Ngay khi bị kẻ thù khủng bố, đàn áp, khí tiết kiên trung của trí thức càng làm cho sức mạnh dân tộc lan tỏa mạnh mẽ. Tại Sài Gòn – Gia Định, nhiều trí thức yêu nước anh dũng hy sinh như Trần Phú, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Phan Bôi… đã thổi bùng ngọn lửa căm hờn và quyết tâm cứu nước trong nhân dân.
Sự trưởng thành của trí thức thể hiện qua quá trình đấu tranh cách mạng. Những năm 1930 – 1935, họ đã hòa cùng nhân dân tham gia biểu tình, bãi khóa, đưa yêu sách, diễn thuyết tố cáo chủ nghĩa thực dân… Năm 1933, một số trí thức đã đắc cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn, đưa ra ba dự án: đại xá chính trị phạm, cứu tế thất nghiệp, chống thuế thân, đồng thời tích cực dùng diễn đàn này bênh vực nhân dân… Đến những năm 1936 – 1939, phong trào bãi công, bãi khóa, bãi thị diễn ra sôi nổi. Một số tờ báo đã ra đời tại Sài Gòn như La Lutte, L’Avant Garde, Dân chúng…, tích cực phản ánh đời sống khốn cùng của dân chúng, ủng hộ các phong trào của nhân dân Sài Gòn, phát động biểu tình, đình công…
Viết về những tấm gương trí thức điển hình thời kỳ này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: “Sài Gòn, những năm 20 và 30 trong hoạt động văn hóa và chính trị công khai, đồng bào chú ý nhiều đến ba nhân vật một thời nổi tiếng: Nguyễn An Ninh một nhà Tây học, Thiện Chiếu một nhà Phật học, Trần Hữu Độ một nhà Nho học, Hán học. Cả ba đều cuối cùng đi về với chủ nghĩa Mác – Lênin, với Đảng Cộng sản, như theo một quy luật phát triển”[16; tr.72].
Từ năm 1940 đến đầu năm 1945, tầng lớp trí thức Việt Nam ở Nam bộ và cả nước đã hăng hái tham gia chiến đấu chống lại thực dân Pháp bằng nhiều hình thức
khác nhau.Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị mở rộng ở Mỹ Tho để bàn về khởi nghĩa. Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, khắp các tỉnh miền Nam nhất là Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định, quần chúng nổi dậy chiến đấu rất dũng cảm, trong thời gian khởi nghĩa bùng nổ, phong trào của trí thức, học sinh sinh viên ở vùng nội đô phát triển mạnh, với nhiều hoạt động đấu tranh cổ động, lôi kéo tầng lớp trung gian ngã về cách mạng, nhất là tầng lớp trí thức, thanh niên.
Năm 1941, trước sự thay đổi của cục diện chiến tranh thế giới, Đảng nhận định thời cơ cách mạng đang đến rất gần, hoạt động đấu tranh của trí thức cũng phải có sự biến chuyển để phù hợp với tình hình mới. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhiều trí thức ở Sài Gòn đã tham gia Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Đông Dương như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Lê Khắc Thiền, Huỳnh Bá Nhung, Đặng Ngọc Tốt. Hoạt động chủ yếu là khuấy động phong trào, diễn thuyết, trình diễn những bài hát ca ngợi cách mạng, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, dạy chữ Quốc ngữ cho đồng bào…
Đầu năm 1944, tình thế cách mạng bước vào giai đoạn khẩn trương, Đảng chủ trương thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam nhằm tập hợp giới trí thức, nhân sĩ yêu nước trong mặt trận đại đoàn kết dân tộc tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Theo chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Đảng Cộng sản thành phố Hà Nội, trí thức Sài Gòn – Nam Kỳ đã gây dựng phong trào bỏ học về Nam để bắt liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ, tham gia cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới. Tháng 2/1944, nhiều người trong đội xung kích “xếp bút nghiên” “lên đàng” bằng xe đạp như Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Đặng Ngọc Tốt, Vương Văn Lễ, Nguyễn Việt Nam, Trần Bửu Kiếm, Lê Văn Nhàn, Trương Cao Phước, Tạ Bá Tòng... Ròng rã hơn 1 tháng, sinh viên Nam kỳ về đến Sài Gòn, tham gia thành lập và trở thành lực lượng nòng cốt của tổ chức Tân Dân chủ đoàn, đến tháng 7/1944, tổ chức này sáp nhập vào Đảng Dân chủ Việt Nam.
Bấy giờ, Huỳnh Tấn Phát đã mua lại tuần báo Thanh niên, có nội dung tiến bộ nên đã nhận được sự ủng hộ, cộng tác của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ có tiếng tăm như Phạm Thiều, Lý Vĩnh Khuông, Xuân Diệu, Dương Tử Giang, Bằng Giang...
Tuy chỉ phát hành được vài số thì bị đình bản, nhưng với tinh thần “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tuần báo đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả và được Xứ ủy Nam kỳ chú ý. Từ đây, một số trí thức năng động như Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Việt Nam, Trương Công Cán, Vương Văn Lễ… được Xứ ủy tập hợp vào những lớp huấn luyện chính trị để bồi dưỡng thêm. Như vậy, vai trò của trí thức thời kỳ này không chỉ dừng lại ở những hoạt động tuyên truyền, cổ động, mà đã tiến bước đến những hoạt động dấn thân tham gia chuẩn bị về mặt tổ chức, nhân sự cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 29/9/1944, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội Truyền bá Quốc ngữ Nam kỳ được thành lập với Ban Trị sự gồm Michel Nguyễn Văn Vĩ, Phó Hội trưởng gồm Đoàn Quang Tấn và Dược sĩ Huỳnh Văn Tiểng, Tổng Thư ký là nhà báo Lý Vĩnh Khuông. Công tác truyền bá quốc ngữ ở Sài Gòn và Nam kỳ là hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao cả nhằm giúp nhân dân Nam kỳ thoát nạn mù chữ, đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân, góp phần tạo thêm những tiền đề vững chắc cho tiến trình đấu tranh cách mạng, do đó thu hút được đông đảo trí thức, sinh viên, học sinh tham gia. Rất nhiều trí thức được phân công vào các ban chuyên môn như tu thư, huấn luyện, giám sát, giáo huấn, cổ động, khánh tiết, trong số đó có kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, các giáo sư Nguyễn Văn Chì, Phạm Thiều, Trần Văn Hanh, Nguyễn Văn Duyên, Hồ Văn Lái, Trần Văn Các, Bằng Giang, đốc học Huỳnh Văn Y, Trần Thị Lành…
Đêm 9/3/1945, lo sợ Pháp lật lọng đánh từ sau lưng, quân Nhật đã tiến hành đảo chính Pháp, tuyên bố “trao trả độc lập” cho Việt Nam, chủ trương tập hợp thanh niên để “bảo vệ độc lập” mà Nhật vừa tuyên bố. Nhân dịp này, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, tập hợp thanh niên yêu nước làm xung kích và nòng cốt vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tham gia Thanh niên Tiền phong có nhiều trí thức như kỹ sư Kha Vạng Cân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Ngô Tấn Nhơn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, luật sư Thái Văn Lung, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, Võ Hà Trị, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Đăng, Hồ Văn Nhựt,
Huỳnh Bá Nhung, dược sĩ Trần Kim Quan, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Lê Văn Nhàn, Mai Văn Bộ, cùng một số trí thức người Hoa: Trang Dung, Dương Đạt, Đặng Hoán Bổn, Ngô Liên… Chỉ trong vòng 3 tháng, Thanh niên Tiền phong đã phát triển lên đến khoảng hơn 1,2 triệu người tại các tỉnh thành Nam bộ, thành phần được mở rộng ra các giới: Phụ nữ Tiền phong, Phụ lão Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong, Thanh niên Tiền phong Xí nghiệp. Đến tháng 8, Thanh niên Tiền phong, thực sự trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất tập hợp rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân yêu nước, các tôn giáo vào cao trào cách mạng toàn dân. Đó là kết quả của hoạt động năng động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động của trí thức, đồng thời cho thấy ảnh hưởng của trí thức trong nhân dân ngày càng sâu rộng.
Vai trò nòng cốt của trí thức ở Sài Gòn giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa còn thể hiện ở công tác binh vận. Giữa tháng 7/1945, dưới sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí Trần Văn Giàu cùng với Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn đã tổ chức gặp gỡ với một số nhóm vũ trang thân Nhật, thuyết phục họ phối hợp hành động. Họ đã đồng ý và sau đó tuyên bố gia nhập Việt Minh. Ngày 16/8/1945, sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đại diện Thanh niên Tiền phong là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đã được Thống chế Terauchi, Tổng Chỉ huy quân đội Nhật ở Nam Thái Bình Dương, mời đến thương lượng một số vấn đề. Tại cuộc gặp, Thống chế Terauchi đã chấp nhận những yêu cầu không can thiệp vào cuộc tổng khởi nghĩa sắp đến và cung cấp vũ khí cho lực lượng cách mạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho tổng khởi nghĩa, tránh được nguy cơ tổn thất cho nhân dân.
Ngày 19/8, được tin khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị ở Chợ Đệm lần thứ hai (21/8), thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, chỉ thị phải hoàn thành giành chính quyền trước 0 giờ ngày 25/8. Do đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, nên đến trước 22 giờ ngày 24/8, trí thức cùng nhân dân Sài Gòn đã chiếm được Dinh Khâm Sai, Dinh Đốc Lý, các sở cảnh sát, Đài Phát thanh… Sáng 25/8, nhân dân Sài Gòn và một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành mừng khởi nghĩa thắng lợi. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyên đọc danh sách của Lâm ủy Hành chính Nam bộ, bao gồm đa số là trí thức: Trần Văn Giàu (Chủ tịch), Nguyễn Văn
Tạo, Nguyễn Phi Hoanh, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Đôn Văn, Dương Bạch Mai, Ngô Tấn Nhơn … Ngày 13/9, Kỳ bộ Việt Minh họp mở rộng, quyết định đổi tên Lâm ủy Hành chính Nam bộ thành Ủy ban Nhân dân Nam bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Như vậy, trong tổng khởi nghĩa và xây dựng chính quyền mới của nhân dân, trí thức thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích, dẫn dắt nhân dân phá tan xiềng xích nô lệ để vươn lên địa vị làm chủ bản thân, làm chủ đất nước.
Có thể nói, cuộc tổng khởi nghĩa tháng CMT8-1945 có tầm vóc to lớn cả về quân sự và chính trị, thể hiện sự sáng suốt, đúng đắn, kịp thời trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, trong việc phân tích vai trò của từng bộ phận nhân dân và xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ và quyết tâm ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược để giành chính quyền về tay nhân dân. Điểm đặc biệt tạo nên thành công vang dội là Đảng đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội để đặt họ vào đúng vị trí của mình, phát huy đúng năng lực mà họ vốn có. Trong các giai tầng ấy, trí thức đã được Đảng đánh giá là lực lượng đặc biệt, có nhiệt huyết cách mạng và khả năng dự báo thời cuộc, có thể giúp Đảng trong hoạch định chính sách và dẫn dắt nhân dân trong tiến trình cách mạng.
Tiểu kết chương 1
Qua các thư tịch cổ Việt Nam, Trung Quốc, chúng ta biết được vào thế kỉ thứ 2, 3 sau công nguyên đã có những người Việt Nam học rộng, đỗ đạt cao. Nhưng đấy chỉ là số ít những trí thức đào tạo trong hoàn cảnh đất nước đang nằm dưới ách thống phương Bắc. Với các khái niệm về trí thức và đặc trưng của nó, có lẻ phải đến thế kỉ XI tầng lớp trí thức dân tộc với tư cách là một tầng lớp xã hội đặt biệt mới ra đời, từ đó trở đi, qua 7, 8 thế kỉ tiếp theo, với vai trò của Nho giáo được đề cao, việc tuyển chọn quan lại các cấp cho bộ máy Nhà nước thông qua con đường khoa khoa cử được đẩy mạnh, số người đi thi và đỗ đạt cao rất nhiều, đời nào cũng có những đại diện ưu tú, có những đóng góp tích cực cho mọi tiến bộ của đất nước về chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, y học, triết học…. Trong lịch sử đã có biết bao bậc
trí thức đã làm vẻ vang đất nước như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, v.v…
Lúc thực dân Pháp đánh chiếm nước ta (1858), chế độ phong kiến Việt Nam đương lúc suy tàn nhưng với dòng máu bất khuất được truyền thụ từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhân dân ta, đạp qua đầu bọn vua quan hèn nhát, bạc nhược, ô nhục đầu hàng, vẫn kế tiếp nỗi dậy chặn đường quân xâm lược. Những người phất ngọn cờ “Bình Tây” lúc ấy không ai khác hơn là các nhà văn thân, sĩ phu. Những trí thức yêu nước này, mặc dầu vẫn mang ý thức hệ phong kiến, nhưng đã đứng trên lập trường dân tộc để chống ngoại xâm.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của tầng lớp trí thức, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện, mong muốn những tài năng của đất nước ra phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhờ vậy mà bên cạnh lực lượng công nông hùng hậu, chúng ta còn có một đội trí thức ngày càng đông đảo trên tất cả các lĩnh vực. Sự thật, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tầng lớp trí thức cùng với nhân dân ta đã đi theo ngọn cờ của Đảng làm nên những thắng lợi nhất định, tạo tiếng vang, cơ sở cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
CHƯƠNG 2:
VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 2.1. Tình hình và nhiệm vụ cách mạng Việt Nam sau CMT8-1945
*Tình hình Việt Nam sau CMT8-1945:
Với thắng lợi của CMT8-1945, nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng ta đã trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước, nhân dân đã thực sự trở thành người làm chủ đất nước, thực sự được hưởng thành quả do cách mạng đem lại, nên có quyết tâm cao độ trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ mới.
Thế nhưng khó khăn, thử thách đối với nước ta lúc này rất nhiều. Kinh tế đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị kiệt quệ hơn do chính sách vơ vét, tham tàn của đế quốc, phát xít trong mấy mươi năm thống trị. Sau cách mạng, công nghiệp lạc hậu và đình đốn; nông nghiệp tiêu điều, ruộng đất bị bỏ hoang do hạn hán và lụt lội;