Tích cực chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 61 - 67)

7. Bố cục đề tài

2.4.3.Tích cực chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến

Lê Nin có một câu nói rất nổi tiếng: “Một giai cấp bị áp bức mà không cố gắng học sử dụng vũ khí, không cố gắng để có vũ khí thì chỉ đáng được đối xử như nô lệ”. Chúng ta không thể nào phủ nhận vai trò của vũ khí trong kháng chiến. Thực tiễn lịch sử chiến tranh thế giới cũng đã chứng minh tầm quan trọng của vũ khí, sức mạnh của vũ khí. Những nước tham chiến trong chiến tranh, với việc trang bị và sử dụng những loại vũ khí có trình độ cao hơn sẽ dễ tạo nên đột biến về chất, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng và cục diện chiến tranh để giành thắng lợi quyết định.

Xác định được cuộc đấu tranh của chúng ta là lâu dài và phải dựa vào sức mình nên ngay từ đầu cuộc chiến, Bác Hồ đã ra lệnh cần phải nghiên cứu, chế tạo vũ khí để đánh giặc,vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu...lên các chiến khu, để chuẩn bị sản xuất ngay khi có điều kiện. Ngày 15/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh ký

sắc lệnh thành lập phòng quân giới nhằm thực hiện hai nhiệm vụ thu thập, mua sắm và tổ chức xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí.

Trước nhiệm vụ đó, tầng lớp trí thức cách mạng Việt Nam đã tham gia chỉ đạo nghiên cứu, sáng chế, chế tạo ra vũ khí để chống lại quân thù. Ngày 5/12/1946, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được Bác Hồ gọi đến Bắc Bộ phủ, giao nhiệm vụ làm Cục trưởng cục quân giới. Với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, trí sáng tạo, ông đã nhanh chóng bắt tay vào trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta.

Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn về nhiều mặt, GS. Trần Đại Nghĩa đã cùng với các kỹ sư, kỹ thuật viên chế tạo thành công súng và đạn bazoka, súng đại bác không giật (SKZ), bom bay - những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới lúc bấy giờ.

Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, khi đạn bazoka góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ở vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Tây cũ). Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô. Sau đạn bazoka, những năm 1948 - 1949, Trần Đại Nghĩa và các đồng nghiệp trong Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu và chế tạo loại súng có sức công phá mạnh - súng không giật SKZ. Đây là dòng vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai.

SKZ Việt Nam xuất trận lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá nhiều lô cốt địch. Năm 1950, tại chiến trường Nam Trung Bộ, trong một đêm, với loại súng không giật này ta đã loại bỏ 5 đồn giặc. Địch hoảng sợ tháo chạy khỏi hàng loạt đồn bốt khác.

Để có thể đánh đòn chí mạng vào các điểm co cụm của địch, Trần Đại nghĩa tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công loại bom bay tương tự loại V1, V2 của Đức. Bom bay được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, góp phần làm nên

những thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược..

Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương” của Lucien Bodard, xuất bản 1963 tại Paris (Pháp), có viết: “Trước đây, người Việt chỉ có thể đột phá vào đồn bốt bằng cách lấy sức liều mạng. Nhưng bây giờ họ làm việc đó bằng bazoka hoặc SKZ (một loại đại bác không giật do Việt Minh chế tạo). Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo ở Đông Dương. Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”[46].

Sự ra đời của những vũ khí mang tên Trần Đại Nghĩa đã đưa trí tuệ Việt Nam vươn tới đỉnh cao của nền khoa học thế giới lúc bấy giờ.

Cũng trong thời gian này, tầng lớp trí thức rất hăng hái tham gia xây dựng các công binh xưởng và hoạt động trong đó để chế tạo vũ khí chiến đấu. Tại miền Bắc, để có vũ khí trang bị cho lực lượng tự vệ, nhiều công binh xưởng được thành lập. Nhà máy STAI của chủ tư sản Mai Tâm được trưng dụng làm cơ sở sửa súng đại bác, lựu đạn. Một số lớn máy móc của trường kỹ nghệ Hà Nội được trưng dụng phục vụ cho chế tạo súng tiểu liên, súng trường.

Chính quyền cách mạng vận động các nhà tư sản, trí thức như chủ xưởng Phan Đình Phùng cung cấp vốn để các trí thức và công nhân của ta làm việc ở cơ sở này sản xuất súng, lựu đạn trang bị cho lực lượng vũ trang. Một bộ phận công nhân Hà Nội do đồng chí Nguyễn Chính phụ trách đã vận chuyển máy, lập một công binh xưởng ở Cầu Chèm, Hòa Bình sau đó chuyển vào vùng tự do Thanh Hóa để sửa chữa và sản xuất vũ khí, cung cấp cho cuộc chiến đấu của ta. Nhiều kỹ thuật viên của ta đã tháo dỡ máy móc ra ngoại thành, xây dựng công binh xưởng.

Đến giữa năm 1947, liên khu Việt Bắc đã có tới 8 xưởng sản xuất vũ khí (5 xưởng của các tỉnh và 3 xưởng của các khu). Xưởng lớn nhất là xưởng Thống Nhất, có tới 275 công nhân, mỗi tháng sản xuất 10 nghìn lựu đạn, 2-3 bazoca, 1 súng cối 60 ly và 60 viên đạn cối, 30 địa lôi và 1.200 kg thuốc súng. Các xưởng khác có trung bình trên dưới 50 công nhân [57, tr.228]. Miền trung có xưởng quân giới X20,

xưởng Ngọc Lâm, xưởng Phú Lâm (Thừa Thiên Huế), xưởng Cao Thắng (Thanh Hóa), xưởng Đặng Thái Thân (Nghệ An). Tại Hà Tĩnh lập xưởng tại Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), ở Quảng Bình có xưởng ở Quy Hậu (Lệ Thủy) các kỹ sư và kỹ thuật viên được giao nhiệm vụ đều hoàn thành xuất sắc. Máy móc được lấy từ đầu ga xe lửa, gara, lò rèn đưa từ dưới xuôi lên, có cả xe lu. Nhiệm vụ chủ yếu, ban đầu của họ là chữa súng, chữa kíp mìn lựu đạn.

Cuối năm 1949, xưởng quân giới ở Chu Lễ (Thanh Hóa) là nơi đầu tiên chế tạo được a xít-sunfuric bằng phương pháp thủ công. Trên cơ sở kinh nghiệm này mà, Cục quân giới đã cho xây dựng hẳn một cơ sở chế tạo axít tại Đá Ngân (Thái Nguyên) và một cơ sở khác ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Riêng ở Thanh Hóa tính từ năm 1949-1952 đã sản xuất được 20.722 kg a xít các loại [57, tr.289]. Đó là một thứ nguyên liệu vô cùng quan trọng để chế tạo các loại thuốc súng. Năm 1948 nhiều kỹ sư hóa học trong phân xưởng này với những kiến thức cơ bản, đã mày mò chế tạo ra thuốc nổ.

Tại Gia Định - Sài Gòn, những cơ sở sản xuất đầu tiên được hình thành với tên gọi “Rờ sạc” là các cơ sở nhồi nạp thuốc súng. Công nhân xưởng Ba Son, nhà đèn Chợ quán, Sở Mộ, kho dầu Nhà Bè đã tháo gỡ máy móc chuyển ra vùng ven xây dựng các cơ sở sửa chữa, sản xuất vũ khí. Cuối năm 1945, xung quanh Sài Gòn đã có tới 20 tổ. Một lớp trí thức Sài Gòn – Gia Định cùng những trí thức từ Pháp về bổ sung cho các binh công xưởng chế tạo khí giới như kỹ sư Bùi Minh Nên, Triệu Cải, Phan Khắc Nhu, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Xuân Thái, Lê Tâm, Lê Văn Tác, Lê Minh Quang,… “Xưởng vũ khí giải phóng Nam Bộ” do kỹ sư Bùi Minh Nên phụ trách đóng ở Củ Chi đã tiếp quản và chế tạo lựu đạn từ hàng ngàn vỏ lựu đạn, đầu đạn của Nhật bỏ lại; chế tạo thành công lựu đạn rút, trang bị khắp chiến trường trong suốt thời kỳ chiến đấu sau này. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca đã tình nguyện về Cần Thơ lập công binh xưởng, với sự giúp đỡ của điền chủ Huỳnh Thiện Lộc. Luật sư Thái Văn Lung chế tạo thành công 2 khẩu pháo theo mẫu của Pháp.. Cũng trong thời gian này các đồng chí đảng viên Huỳnh Văn Sai, Đặng Thức, Nguyễn Văn Chí đã vận động anh em công nhân Ba Son, Faci thành lập

xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí do kỹ sư Bùi Minh Nên phụ trách. Kỹ sư Bùi Minh Nên, trưởng phòng hoá học của xưởng cùng anh em công nhân đã sản xuất được hàng loạt lựu đạn cho các chiến trường.

Đầu năm 1946, theo chủ trương cấp trên, tiến hành cuộc tổng di chuyển các công binh xưởng về chiến khu để chuẩn bị cho giai đoạn trường kỳ kháng chiến. Xưởng vũ khí do nhạc sỹ Nguyễn Mỹ Ca đang trên đường dịch chuyển về mật khu Tân Bằng thì bị máy bay địch phát hiện và tấn công. Toàn bị trang thiết bị của xưởng được chở trên một chiếc ghe lớn đã bị đánh chìm trên kênh đào An Biên. Nhạc sỹ Nguyễn Mỹ Ca cùng hai chiến sỹ khác đã anh dũng hy sinh. Sau đó chiếc ghe được vớt lên, toàn bộ trang bị kỹ thuật còn lại được giao cho các xưởng số 2, 4 và xưởng Bắc Sơn. Tháng 5/1946, thực dân Pháp tấn công vào căn cứ Bưng Tre, do không đề phòng, xưởng vũ khí của Nam Bộ bị thiệt hại nặng. Thực dân Pháp còn tấn công ồ ạt vào căn cứ Bộ tư lệnh Nam Bộ đóng tại An Lạc. Các đồng chí lãnh đạo xưởng bắt liên lạc với chi đội 10 và từ đó trở thành công binh xưởng của chi đội 10. Trong thời gian này anh em công binh xưởng đã chế tạo thành công loại lựu đạn rút theo nguyên tắc bỏ que sắt, dùng lớp tôn có tráng một lớp hoá học bịt sát đầu lựu đạn. Khi sử dụng chỉ cần rút miếng tôn ra, lửa bốc cháy làm cho lựu đạn nổ. Vì tiện ích đó, lựu đạn được sản xuất hàng loạt cung cấp cho các chiến trường.

Công binh xưởng chi đội 12 lúc đầu chỉ là một xưởng nhồi lắp súng đạn đóng ở vùng ven Hóc Môn do đồng chí Tô Ký lãnh đạo. Năm 1946, đồng chí Tô Ký chia xưởng thành ba ban vũ khí A, B, C. Lúc đầu các xưởng chỉ có 20 thợ lành nghề chiêu mộ từ các hãng. Nhưng đến ngày 22/9/1946, đại diện các ban ngành đến dự tại chiến khu An Phú Đông dự lễ cắt băng khánh thành Xưởng vũ khí Tổng công đoàn Nam Bộ. Xưởng do đồng chí Nguyễn Văn Khung nguyên là Uỷ viên ban chấp hành Công đoàn Nam Bộ phụ trách. Đội ngũ kỹ sư, trí thức gồm có kỹ sư Phan Văn Đôn, nhân viên kỹ thuật như Nguyễn Văn Tân, Lê Văn Mạnh... Cuối năm 1946, xưởng vũ khí của Tổng công đoàn Nam Bộ đã sản xuất được 8 khẩu tiểu liên. Sang năm 1947 xưởng đón thêm một số kỹ sư từ xưởng Ba Son xuống, cho mở thêm bộ

phận đúc vỏ lựu đạn, vỏ địa lôi, lựu đạn cần, lựu đạn phóng, súng và đạn cối 60- 81mm cung cấp cho các đơn vị võ trang để chủ động cho việc đánh địch từ xa.

Tháng 9/1946, tại chiến khu An Phú Đông (Gia Định), khánh thành xưởng vũ khí Tổng công đoàn Nam bộ, do đồng chí Nguyễn Văn Khung phụ trách. Xưởng tập hợp được nhiều kỹ sư như Phan Văn Đôn, Nguyễn Xuân Thái, Nguyễn Văn Tân, Vĩ Đỉnh Vi, Đoàn Văn Miêng. Xưởng đã sản xuất vỏ lựu đạn, vỏ địa lôi, lựu đạn phóng, đạn cối, súng tiểu liên MT. Ở Gia Định, có một dân quân xưởng, 3 ban Rờ sạc đóng ở Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức và 18 tổ vũ khí; trong năm 1949, đã sản xuất được 1208 lựa đạn gài, 3000 lự đạn ném, 2442 viên đạn, 24 địa lôi, 260 súng các loại [41, tr.113]. Nhiều loại vũ khí mới như súng SKZ, SSA, đặc biệt là mìn lõi FT, mìn Fetard, bom phóng, dùng tấn công các công sự, đồn bốt được sản xuất theo tài liệu hướng dẫn của GS. Trần Đại Nghĩa.

Cuối năm 1947, Ban chỉ huy xưởng Tổng công đoàn đã được kiện toàn, đồng chí Triệu Cải được chỉ định làm giám đốc, kỹ sư Vũ Đình Vi làm phó giám đốc phụ trách sản xuất, kỹ sư Phan Khắc Nhu làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, ngoài ra còn có các kỹ sư Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Xuân Thái... Đó là sự cố gắng nỗ lực của anh em ngành quân giới trong đó có sự đóng góp của tầng lớp trí thức.

Bên cạnh đó, các xưởng quân giới khác cũng rất nỗ lực, tìm mọi cách phát huy được khả năng lao động sáng tạo của mình để phục vụ chiến đấu, phục vụ nhân dân. Kỹ sư Lương Ngọc Khuê, phó giám đốc xưởng Trần Hưng Đạo, Liên khu 4, trong các công trình thí nghiệm xưởng gặp nhiều khó khăn về nhiên vật liệu như than, gạch chịu lửa, tôn thép...Song là một nhà trí thức có tinh thần phục vụ nhân dân, được sự giúp đỡ của anh em công nhân, ông đã kết hợp lý thuyết với thực tế để tìm ra sáng kiến khắc phục khó khăn. Kỹ sư đã sáng chế ra một lò kiểu hình vuông để thí nghiệm, giải quyết được nạn thiếu nguyên liệu. Ông còn nghiên cứu làm lò đúc (creuset) bằng bạc thay platin (bạch kim) để phân chất quặng, công việc thí nghiệm cho kết quả tốt, một lần nấu tiết kiệm 12 tấn than [43, tr.90]. Kỹ sư còn tìm ra cách lấy hơi ga cacbonich giảm chi phí cho cơ quan. Những phát minh này của kỹ sư được đem ứng dụng trong toàn quốc, rất hiệu quả.

Cùng thời điểm này, hai nhạc sỹ trẻ là Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca tình nguyện từ Sài Gòn về Cần Thơ lập công binh xưởng. Với sự giúp đỡ tận tình của kỹ sư điền chủ Huỳnh Thiện Lộc, xưởng đã sản xuất hàng loạt lựu đạn có chất lượng tốt. Sau., Với công sức và tấm lòng của những người trí thức cách mạng đóng góp cho ngành quân giới thực sự đáng tự hào. Việc các công binh xưởng được thành lập trong điều kiện chiến tranh khó khăn, thiếu thốn ở nước ta chứng tỏ khả năng sáng tạo to lớn của dân tộc ta. Khả năng sáng tạo ấy đã biến kỹ sư, chiến sỹ của cách mạng Việt Nam từ 12 người đầu tiên thành mấy chục vạn người, đã biến cái công xưởng thô sơ đầu tiên của anh hùng lao động Ngô Gia Khảm thành hàng ngàn công binh xưởng chế tạo được những thứ vũ khí đủ mạnh để chiến đấu với kẻ thù. Rất nhiều đồng chí đã hy sinh: Sinh viên Lê Đình Dụ ôm súng bắn thử trong thành Vinh, đạn nổ cướp mất xác. Ở liên khu Việt Bắc, khi thử lựu đạn mới hai công nhân là Hiệp và Giáp đã anh dũng hy sinh. Chiến sỹ Ngô Gia Khảm ba lần bị thương nặng vẫn tiếp tục công tác, nêu cao tinh thần quyết tâm vượt khó, không sợ chết, không khuất phục địch....

Trí thức, công nhân trước những gian nan, vất vả như vậy không nản chí mà vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ thực sự là những tấm gương anh dũng. Sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ kỹ sư quân giới, đã làm nên tiếng nổ đánh địch ở khắp mọi nơi

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 61 - 67)