Trong các tổ chức cách mạng

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 47 - 48)

7. Bố cục đề tài

2.3.2.1.Trong các tổ chức cách mạng

Song song với việc xây dựng chính quyền sau cách mạng thì việc củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, làm chỗ dựa vững chắc cho nhà nước dân chủ nhân dân được Đảng và Chính phủ quan tâm. Tập hợp quần chúng nhân dân tham gia vào các tổ chức yêu nước, tổ chức cách mạng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc là một yêu cầu cấp thiết. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng chủ trương phát triển các tổ chức cứu quốc và động viên giới trí thức và văn nghệ sĩ tham gia. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, trí thức ở mọi miền kể cả nước ngoài tình nguyện trở về hăng hái tham gia vào các tổ chức cách mạng.

Ngày 29/5/1946, Hội Liên Việt được thành lập theo sáng kiến của Hồ Chủ Tịch. Sáng kiến này đã tạo ra yếu tố vật chất cơ bản để đưa công tác tổ chức quần chúng của Đảng tới trình độ khoa học và nghệ thuật cao. Cương lĩnh của Hội Liên Việt thể hiện tư tưởng chiến lược và tính chính trị của một tổ chức cách mạng: "Hội có mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước, các đồng bào yêu nước vô đảng, vô phái, không phân biệt giai cấp tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú Cường".

Để phát triển Hội Liên Việt, Đảng nhận định "Trí thức là một trong những động lực đáng kể của cách mạng. Họ là bạn đồng minh tin cậy được của giai cấp công nhân" [20, tr. 94]; và đưa ra đường lối: "Củng cố Việt Minh - Phát triển Liên Việt". Với đường lối này, hai giai cấp Công Nông vẫn đóng vai trò "gốc" - "chủ" của cách mạng, liên minh Công Nông vẫn là xương sống của mặt trận, vẫn đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

Sự ra đời của Hội Liên Việt thể hiện tư duy chiến lược của Đảng, một mặt, đã chống lại luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của kẻ thù, hòng làm suy yếu bộ máy chính quyền, các tổ chức cách mạng của ta; mặt khác đã động viên hiệu quả đội ngũ lao động trí thức, nhất là những trí thức cao cấp tham gia vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Hội đã trở thành nơi hội tụ những tấm lòng yêu nước, những ai tuy chưa tán đồng vẫn có cơ hội, có tổ chức để thực hiện và phát huy hết khả năng yêu nước

của mình. Nhiều thân sĩ, nhân sĩ có tiếng, yêu nước, có tinh thần ủng hộ chính quyền mới nhưng lại không thích Việt Minh đã tham gia trong Hội Liên Việt, tạo ra cơ sở xã hội vững chắc cho cuộc kháng chiến, kiến quốc. Việt minh và Liên Việt đã cùng nhau làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng. Giúp Đảng, Nhà nước đập tan thủ đoạn chia rẽ dân tộc, giai cấp của kẻ thù, hạn chế tối đa âm mưu đòi giải tán chính phủ của bọn tay sai phản cách mạng.

Sau đó, ngày 20/7/1946, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chính thức thành lập. Suốt trong 9 năm kháng chiến, tổ chức Công đoàn được xây dựng lớn mạnh trong các nhà máy, xí nghiệp, trong các ngành chuyên môn, trong các cơ sở sản xuất công nghệ, thủ công nghiệp và vận tải. Nhờ vậy mà lao động chân tay và lao động trí óc ngày càng đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động trong tổ chức Công đoàn để tiến hành giành độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ra lời kêu gọi anh em công nhân, trí thức vùng tạm chiến như sau: “công nhân, nông dân, trí thức …hãy đấu tranh để giảm sức sản xuất chiến tranh của địch, phải chuẩn bị lực lượng để hưởng ứng bộ đội ta khi có cơ hội đánh vào lưng địch, phải chuẩn bị lực lượng để hưởng ứng bộ đội ta khi có cơ hội đánh vào lưng địch, đánh vào đô thị…. ở vùng tự do đến năm 1948, Tổ chức Công đoàn đã kết nạp thêm 168.142 đoàn viên. Ở các vùng địch chiếm đóng, các tổ chức công đoàn cơ sở đã được bí mật xây dựng. Trong suốt những năm chiến tranh, tổ chức này có vai trò quyết định trong việc động viên và tổ chức công nhân, trí thức bắt tay nhau cùng sản xuất và cải tiến kỹ thuật.

Bên cạnh các tổ chức trên, nhiều tổ chức khác như Hội truyền bá chữ quốc ngữ hoạt động ở Nam kỳ, Trung kỳ, tổ chức các nghiệp đoàn báo chí yêu nước, hội Việt kiều yêu nước, hội phụ nữ, hội nông dân,…đều có sự tham gia nhiệt tình của tầng lớp trí thức cách mạng Việt Nam.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 47 - 48)