Trong các lĩnh vực sáng tác văn học, nghệ thuật

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 82 - 87)

7. Bố cục đề tài

2.6.2. Trong các lĩnh vực sáng tác văn học, nghệ thuật

Văn hóa trong thời chiến là một trong những mặt trận đấu tranh phức tạp, không chỉ thực hiện nhiệm vụ "đánh đổ văn hóa ngu dân”, “văn hóa xâm lược của thực dân", mà còn tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, cổ vũ nhân dân trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong chín năm kháng chiến, vấn đề đấu tranh chống văn hóa nô dịch, xây dựng nền văn hóa mới của một nước độc lập ở vùng bị tạm chiếm và vùng tự do thường xuyên đặt ra: "văn hóa kháng chiến” và “kháng chiến văn hóa". Nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) trong tác phẩm "Là thi sĩ" đã viết:

“Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:

“Nay ở trong thơ nên có thép Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đội ngũ trí thức là văn nghệ sĩ sớm bắt tay vào việc xây dựng mặt trận văn hóa, văn nghệ kháng chiến theo phương châm: “Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận và các văn nghệ sĩ phải là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Từ khi Hồ Chủ tịch viết “Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ” ngày 25/5/1947, với những căn dặn: Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc...bấy nhiêu cũng đủ nói đến vai trò, vị trí quan trọng của trí thức trên lĩnh vực văn học nghệ thuật trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam chống lại thực dân Pháp.

Trên thực tế, Bên cạnh một số ít văn nghệ sĩ không chịu nổi gian khổ đã bỏ cuộc, đa số các văn nghệ sĩ đều tham gia sinh hoạt trong các Hội, các Chi hội văn hóa thuộc Mặt trận Việt Minh, hoặc Hội Liên Việt. Họ cùng phong trào báo chí yêu nước, văn thơ yêu nước giai đoạn này phát triển khá mạnh mẽ. Các nhà văn, nhà thơ khắc sâu lòng căm thù bè lũ cướp nước và bán nước vào các tác phẩm văn học của họ. Nhà thơ, nhà văn cũng đánh giặc bằng ngòi bút của chính mình, động viên thanh niên lên đường đánh giặc. Hàng trăm tác phẩm văn học với nhiều thể loại lần lượt ra đời với lời lẽ sắc bén tố cáo tội ác của bè lũ cướp nước. Nhiều nhà văn như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thành Nguyên, Quang Dũng, Chính Hữu... là những người lính trên mặt trận văn học tham gia tích cực vào việc đánh đổ sứ mạng khai hoá văn minh của thực dân Pháp, cái văn minh mà thực dân Pháp cố tình sơn phết thật hào nhoáng để tiện bề bình địch nước ta. Các đề tài như Nam kỳ tự trị, Phân ly, Việt gian... là đối tượng châm biếm của văn thơ.

Thơ ca phát triển mạnh, cũng rất phong phú với nhiều loại thể loại khác nhau về người lính cụ Hồ, về nông thôn Việt Nam, về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta... Đặc biệt, thơ văn trào phúng thời kỳ này phát triển mạnh mẽ và chĩa thẳng vào mặt bọn tay sai, ra sức đấu tranh đòi thống nhất Nam Bắc, đòi Pháp phải công nhận nước Việt Nam độc lập thống nhất.

Năm 1946 các báo đều có mục “trớ trêu” nhằm in đăng thơ văn trào phúng chống ly khai. Tiêu biểu cho văn thơ trào phúng phải nói đến nhà thơ Tú Mỡ với các tác phẩm Hát xẩm; Hội tề tổng mọc; Chữa mắt rồng...Với phương châm thơ trào phúng đánh địch, Tú Mỡ nói: “ Dùng ngòi bút đâm thủng mặt bọn bán nước và cướp nước”

Có rất nhiều cuộc thi thơ diễn ra, dù không đều đặn. Nhưng mỗi một cuộc thi đã có nhiều tác phẩm ra đời, động viên tinh thần quần chúng. Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền tranh đấu của tổng bộ Việt Minh đã đứng ra tổ chức cuộc thi thơ năm 1947. Chiến tranh ác liệt và còn muôn vàn khó khăn nhưng các tác giả đã ủng hộ nhiệt liệt. Có tất cả hơn 300 bài dự thi của đủ mọi tầng lớp. Nhận xét về phong trào này Bác Hồ, đã nói: “ Tuy chưa có bài nào tuyệt diệu nhưng bài nào cũng thiết thực như hạt lúa củ khoai, sắc bén như viên đạn mũi tên. Bài nào cũng tỏ rõ ý chí kiên quyết kháng chiến, cũng tin tưởng chắc vào kháng chiến thắng lợi cuối cùng. Có thể nói đó là thứ vật chất chất phác và hùng hậu như vật chất đời Trần. Một thứ vật chất đại chúng hợp thời đại”[18, tr.369]. Cuộc thi tuy không có giải nhất, chỉ có giải nhì thuộc về tác giả Võ Liêm Sơn, Nguyễn Duy Hinh..., nhưng những đóng góp đó làm giàu thêm cho nền văn hóa nước nhà và cổ vũ tinh thần đấu tranh đến cùng của nhân dân ta.

Năm 1948, hàng loạt những sáng tác được ra mắt độc giả như Nam Bắc gặp nhau của Bàn Tài Đoàn, Việt Bắc đánh giặc của Nông Quốc Chấn; Trịnh Đường có Hồi ký đầu thu, Vườn cải nhà tôi,... Năm 1949 cũng là năm của thơ, ngụ ngôn và kịch thơ có nội dung yêu nước và tiến bộ được xuất bản. Thơ nổi tiếng có Hương lòng của Hoài Sơn, Chiêu Hồn của Ngao Châu, Chiến sỹ hành của Vũ Anh, Khúc nhạc thành của Hồ Thị, Xông lên của Trần Dần, Thư nhà của Chính Hữu..

Năm 1951-1953, cũng có hàng loạt những bài thơ đoạt giải của hội văn nghệ Việt Nam. Điển hình như toàn bộ các tác phẩm thơ kháng chiến của Tú Mỡ; thơ của Nông Quốc Chấn người dân tộc Tày, thơ của Bàn Tài Đoàn, bài Hai Tộ hoà khoan của Trần Hữu Thung. Năm 1954 cũng có rất nhiều sáng tác được ra đời ca ngợi hoà bình, vui mừng đón chào chiến thắng, đón chào những người lính anh dũng trở về

điển hình bài thơ Quê hương của Ngô Quân Miện và bài Anh đã trở về của Lưu Trọng Lư...vv

Đặc biệt chúng ta còn có một bài thơ đoạt giải thưởng ở đại hội liên hoan Thanh niên diễn ra ở Buy-ca-ret. Đó là bài thơ Thăm lúa của người trí thức trẻ Trần Hữu Thung. Nội dung bài thơ nói lên tinh thần chiến đấu sản xuất của người nông dân và làm theo các điệu thơ của nông dân địa phương nên được nhiều người truyền tụng. Tác giả đã phản ánh rất trung thực tình cảm của người dân trong chiến đấu cũng như sản xuất. Bài thơ này được trao giải thưởng của hội văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952. Sau đó, Thăm lúa được chị Madơlen Pipphơ-một nữ chiến sỹ hoà bình người Pháp dịch sang tiếng Pháp và được rất nhiều người nước ngoài biết đến. Lễ trao tặng đệ nhất văn chương của đại hội liên hoan thanh niên thế giới cho thi sỹ Trần Hữu Thung ngày 19/1/1954 có hai vạn đồng bào địa phương tham dự cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng đông đảo các vị đại diện cho các ban ngành. Điều đó chứng tỏ tài năng của người trí thức Việt Nam, đồng thời qua thơ ông, bạn bè năm châu biết đến nhân dân Việt Nam đã từng lao động và chiến đấu như thế nào.

Nhìn chung hơn bao giờ hết, văn chương đi vào thực tế chiến đấu, chống giặc bằng những giá trị tư tưởng giải phóng dân tộc cao đẹp. Người nghệ sỹ với tư cách là người chiến sỹ cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống xâm lăng, người cầm bút kẻ cầm súng xông lên đánh giặc với tất cả khả năng mà họ có. Tất cả các tác phẩm văn học đều có sức chiến đấu cao, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Họ đi theo kháng chiến một cách tự nguyện, có chủ đích, đồng lòng chung sức cùng nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong những năm 1947-1950, rất nhiều “ca khúc kháng chiến” đã ra đời, gắn với một thế hệ “nhạc sĩ kháng chiến” tài danh như Hoàng Việt, Văn Lưu, Minh Trị, Lưu Hữu Phước, Long Châu, Mỹ Ca. Nhiều tác phẩm nhạc được sáng tác trong giai đoạn này ca ngợi lòng yêu nước, thúc giục tinh thần nhân dân cùng đứng lên đánh giặc ngoại xâm. Nhiều sáng tác đoạt giải, trữ tình, sâu lắng và ngợi ca tổ quốc như Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải, Hồ chủ tịch của Lưu Hữu Phước, Vượt trùng dương, Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Hồ Bắc của Trần Ngọc Xương, Đào

Đường của Văn Lương.Trong suốt những năm tháng kháng chiến số bài hát được phổ biến và đem biểu diễn trên 130 bài, số buổi biểu diễn trên 30 buổi. Nhiều lớp huấn luyện nhạc được mở ra, trong đó có cả lớp cho bộ đội và cho cả nhạc sỹ về khí âm và phối âm... Mỗi một bản nhạc cách mạng ra đời, là góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, sự tin tưởng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Đặc biệt, suốt những năm tháng chiến tranh, đoàn kịch hành quân theo chiến dịch, đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, đi tận vào vùng địch hậu với dân quân du kích... Các trí thức được cử đến với trung đoàn thủ đô năm 1948, 1949 gồm có Thế Lữ, Chính Hữu, Phan Khôi, Tô Ngọc Vân, sát cánh cùng tiểu đoàn pháo binh gồm có Văn Cao, Lưu Quang Thuận, lên Cao-Bắc Lạng có Mai Văn Hiến, Nguyễn Đức, Thanh Tịnh, đi lên Sông Thao có Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Trần Đăng... mục đích chính là để phục vụ công tác chính trị trong quân đội, gây phong trào văn nghệ trong quân đội, tìm đề tài sáng tác và để mang đời sống tinh thần bất diệt, truyền thêm sức mạnh cho chiến sỹ, đồng bào.

Bên cạnh các hoạt động văn thơ, âm nhạc thì tầng lớp trí thức văn hóa trong giai đoạn này cũng rất tích cực tham gia các hoạt động hội họa. Dù chiến tranh ác liệt, nhưng các họa sĩ vẫn tổ chức những buổi triển lãm hội họa để quần chúng nhân dân có dịp thưởng thức. Họa sĩ Nguyễn Trọng Cát, Lê Thành Công còn đưa cả tranh lưu động đi theo sát bước tiến của bộ đội để triễn lãm phục vụ kháng chiến. Ngoài ra, các họa sĩ tìm mọi cách để cố gắng tổ chức những cuộc triển lãm phục vụ đồng bào. Năm 1947 – 1949 triễn lãm được diễn ra ở liên khu I, Liên khu III trong suốt tháng 3 và tháng 10. Triễn lãm diễn ra ở Hà Nam và Hà Đông là nhiều nhất…Nội dung của những triễn lãm này chủ yếu trình bày vẽ chân dung những địa phương có thành tích trong kháng chiến, nuôi quân, những mạnh thường quân quyên góp của cải cho cách mạng, nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất nông nghiệp và cả trong binh xưởng, vận tải vũ khí và tranh tuyên truyền. Đa phần là nội dung tranh mang tính chất động viên nhân dân cùng hợp sức kháng chiến chống lại quân thù. Đúng như lời nhận xét của giáo sư Đặng Thai Mai: “Nghệ thuật hội họa Việt Nam sẽ là

những chứng thực hùng hồn cho một thời kì anh dũng bậc nhất trong pho sử độc lập của nước ta”.

Trong những năm 1952-1954, triển lãm hội họa của các họa sĩ có tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Nguyễn Khang,Nguyễn Sỹ Ngọc, …Đều được nhân dân tán thưởng nhiệt liệt. Trong suốt 9 năm kháng chiến, hàng loạt bức ảnh ra đời với ý nghĩa sâu sắc. Tại xưởng họa trung ương thời điểm đó có 27 bức tranh sơn mài của Nguyễn Tử Nghiêm, Tô Ngọc Vân, 27 bức tranh sơn dầu, lụa, 1 hình nặn đặt tại liên khu III. 6 bức sơn mài, 50 tranh bột màu và nhiều tác phẩm chưa có sự thống kế đầy đủ…

Rõ ràng trong suốt chín năm kháng chiến, nhiều chủ trương của Đảng, của Chính phủ, của Xứ ủy và tin tức mặt trận được nhanh chóng truyền đến nhân dân bằng hệ thống báo chí, đài phát thanh, đội tuyên truyền lưu động, đội văn nghệ xung kích, đội tuyên truyền xung phong Việt Minh... Cùng với quân và dân, người trí thức ngành văn hóa luôn bám sát trên từng chiến trường, theo từng trận đánh, đến từng đơn vị sản xuất, xuống từng căn cứ cách mạng để dựng lại bức tranh chống Pháp. Chính những nhà trí thức cách mạng Việt Nam đã làm bừng sáng chiến khu cách mạng bằng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ; nhiều tác phẩm văn học, thơ ca, âm nhạc, hội họa trở thành món ăn tinh thần hàng ngày cho quân và dân, để rồi "biến thành" ngọn lửa chiến đấu.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)