Tham gia phong trào tăng gia sản xuất

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 40 - 43)

7. Bố cục đề tài

2.2.2. Tham gia phong trào tăng gia sản xuất

Tháng 8/1945, lúc diễn ra CMT8-1945 cũng là lúc đê vỡ khắp nơi. Nạn lụt lan tràn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đây là nạn lụt lớn nhất thế kỷ XX do chiến tranh nhiều năm, đê điều gần như không hề được chăm sóc dẫn đến hơn nửa số đất ruộng ở nông thôn bị hoang hoá vì nông dân ly tán, công cụ sản xuất bị huỷ hoại…Hàng chục xí nghiệp ở nội thành bị đóng cửa, hàng vạn người không có việc làm. Nguy cơ một nạn đói mới sau nạn đói năm 1945 làm 2 triệu đồng bào chết, đang đe doạ nhân dân từng ngày, từng phút.

Nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là giải quyết nạn đói. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “chống đói cũng như chống ngoại xâm”, và Người kêu gọi: "Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo" [41, tr.71].

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tổng hội cứu tế và ủy ban tối cao về cứu và tiếp tế ra đời. Những người trí thức cách mạng đã rất hăng hái tham gia vào tổ chức này với mục đích kêu gọi người dân tiết kiệm để cứu giúp những người nghèo đói. Tiêu biểu trong những nhà trí thức đó là Nguyễn Mạnh Hà, Lê Văn Hiến...Với sự chung tay góp sức của đồng bào, và nhiệt huyết vận động người dân đóng góp của tầng lớp trí thức, trong tháng 9/1945 đã có 30 ngàn tấn gạo [41, tr.76] được chuyển từ Nam ra Bắc, cứu trợ đồng bào.

Tuy nhiên việc nhịn ăn, tránh lãng phí lương thực để đóng góp cứu dân nghèo chỉ là giải pháp tạm thời, cần một giải pháp bền vững và lâu dài. Hiểu được điều đó, ngay từ sau ngày tuyên ngôn độc lập, khắp nơi đều phát động chiến dịch tăng gia sản xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một khẩu hiệu thật đơn giản nhưng vô cùng thống thiết:

Tăng gia sản xuất, Tăng gia sản xuất ngay,

Tăng gia sản xuất nữa!

Để thực hiện chủ trương tăng gia sản xuất, khắp nơi đề ra khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, tức là tận dụng mọi nơi mọi chỗ có thể trồng trọt được. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ và các trí thức giàu lòng yêu nước như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Dung, Lê Xuân Hiến,... ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh liên khu IV, V,... các đoàn viên thanh niên, trí thức đã cùng nhau tập hợp xung quanh các tổ chức, hội, đoàn thể đi đầu trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu chống giặc đói, ứng phó kịp thời với những khó khăn nảy sinh trong những năm đầu cách mạng.

Hàng ngàn học sinh các trường ở Hà Nội, công nhân, trí thức, nhà văn, nhà báo,...đã thành lập các đội tăng gia sản xuất. Sau giờ dạy học, giáo viên học sinh tình nguyện ra các vùng ngoại ô, hoặc về vùng nông thôn với nông dân đẩy mạnh sản xuất. Nhiều thanh niên, trí thức xung phong đi khai hoang ở Hà Đông, Thái Nguyên,...chỉ riêng trong mấy tháng cuối năm 1945, hơn 200 ha đất đã được khai hoang, phục hóa [41, tr.59].

Bên cạnh đó, để đảm bảo sản xuất vững chắc, vấn đề quan trọng muôn thuở của nông nghiệp Việt Nam là đê điều. Rất khẩn trương, Đảng ta giao cho kỹ sư Đỗ Xuân Dung phụ trách công tác này. Bằng tài năng và tinh thần của người trí thức trẻ, bên cạnh một phần kinh phí Chính phủ, tỉnh, ông còn huy động được nhân dân tham gia rất đông. Quỹ thóc chữa đê vì thế được thành lập. Bằng tất cả những nỗ lực và cố gắng của các trí thức và nhân dân mà chỉ trong 4 tháng sau Cách mạng tháng 8, công tác sửa chữa đê điều đã hoàn thành. Tất cả các quãng đê vỡ (150 chỗ) đã được hàn khẩu xong, với khối lượng đất đã đào đắp 1.9 triệu m3. Hơn 10 triệu mét đê mới đã được xây dựng, với khối lượng đất đào đắp là 1,5 triệu m3 [53, tr.71]. Đó là một thành tích có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng gia sản xuất và cứu đói, là bằng chứng về trách nhiệm, năng lực và sức sống của chính quyền mới, đứng đầu là tầng lớp trí thức. Những hoạt động tích cực đó đã góp phần vào việc khắc phục khó khăn rất lớn về lương thực, đẩy lùi nguy cơ nạn đói, qua đó củng cố niềm tin cho quần chúng tin tưởng vào chế độ mới của Đảng ta.

Và thực tế nhờ sự nỗ lực, cố gắng của tầng lớp trí thức, của nhân dân trong công tác đê điều tiếp đến là tăng gia sản xuất đến năm 1946, nạn đói đã bị đẩy lùi. Sản lượng lương thực năm 1946 đạt 1.155.000 tấn, gấp đôi năm 1945 [44, tr.21]. Trong diễn văn kỷ niệm một năm Quốc khánh 2/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cách mạng đã chiến thắng nạn đói. Thực là một kỳ công của chế độ dân chủ”.

Cuộc sống lúc này tuy còn hết sức khó khăn nhưng trí thức và nhân dân ta vô cùng phấn khởi, tự hào trước thắng lợi của Cách mạng tháng 8 đã nêu cao tinh thần yêu nước, tương thân tương ái, vừa tích cực học tập và lao động, vừa tham gia bảo vệ chính quyền, góp phần giải quyết khó khăn về kinh tế của đất nước trong buổi đầu chính quyền còn non trẻ, đồng thời biểu hiện ý chí sắt đá của toàn dân tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)