7. Bố cục đề tài
2.4.1. Tham gia phong trào đấu tranh chính trị
Trong suốt chín năm Nam Bộ kháng chiến, mặc dù bị địch đàn áp khủng bố vô cùng tàn bạo, chịu nhiều tổn thất về lực lượng nhưng tầng lớp trí thức cách mạng Việt Nam vẫn thành lập nhiều tổ chức yêu nước và hoạt động công khai, bán công khai, phát động các phong trào đấu tranh chính trị trong vùng nội thành.
Trước tình thế ngày càng khẩn cấp, ngay từ đầu cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập họp thường vụ trung ương Đảng. Hội nghị kêu gọi đồng bào cả nước kiên quyết đập tan mọi âm mưu của địch muốn chiếm nước ta lần nữa, bảo vệ miền Bắc, chi viện sức người sức của cho miền Nam. Theo chỉ thị của Đảng và Bác Hồ, đoàn thanh niên, sinh viên và trí thức thủ đô xiết chặt đội ngũ đấu tranh.
Ngày 7/10/1945, nhân tướng Mac Lore-chỉ huy lục quân Mỹ ở Trung Quốc, tướng Hà Ứng Khâm-Tổng tham mưu trưởng quân đội Tưởng Giới Thạch, đáp máy bay đến Hà Nội chỉ đạo việc phá hoại cách mạng nước ta, Đảng ta đã tổ chức một
cuộc biểu dương lực lượng quần chúng hùng hậu cùng các lực lượng võ trang để đánh đòn phủ đầu về tinh thần đối với kẻ đầu sỏ này. Đây chính là dịp để tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên Hà Nội yêu nước và cách mạng thể hiện sức mạnh của mình trong cuộc đấu tranh.
Nhận được chỉ thị trên, chỉ trong vòng 4 giờ, Thành Đoàn đã bố trí đoàn viên toả đi các đường phố cơ quan xí nghiệp, trường học,…vận động quần chúng xuống đường đấu tranh. Thế là vừa đến thủ đô, đại diện cao cấp của quân đội Mỹ-Tưởng đã thấy hàng chục vạn thanh niên, trí thức và đồng bào Hà Nội, đội ngũ chỉnh tề, băng cờ biểu ngữ đỏ tươi rực trời hô vang khẩu hiệu “ủng hộ Việt Minh”, “ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”... Sức mạnh hùng hậu của nhân dân và sinh viên, trí thức thủ đô đã làm bọn đầu sỏ đối phương phải chùn tay. 5000 lính Pháp được phép kéo vào Hà Nội. Các thanh niên thủ đô, trong đó có sự tham gia của tầng lớp trí thức được hướng dẫn thực hiện sách lược “Hoà để tiến”, ngăn chặn các hành động khiêu khích, phá hoại của đội quân thực dân, tranh thủ thời gian củng cố, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sống còn với thực dân Pháp mà ta đã lường trước là không thể tránh khỏi.
Ngay chiều 23/9/1946, sau khi quân Pháp kéo vào Đà Nẵng, anh em trí thức đã in hàng vạn bản “Tuyên cáo quốc dân” của uỷ ban kháng chiến Nam Bộ rồi phát hành trong đêm cho toàn dân. Sáng ngày 24/9, Tổng công đoàn Nam Bộ kêu gọi nhân dân tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bãi khoá, cương quyết bất hợp tác với giặc. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam diễn ra rầm rộ ở khắp mọi nơi. Cuối năm 1947, phong trào “phá tề” của sinh viên, trí thức nổ ra rầm rộ ở vùng ven nội, vô hiệu hóa luôn việc làm “thẻ căn cước” của các “hội tề” ở khắp hai miền Nam Bắc. Các cơ sở của ta dần dần được hồi phục.
Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ ở các đô thị, nội thành Sài Gòn – Gia Định. Hưởng ứng mạnh mẽ nhất là tầng lớp trí thức học sinh, sinh viên với nhiều hoạt động phản chiến. Những sinh viên ưu tú đã thành lập và công khai ra mắt Tổng hội sinh viên cứu quốc thay cho Hội sinh viên yêu nước. Đứng đầu tổng hội là các đoàn viên trí thức ưu tú như Nguyễn Xuân
Sanh, Lê Văn Giang, Điền Văn Hưng, Nguyễn Thị Lan, Hoàng Nhật Khẩu, Đỗ Minh Đường… Một tổ chức Tự vệ Thành Sài Gòn – Chợ Lớn cũng được thành lập (3/1946), do GS. Nguyễn Xuân Diệm lãnh đạo, các kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Mạnh Liêm làm chỉ huy phó, đã thu hút đông đảo tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên tham gia. Sự ra đời Liên hiệp Nghiệp đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn trên cơ sở kết hợp giữa các tổ chức Công đoàn Sài Gòn – Chợ Lớn và tổ chức Công nhân Cứu quốc, với gần 200 nghiệp đoàn và hàng trăm nghìn đoàn viên, trong đó có trí thức kỹ sư tham gia, đã đẩy phong trào đấu tranh trong nhà máy, công ty bùng lên mạnh mẽ.
Trước tình đó, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, tạo nên không khí bắt bớ, tiêu diệt bao trùm địa bàn Sài Gòn – Chợ Lớn. Càng đàn áp, phong trào đấu tranh càng nổi lên. Tiêu biểu là các phong trào “Trần Văn Ơn”, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phong trào công nhân, đấu tranh đòi hòa bình, phong trào “Trí vận” của các thành viên Đảng Dân chủ Nam bộ do Huỳnh Tấn Phát làm Bí thư, có sự tham gia của các trí thức như luật sư Hoàng Quốc Tân, kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo, nha sĩ Nguyễn Xuân Bái, bác sĩ Phạm Bá Viên, kiến trúc sư Hoàng Hùng...
Trong bối cảnh phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi dưới sự đàn áp, bắt bớ dã man của thực dân Pháp, những người trí thức yêu nước đưa ra bản "Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn", bằng tiếng Việt và Pháp vào cuối tháng 4/1947. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đứng ra vận động nhân sĩ trí thức danh tiếng của Sài Gòn ký vào bản tuyên ngôn như: kỹ sư Lưu Văn Lang, GS. Đặng Minh Trứ, các luật sư Trịnh Đình Thảo, Phan Kiến Khương, Hồ Tri Châu, Trương Đình Du, Nguyễn Lâm Sanh, Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nha sĩ Nguyễn Xuân Bái, dược sĩ Phạm Hữu Hạnh, Phạm Thị Yên, các nhà giáo Lê Gia Huấn, Dương Minh Thới, nhà báo Vũ Tùng, Triệu Công Minh, Tỉnh trưởng Albert Tình và quan tòa Trần Văn Tỷ, kỹ sư Thái Văn Lân, nhà ngân hàng Michel Văn Vĩ, đốc phủ Nguyễn Văn Thiệt, đốc phủ sư Huỳnh Ngọc Bỉnh, hội đồng Thượng Công Thuận, Võ Hà Trị, điền chủ Từ Bá Thước,...
Bản tuyên ngôn ra đời nhằm hưởng ứng đề nghị đàm phán do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra ngày 25/4/1947 cho Bollaert – Cao ủy Pháp ở Đông Dương, về việc ngừng bắn, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Bản tuyên ngôn không chỉ đơn thuần là thông điệp của riêng giới trí thức, mà là nguyện vọng, là yêu sách thể hiện khí phách của kẻ sĩ Nam bộ, đồng thời cũng chính là nguyện vọng của nhân dân.
Từ giữa năm 1948 trở đi, nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như Quốc tế lao động, CMT8-1945,... thanh niên sinh viên ta đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh treo cờ, rải truyền đơn...Điên cuồng trước sự lớn mạnh của các lực lượng võ trang ở khắp mọi nơi, thực dân Pháp và tay sai tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào. Chúng đánh phá dữ dội các cơ sở cách mạng, bắt bớ, tàn sát hàng trăm cán bộ thanh niên. Vượt qua những tháng ngày khó khăn đó, quân dân ta vẫn vững vàng tiến lên.
Ngày 11/6/1949, sau cuộc bãi khóa chống bù nhìn Bảo Đại, đòi bảo đảm an ninh cho học sinh và mở lại các trường học, một số học sinh bị giặc và bù nhìn bắt. Trước hành động phát xít của lũ giặc và bè lũ tay sai, hầu hết sinh viên-học sinh và các giáo sư bãi khóa đòi trả lại tự do cho các bạn bị bắt.
Trong khi đó học sinh ở Huế, Hà Nội cũng đứng dậy đấu tranh liên tiếp gây thành một không khí căm thù, sôi nổi khắp nơi. Nhưng thực dân Pháp vẫn nuốt lời hứa. Cuộc bãi khóa còn tiếp tục đến ngày 9/1/1950. Hơn 2000 học sinh, sinh viên cùng rất đông đại biểu Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình trước tên Việt gian bù nhìn Trần Văn Hữu để đòi giặc phải thả một số sinh viên học sinh đã bị bắt, đòi đảm bảo an ninh cho sinh viên học sinh và đòi mở cửa không điều kiện các trường học. Cảnh binh mật thám Pháp và bù nhìn đã đàn áp ác liệt đoàn biểu tình, 36 người đã giết hại, hàng 1000 người bị thương.
Trước sự kiện này, ở nhiều nơi trong cả nước, học sinh-sinh viên đã bãi khóa, để tang những người đã hy sinh. Đặc biệt là ở Hà Nội, tất cả học sinh các trường đều tham dự lễ truy điệu người học sinh dũng cảm Trần Văn Ơn ở chùa Quán Sứ. Cuộc đấu tranh này được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ và được xem như cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất ở Hà Nội kể từ khi thành phố bị địch tạm chiếm.
Để ghi nhớ cuộc đấu tranh anh dũng của sinh viên-học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn, Liên đoàn thanh niên Việt Nam và Đoàn sinh viên Việt Nam đã lấy ngày 9/1 làm ngày sinh viên-học sinh toàn quốc.
Như vậy, cùng với nhịp độ kháng chiến diễn ra dồn dập trên mọi chiến trường quân sự từ Bắc đến Nam, phong trào đấu tranh chính trị của nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên ở vùng nội thành dâng cao hơn bao giờ hết. Một mặt, phong trào đấu tranh chính trị lên án tội ác của thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn; mặt khác cho thấy tinh thần đấu tranh bất khuất, mạnh mẻ của dân tộc Việt Nam trước một kẻ thù hùng mạnh hơn về nhiều mặt.