Khắc phục khó khăn về tài chính

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 38 - 40)

7. Bố cục đề tài

2.2.1.Khắc phục khó khăn về tài chính

Về tài chính tiền tệ, khi cách mạng thành công, kho bạc hoàn toàn trống rỗng. Thực tế đó được Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhận định một cách chua chát: Chính phủ cách mạng lúc đó là một chính phủ “không tiền”. Có một địa chỉ giữ tiền và đang in tiền là Ngân hàng Đông Dương nhưng do quân đội Nhật đóng giữ và chờ trao lại cho quân Đồng minh. Trong khi đó, tình trạng lạm phát một cách nghiêm trọng trong suốt 5 năm trước đó của Ngân hàng Đông Dương khiến cho bản thân đồng tiền Đông Dương cũng mất giá nghiêm trọng.

Trước những khó khăn, Đảng và Chính phủ xác định nền tài chính kháng chiến trong giai đoạn đầu phải dựa trên sự ủng hộ của toàn dân, phải thoát ly hẳn sự ràng buộc với Ngân hàng Đông Dương của Pháp. Tại vùng tự do, chính quyền đã tổ chức "Tuần lễ vàng", đóng góp vào “Quỹ độc lập”, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về tài chính. Nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng đối với việc khắc phục nền tài chính sau cách mạng, rất nhiều trí thức cách mạng Việt Nam đã đứng ra ủng hộ chính quyền bằng các hình thức quyên góp, quyên thu khác nhau.

Những nhà trí thức cách mạng Việt Nam đã không ngần ngại đêm tài sản của mình và vận động mọi người tham gia quyên góp, hơn thế nửa họ đã băng rừng, lội suối, vượt qua bom đạn để đưa tài sản mà nhân dân quyên góp đến nơi cần, giúp cho Chính phủ vượt qua khó khăn trước mắt. Nhờ tài ăn nói, tháo vát, giỏi ngoại ngữ mà luật sư Trịnh Hồ Thị là người phụ trách cục thuế quan và thương cảng Sài Gòn, người có đặc quyền thu thuế các hãng buôn rượu, muối và đang nắm trong tay một tài sản có giá trị lớn. Ông quyết tâm đem tiền bạc của cải trong kho cục hải quan đi theo kháng chiến. Được sự giúp đỡ của lính Nhật cùng các nhân viên, ông đã giải quyết ổn thoả công việc và chất lên xe tải hàng 100kg tiền đồng, lụa là, 20kg thuốc phiện, 50 chục ngàn đồng Đông Dương, giao cho chính quyền cách mạng, giảm bớt khó khăn cho nền tài chính của ta. Luật sư Lê Đình Chi nhân danh trí thức

kêu gọi nhân dân tham gia ủng hộ tài chính cho kháng chiến, dùng tài sản của mình mua súng đạn.

Kỹ sư Huỳnh Thiện Lộc và Tôn Đức Thắng được Xứ ủy giao nhiệm vụ áp tải vàng thu được qua “Tuần lễ vàng” ở Sài Gòn – Gia Định, vùng Nam bộ, ra Trung ương. Dưới sự chỉ đạo của ông Đỗ ĐìnhThiện, một trí thức yêu nước nổi tiếng, thanh niên, trí thức đã kiên trì khéo léo vận động, gia đình, bà con phố phường ủng hộ ngân sách Nhà nước, tạo nên không khí sôi động, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân yêu nước. Nhiều gia đình ủng hộ cách mạng hàng lạng vàng. Đặc biệt là gia đình ông trí thức Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng đã ủng hộ 100 lạng vàng [41, tr.73]. Có người đem cả những vật kỷ niệm như nhẫn cưới, hoa tai góp vào quỹ. Anh em trí thức nhiều nơi còn tổ chức diễn kịch và múa lân để lấy tiền ủng hộ vào quỹ. Có thể xem lực lượng trí thức là lực lượng xung kích trong cuộc vận động xây dựng “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”.

Những cán bộ, trí thức như Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Phan Đức Huy... đã lặn lội, băng rừng, vượt biển, len lỏi, trong rừng sâu, ẩn nấp khỏi những trận càn của Pháp để cuối cùng cả vàng và nhiều báu vật mà nhân dân miền Nam- Trung Bộ đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến đã được chuyển ra Bắc trọn vẹn. Vàng đã là rất quý, nhưng tấm lòng vàng của nhân dân và trí thức Nam-Trung Bộ còn đáng trân trọng hơn.

Không chỉ hiến tặng tiền bạc, vàng, nhân dân các nơi còn cho mượn hoặc hiến tặng nhà cửa cho Chính phủ, trường học, bệnh viện, trạm xá, tặng quần áo, thuốc men, lương thực, thực phẩm để nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội. Trong cuộc vận động này rất nhiều nhà tư sản trí thức đã đóng góp hết lòng cho cách mạng, cho độc lập dân tộc. Có thể nêu ra một vài trường hợp trong muôn vàn nghĩa cử cao đẹp như vậy: Bác sỹ Nguyễn Văn Luyện ở Hà Nội nhường cả nhà in báo “Tin mới” của ông để in báo Cứu quốc. Kỹ sư Huỳnh Thiện Lộc, quyền cao chức trọng, thành viên của Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương, có chục ngôi nhà ở Sài Gòn, hàng mấy nghìn ha ruộng ở Nam Bộ,... ông đã quyết định hiến tặng toàn bộ số ruộng của mình cho cách mạng, cho chiến khu. Ông còn rong ruổi trên chiếc xuồng tam bản, đi khắp các

kênh rạch vận động các điền chủ khác ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến,...những nghĩa cử, tinh thần ấy thật sự rất đáng quý cho cách mạng.

Nhờ vậy mà chỉ trong một tuần từ 16/9 đến 22/9/1945, người dân cả nước không phân biệt giai cấp, tôn giáo, người nhiều tiền góp nhiều, người có ít góp ít, đã tự nguyện góp được 370 cân vàng, 20 triệu đồng cho Quỹ độc lập, 40 triệu đồng cho Quỹ Đảm phụ Quốc phòng. Đáng chú ý là ngày vàng đầu tiên (16/9), nhân dân Hà Nội đã ủng hộ 835,2 lạng vàng vào Quỹ Độc lập để giúp người giúp nước với sự góp mặt của những nhà tư sản lớn ở Hà Thành như: ông bà Lê Cường ủng hộ 50 lạng, cụ bà Trịnh Phúc Lợi và ông Trịnh Văn Bô ủng hộ 102 lạng, bà Nguyễn Hữu Tiệp ủng hộ 26 lạng…. Riêng trong ngày vàng đầu tiên đã có 8.000 người đến tặng vàng [41, tr.75].

Những kết quả thu được từ “Tuần Lễ Vàng” cuối mùa thu Ất Dậu 1945 không chỉ có ý nghĩa to lớn về tài chính mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Lượng tiền, vàng mà nhân dân, trí thức cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo.

Một phần của tài liệu VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 (Trang 38 - 40)