PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.1.3. Những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam
nhân con người Việt Nam
Một là, yếu tố bẩm sinh, tư chất sinh học. Có thể nói, yếu tố bẩm sinh, tư
chất sinh học là điều kiện, tiền đề tự nhiên của năng lực cá nhân con người. Yếu tố bẩm sinh, tư chất sinh học là những đặc điểm riêng có của cá nhân về giải phẫu sinh lý, cấu tạo và hoạt động của hệ thần kinh trung ương của mỗi người. Những yếu tố bẩm sinh, sẵn có này có thể mang tính di truyền (mang gen của bố mẹ), nhưng cũng có thể là những yếu tố tự tạo (cái cá nhân thu nhận được, khác với bố mẹ). Mỗi người có cấu trúc hệ thần kinh, gen di truyền và nhóm máu... khác nhau. Cho nên, không có sự ngang bằng nhau về tư chất, về yếu tố sinh học ở mỗi con người, và do đó, quy định sự khác nhau về năng lực của mỗi người. Cùng một môi trường sống, môi trường giáo dục, hoạt động như nhau, nhưng mỗi người lại có trình độ năng lực và các loại năng lực không như nhau.
C.Mác đã khẳng định, các năng lực hình thành trên cơ sở của các tư chất tự nhiên, năng khiếu bẩm sinh đóng vai trò quan trọng. Tư chất có ảnh hưởng đến tốc độ và chiều hướng của sự hình thành và phát triển năng lực. Một người có sẵn những tư chất phù hợp với sự phát triển năng lực tương ứng với tư chất đó thì sẽ dễ dàng phát triển năng lực ấy và dễ đạt được kết quả cao hơn những người không có tư chất phù hợp. Theo một nghiên cứu, hệ thần kinh của con người có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực. Chẳng hạn, tốc độ hình thành các phản xạ có điều kiện nhanh hay chậm, bền vững hay không bền vững có ảnh hưởng đến sự hình thành kỹ năng, kỹ xảo của con người. Tốc độ hình thành các phản xạ ức chế phân biệt có ảnh
hưởng đến hoạt động phân tích so sánh. Tốc độ thành lập và biến đổi nhanh chậm các động hình thần kinh giúp con người hoạt động và thay đổi hoạt động một cách thích hợp mau lẹ hay chậm chạp với ngoại cảnh. Kiểu thần kinh cũng góp phần tạo nên năng lực trong những hoạt động nhất định nào đó. Người có kiểu thần kinh cân bằng sẽ tạo điều kiện tốt để phát triển năng lực trong lĩnh vực dạy học cũng như công tác lãnh đạo... Ngoài ra, những đặc điểm giải phẫu sinh lý khác cũng có ảnh hưởng đến một loại năng lực nào đó, chẳng hạn, nếu não được cung cấp máu đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng tốt đến sự ghi nhớ, tăng khả năng hoạt động trí óc, phát triển năng lực trí tuệ [2, tr.260-261]...
Đối với con người Việt Nam hiện nay, việc xác định những yếu tố bẩm sinh, tư chất sinh học nào có tác động tích cực cũng như tiêu cực tới việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam; đồng thời, xác định tư chất, yếu tố bẩm sinh của mỗi người là khác nhau để có những giải pháp thích hợp nhằm phát triển tài năng, năng khiếu cá nhân là rất cần thiết. Yếu tố bẩm sinh, tư chất sinh học là cơ sở tự nhiên, là tiền đề cần thiết để hình thành, phát triển năng lực và ảnh hưởng đến sự khác biệt năng lực giữa người này với người khác. Tuy nhiên, yếu tố bẩm sinh, tư chất sinh học mới chỉ là điều kiện cần, là khả năng khách quan vốn có bắt nguồn từ năng lực phản ánh của bộ não người chứ không quyết định sự phát triển năng lực cá nhân con người. Khả năng khách quan này chỉ được khơi dậy thông qua hoạt động của con người, qua giáo dục, lao động, giao tiếp... Chẳng hạn, một người có tư chất thông minh nhưng không tham gia vào quá trình học tập, lao động, không được giáo dục... thì tư chất đó sẽ không phát huy được, không phát triển được năng lực trí tuệ, thậm chí tư chất đó có thể bị thui chột đi. Vì vậy, điều kiện đủ và có tính chất quyết định phát triển năng lực của cá nhân là các hoạt động của cá nhân như hoạt động xã hội, lao động, giáo dục...
Hai là, điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường sống của con người. Năng lực cá nhân con người không chỉ là sản phẩm của tự nhiên, chịu ảnh hưởng và tác động bởi các yếu tố tự nhiên, sinh học mà còn mang bản chất xã hội, là sản phẩm của xã hội và chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường sống nhất định của chủ thể. C.Mác từng cho rằng, con người là “sản phẩm của hoàn cảnh”, do hoàn cảnh tạo nên. Với tư cách là chủ thể của lịch sử, con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy [12, tr.55].
Các điều kiện kinh tế - xã hội có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển năng lực cá nhân con người trong xã hội. Sự phát triển năng lực cá nhân mỗi người phụ thuộc vào điều kiện sống, vào sự phát triển nền kinh tế dựa trên cơ sở phương thức sản xuất và điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Khi nền kinh tế phát triển, khoa học công nghệ hiện đại, điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của con người được đảm bảo, các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư, con người có điều kiện học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, phát triển năng lực cho bản thân. Ngược lại, một nền kinh tế kém phát triển, sản xuất nghèo nàn, quan hệ sản xuất lạc hậu, đời sống con người khó khăn, cơ sở vật chất, điều kiện học tập thiếu thốn... sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực, kìm hãm sự phát triển năng lực nhận thức của con người. Mặt khác, cùng với việc xuất hiện những phương thức mới của đời sống vật chất và tinh thần của xã hội thì những nhu cầu về việc phát triển năng lực con người cũng xuất hiện. Điều kiện sản xuất phát triển, sự tiến bộ của khoa học công nghệ đòi hỏi con người phải có những năng lực tương ứng, phù hợp để đáp ứng với trình độ phát triển của khoa học công nghệ và của sản xuất. Trình độ sản xuất, trình độ kỹ thuật càng cao thì càng làm cho năng lực con người thêm phong phú. Những đòi hỏi đó buộc con người phải không ngừng tự trau dồi, phát triển, nâng cao hơn nữa các năng lực của bản thân để có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến phát triển năng lực của con người. Tính năng động của nền kinh tế thị trường, những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự mở cửa, hội nhập sâu, rộng, một mặt, đã khơi dậy năng lực sáng tạo to lớn ở mỗi con người. Con người có nhiều điều kiện và cơ hội hơn trong lao động sáng tạo, học tập, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, văn minh nhân loại. Con người trở nên năng động, nhạy bén, dễ tiếp nhận, thích nghi với sự thay đổi, có khả năng thích ứng, hòa nhập trong môi trường đa văn hóa… Mặt khác, cũng đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi con người phải nỗ lực rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực cho bản thân mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, yếu tố chính trị cũng có tác động đến sự phát triển năng lực cá nhân con người. Nếu một chế độ chính trị ổn định, cơ chế, chính sách xã hội thông
thoáng, khách quan, dân chủ, công bằng, con người sẽ được khuyến khích, được tạo điều kiện và có cơ hội phát triển hết năng lực của mình. Chỉ có thể chế dân chủ mới thực sự giải phóng và phát triển được những năng lực của con người, khơi dậy và phát huy mọi năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng. Ngược lại, một nền chính trị bất ổn, chiến tranh, xã hội rối ren, mất dân chủ, kinh tế không phát triển... sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển năng lực cá nhân mỗi người. Không những vậy, các cơ chế, chính sách của nhà nước cũng ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực cá nhân. Một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chỉ thành công khi đặt trọng tâm cao nhất là vì sự phát triển của chính con người, giải phóng năng lực con người khỏi mọi sự ràng buộc, kìm hãm phát triển. Chủ trương, đường lối, chính sách, cơ chế như thể chế, thủ tục hành chính, chính sách việc làm, cơ chế tuyển dụng, chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ, phát hiện, trọng dụng và sử dụng nhân tài... đúng đắn, phù hợp sẽ có tác động tích cực cho phát triển năng lực cá nhân. Nó không chỉ tạo điều kiện cho con người phát triển tài năng, là động lực kích thích con người không ngừng nâng cao năng lực, phát huy hết năng lực của bản thân mà còn là giải pháp để thu hút nhân tài. Đồng thời, chủ trương, chính sách, cơ chế không phù hợp, thiếu thực tế, thiếu khoa học có thể làm kìm hãm sự phát triển năng lực của cá nhân con người, v.v..
Ngoài ra, môi trường sống, môi trường làm việc, nền văn hóa - xã hội của con người cũng có tác động đến sự phát triển năng lực cá nhân con người. Môi trường sống trong lành, văn hóa, văn minh, trình độ dân trí cao, có phong trào học tập tốt; một môi trường làm việc dân chủ, mọi người có tinh thần làm việc hăng say, nhiệt huyết,... sẽ tác động tích cực đến việc phát triển năng lực cá nhân con người. Con người sẽ được phát huy hết mọi sở trường, năng lực của mình. Con người sẽ chủ động học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, hăng say tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo... cho phù hợp, thích ứng với môi trường sống, môi trường làm việc đó để không bị đào thải. Mức độ phát triển của nền văn hóa - xã hội có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực cá nhân, song không quy định một cách trực tiếp sự phát triển năng lực con người. Mỗi người có thể tiếp thu nền văn hóa - xã hội đó một cách khác nhau để hình thành năng lực của mình. Năng lực con người được hình thành và phát triển trong hoạt động và giao tiếp nhằm thỏa mãn nhu cầu. Thực tế cuộc sống đòi hỏi con người phải hoàn thiện một số năng lực để thỏa mãn nhu
cầu. Chẳng hạn, năng lực tri giác của con người được phát triển cùng với nhu cầu phân biệt các sự vật khách quan; năng lực tư duy phát triển do nhu cầu của con người phải đi sâu tìm hiểu bản chất của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan [2, tr.265]...
Ba là, lối sống, phong cách tư duy, đặc điểm con người truyền thống. Con người là một thực thể thống nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Không chỉ các yếu tố sinh học, mà cả yếu tố xã hội bên trong con người (như những phẩm chất xã hội, đời sống tâm lý xã hội...) cũng có những ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực cá nhân mỗi người. Yếu tố xã hội bên trong con người mang tính lịch sử - xã hội, là những quy định về mặt xã hội tạo nên cá nhân con người. Ở mỗi một giai đoạn lịch sử, con người có những đặc điểm riêng nhất định về phẩm chất, tâm lý xã hội,v.v.. Tuy nhiên, tính di truyền sinh học và kế thừa xã hội của con người đã giúp con người hình thành nên những đặc điểm chung về phẩm chất, tâm lý xã hội cho con người ở mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Những đặc điểm này có tính ổn định và được kế thừa từ đời này qua đời khác. Tuy đối với mỗi cá nhân khác nhau thì mức độ ảnh hưởng của những đặc trưng về phẩm chất, tâm lý xã hội này đến phát triển năng lực cá nhân là không như nhau. Nhưng, ở một mức độ nào đó, những yếu tố đó có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển năng lực cá nhân mỗi người.
Ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy, những tác động từ lối sống, tư duy và đặc điểm của con người truyền thống vẫn còn ảnh hưởng đến một bộ phận con người Việt Nam. Sự tác động này vừa có ảnh hưởng tích cực, song cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực là trở ngại cho sự phát triển năng lực con người Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, người Việt Nam truyền thống vốn được đánh giá là có tư chất thông minh, có tư duy sáng tạo nhưng lại chịu ảnh hưởng của tư duy “sản xuất nhỏ”, tiểu nông, làm ăn nhỏ lẻ, manh mún nên tư chất đó chỉ được bộc lộ rõ nét trong xử lý tình huống vụn vặt phát sinh trong cuộc sống và lao động thường ngày, hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn “cái khó ló cái khôn”,... Những phẩm chất, tâm lý này có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển năng lực cá nhân của một bộ phận người Việt Nam hiện nay, không phát huy được tư chất thông minh và tư duy sáng tạo trong công việc và cuộc sống, có chăng thì chỉ dừng ở mức độ “khôn vặt”, có tính chất đối phó với tình huống; tư duy vẫn mang tính thiển cận, ít có tư duy chiến lược. Tâm lý “an phận thủ thường”, thích an nhàn, dễ bằng lòng với cuộc
sống của người Việt truyền thống cũng làm hạn chế khả năng tìm tòi, sáng tạo và những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nhất là năng lực tư duy sáng tạo, phát minh, sáng chế rất hạn chế. Bên cạnh đó, tâm lý đề cao danh vọng, địa vị, trọng sỹ diện, thể diện của gia đình, dòng tộc của con người Việt Nam truyền thống còn duy trì cũng làm cho một bộ phận người Việt Nam hiện nay trở nên trọng thành tích, ưa hình thức, phô trương, dẫn đến coi việc học tập chỉ vì bằng cấp, vì điểm, địa vị,...
chứ không phải nâng cao năng lực cho bản thân. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt truyền thống được phát huy trong những hoàn cảnh khó khăn, bần hàn, nhưng lại dễ bất hòa, mâu thuẫn khi có điều kiện sống tốt hơn, đố kỵ, ghen ghét nhau khi người khác hơn mình; tinh thần làm việc độc lập thì tốt nhưng lại ỉ lại khi làm việc tập thể, thiếu tính liên kết các cá nhân với nhau trong công việc... đã làm ảnh hưởng tới năng lực hợp tác, năng lực làm việc nhóm của một bộ phận người Việt Nam hiện nay. Thái độ coi trọng cộng đồng đã trở thành một nét tính cách truyền thống đặc trưng của con người Việt Nam, nhưng việc đề cao cộng đồng thái quá lại trở thành tư tưởng bè phái, cục bộ địa phương, cũng là một trở ngại đối với sự phát triển năng lực cá nhân con người. Những tác động tiêu cực đó đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển năng lực cá nhân của một bộ phận người Việt Nam.
Lối sống, tư duy, đời sống tâm lý truyền thống của con người không phải được hình thành một sớm, một chiều mà đã trải qua một quá trình lâu dài, trở thành những nét đặc trưng và tương đối ổn định. Do vậy, việc thay đổi lối sống, tư duy, đời sống tâm lý truyền thống cho một bộ phận, một thế hệ người của một dân tộc, nhất là để phát huy ảnh hưởng tích cực, khắc phục, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của những yếu tố này nhằm phát triển năng lực cá nhân con người không phải là vấn đề đơn giản. Chỉ trên cơ sở giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao khả năng tự ý thức, tự giáo dục cho bản thân mỗi cá nhân con người, nhất là cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ấu thơ là giải pháp hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng này.
Bốn là, giáo dục, đào tạo. Giáo dục, đào tạo là quá trình trang bị kiến thức,