TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
3.1.2. Một số hạn chế của việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế thời gian qua
Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế thời gian qua
Thứ nhất, sự phát triển năng lực nhận thức của cá nhân con người Việt
Nam còn những bất cập nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế.
Sau hơn 30 năm đổi mới, năng lực nhận thức biểu hiện ở trình độ dân trí, trình độ tri thức, nhận thức, năng lực trí tuệ của cá nhân con người Việt Nam đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu của điều kiện hội nhập, đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tuy đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đổi mới, song, công tác giáo dục - đào tạo của chúng ta còn nhiều hạn chế. Những cải cách trong chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo hầu như chỉ là sự áp dụng máy móc, khập khiễng những chương trình giáo dục ở nước ngoài, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng,
quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của điều kiện hội nhập quốc tế. Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Cùng với đó là bệnh thành tích, bệnh hình thức và những hiện tượng tiêu cực, những sai phạm trong ngành giáo dục diễn ra từ hệ thống quản lý giáo dục tới các cấp học, ngành học, từ bậc mầm mon cho tới bậc sau đại học… Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục năng lực cho cá nhân con người Việt Nam. Vì vậy, những năm qua, trí tuệ con người Việt Nam đã có bước phát triển, song không đều
ở mọi cá nhân và chất lượng chưa cao; việc nâng cao trình độ học vấn đôi khi còn chưa đảm bảo chất lượng.
Tính trong toàn quốc hiện nay, mặt bằng dân trí ở nước ta còn thấp, nhất là ở các bậc học thấp. Tuy trình độ văn hóa, trình độ học vấn tính theo bằng cấp của người Việt Nam ngày một tăng về số lượng, song chất lượng còn chưa tương xứng. Ở các bậc học phổ thông, nhiều nơi không chú trọng đào tạo để nâng cao trình độ nhận thức cho học sinh mà chủ yếu chỉ vì thi đua, khen thưởng, vì thành tích. Do đó, kết quả học tập và thành tích của học sinh, của nhà trường nhiều nơi chưa đi kèm với chất lượng thật sự. Tình trạng đào tạo ồ ạt đối với cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở một số cơ sở đào tạo vừa qua, cùng với quan niệm “học để lấy bằng”, để “hợp thức hóa” thủ tục… đã làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng đầu ra. Số lượng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngày một tăng, nhưng chất lượng đào tạo ở một số nơi còn chưa cao. Có nơi, có chỗ còn có hiện tượng “đầu ra thấp hơn đầu vào”, đã thể hiện sự không hiệu quả của quá trình đào tạo, làm cho trình độ nhận thức, tri thức của người học không những không được tăng lên mà thậm chí còn bị giảm đi so với yêu cầu.
So với các nước trong khu vực, tỉ lệ người có trình độ đại học ở nước ta còn thấp, chưa kể đến chất lượng của các sinh viên được đào tạo tại Việt Nam chưa được thế giới công nhận. Tỉ lệ người có bằng đại học ở Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, trong khi thấp hơn Thái Lan, Inđônêxia và Philippin. Bên cạnh đó, đang có tình trạng “lão hóa” cả về tuổi tác và tri thức ở đội ngũ cán bộ khoa học, dẫn đến tình trạng “hẫng hụt” và thiếu các chuyên gia đầu ngành. Tình trạng hẫng hụt về kiến thức, bất cập về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở một số cá nhân viên chức còn phổ biến. Mức chênh lệch về trình độ học vấn giữa các cá nhân ở thành thị
với các cá nhân ở nông thôn ngày càng lớn. Có tới 92,2% tiến sĩ tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đó ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ thì chỉ chiếm chưa tới 1%. Trong số giáo sư và phó giáo sư, có tới 86,2% ở Hà Nội; 9,5% ở Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chưa tới 4,3% [104].
Hiện nay, trước sự bùng nổ của thông tin trên toàn cầu với lượng thông tin khổng lồ, đa chiều, nhiễu loạn, việc chọn lọc được những thông tin cần thiết, chính xác, hữu ích cho bản thân là một vấn đề khá nan giải với nhiều cá nhân, nhất là những cá nhân con người Việt Nam trẻ tuổi. Thực tế những năm gần đây, năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin của nhiều cá nhân con người Việt Nam còn yếu kém, chưa phát triển tương xứng với tốc độ phát triển của công nghệ - thông tin. Nhiều cá nhân, nhất là một số cá nhân thanh niên, học sinh không có năng lực xử lý, chọn lọc thông tin, dễ dàng hoang mang, dao động mà không hề có sự nghi ngờ, phản biện trước những thông tin sai lệch, một chiều. Nhiều cá nhân dễ dàng tin tưởng, tuyên truyền, “chia sẻ” (share) những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, thậm chí sai lệch lên mạng internet và trong đời sống mà không có năng lực tư duy độc lập để phân tích và lựa chọn thông tin đúng đắn và phù hợp. Điều này chứng tỏ sự phát triển năng lực nhận thức biểu hiện ở năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, ở năng lực tư duy, nhất là năng lực tư duy phản biện của một bộ phận cá nhân người Việt Nam còn rất hạn chế.
Không chỉ vậy, năng lực nhận thức biểu hiện ở trình độ hiểu biết về tự nhiên và xã hội của mỗi cá nhân cũng có sự phát triển không đều. Độ vênh giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn khá lớn trong mỗi cá nhân con người. Tình trạng học lệch, học tủ vẫn còn phổ biến, hiện tượng coi thường các môn khoa học xã hội và kiến thức xã hội đang là một vấn đề nan giải. Nhiều học sinh, sinh viên có thành tích học tập cao nhưng lại bị “hổng” kiến thức xã hội; trình độ kiến thức và hiểu biết về tự nhiên và xã hội cũng hạn chế… Trình độ ngoại ngữ và giao tiếp bằng ngoại ngữ của phần lớn cá nhân người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tham gia hội nhập, hợp tác làm ăn, tiếp cận thành tựu và giá trị của nhân loại. Theo kết quả khảo sát trình độ tiếng Anh của Hội đồng Anh và Trung tâm giáo dục Apollo trên phạm vi 20 quốc gia cho thấy: trình độ tiếng
Anh theo chuẩn quốc tế của học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng đọc và viết, nhưng lại xếp áp chót (18-19/20) về khả năng nghe nói [62, tr.54]. Điều này phản ánh tình trạng “học” chưa đi đôi với “hành” trong dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, sự đánh giá của cá nhân người lao động về tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với công việc của mình không cao. Chỉ có 0,3/4 (thang điểm 4) số công nhân/nhân viên và 0,4/4 (thang điểm 4) số cán bộ quản lý/chuyên viên đánh giá cao vai trò của kỹ năng ngoại ngữ trong công việc của họ [80, tr.61]. Nhận thức này đã ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của cá nhân người lao động.
Năng lực nhận thức biểu hiện ở trình độ tri thức, học vấn của phần lớn học sinh, sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, chưa gắn với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, hầu hết phải đào tạo lại, nhất là trong các ngành kỹ thuật, khoa học - công nghệ, kinh tế - tài chính. Có tới 80% - 90% số sinh viên ra trường vừa được tuyển dụng cần phải đào tạo lại ít nhất là một năm [104]. Sự yếu kém về khả năng ứng dụng kiến thức vào cuộc sống và khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp hiện nay cũng khá phổ biến. Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa học với hành, giữa nhận thức lý luận, kiến thức chung với hoạt động thực tiễn. Điều đó dẫn đến tình trạng, các cá nhân sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam thiếu rất nhiều các kỹ năng làm việc cần thiết. Nhiều cá nhân sinh viên không thể làm những công việc đơn giản mà học sinh trung học ở các nước khác có thể làm. Theo đánh giá, sinh viên Việt Nam ra trường thiếu hụt phần lớn các kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Trong số 9 kỹ năng được khảo sát thì sinh viên Việt Nam thiếu hụt tới 5 kỹ năng, đó là kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng tính toán/viết và thái độ làm việc, còn 4 kỹ năng còn lại thì chưa có dữ liệu để khảo sát [92, tr.180-182].
Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học - công nghệ, khả năng áp dụng những thành tựu khoa học để sáng chế ra những sản phẩm ứng dụng có tính kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của cá nhân các nhà khoa học Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm công nghệ thiết thực phục vụ cho lao động sản xuất và cuộc sống của con người ra đời lại từ những người nông dân, những “nhà khoa học không chuyên” - những người ít trình độ học
vấn, nhưng lại có khả năng đúc rút kinh nghiệm thực tiễn để sáng tạo. Chúng ta chủ yếu vẫn phải mua công nghệ của nước ngoài. Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại Mỹ. Trong khi đó, ở Nhật Bản có 46.139 bằng sáng chế, Hàn Quốc có 12.262 bằng sáng chế, Singapore có 647 bằng sáng chế; Malaysia với 161 bằng sáng chế; Thái Lan có 53 sáng chế [105]… Khả năng tư duy sáng tạo trong lao động sản xuất của cá nhân người lao động cũng rất hạn chế. Chỉ có khoảng 0,4/4 (thang điểm 4) số công nhân/nhân viên coi kỹ năng sáng tạo và phê phán là quan trọng và cần thiết đối với công việc của họ [80, tr.61]. Đây là những thách thức lớn cho sự phát triển năng lực nhận thức của cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ hai, sự phát triển năng lực hoạt động thực tiễn của cá nhân con người
Việt Nam còn nhiều bất cập trong môi trường cạnh tranh, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, chuyên môn hóa và công nghệ cao.
Một là, sự phát triển năng lực làm việc còn chưa chưa phù hợp với điều kiện làm việc cạnh tranh, đa ngôn ngữ, chuyên môn hóa và công nghệ cao. Tuy đã có những đổi mới trong giáo dục - đào tạo, nhất là ở đào tạo đại học và đào tạo nghề, song, nội dung, chương trình vẫn mang nặng tính lý thuyết, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa lý thuyết trong nhà trường với những kỹ năng thực hành thực tế trong công việc; chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn với thực tiễn của điều kiện hội nhập... Không những thế, một số các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước chưa thực sự tạo ra động lực để thúc đẩy người lao động vươn lên trong học tập và rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và nâng cao chất lượng công việc. Chính sách khuyến khích và sử dụng nhân tài còn chưa hợp lý… Điều đó làm cho những năm qua, ở nước ta, tuy số người có năng lực làm việc biểu hiện ở trình độ chuyên môn, tay nghề ngày một tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Số người được đào tạo có tay nghề cao cũng như có trình độ đại học và
sau đại học đáp ứng được yêu cầu của công việc chưa cao, còn thiếu nhiều cán bộ khoa học và chuyên gia giỏi, số người lao động không có chuyên môn kỹ thuật còn chiếm tỉ lệ lớn. Tính đến quý 4/2017, tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật, gồm những người có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên mới chỉ chiếm 21,8% lực lượng lao động, mức tăng rất chậm chỉ 0,4% so với cùng kỳ năm trước (21,39%), tăng 1,6% so với quý 4/2015 (20,2%) và tăng 3,35% so với quý 4/2014
(18,45%) [8, tr.2]; [9, tr.2]. Số lượng lao động qua đào tạo ở trình độ từ đại học trở lên ngày một gia tăng, nhưng chất lượng của lao động qua đào tạo, khả năng thích ứng công việc và phát huy kết quả đào tạo của số lao động này lại rất thấp. Năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc cùng các kỹ năng mềm khác đang khiến cá nhân người lao động của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập khu vực và thế giới. Tỉ lệ lao động và tỉ lệ cán bộ khoa học thật sự có năng lực chuyên môn, đủ sức đáp ứng yêu cầu đặt ra của hội nhập quốc tế của đa số người Việt Nam chưa cao.
Trước yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, lực lượng lao động Việt Nam hiện còn rất nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới và khu vực về năng lực làm việc ở cả trình độ chuyên môn, tay nghề. Theo Báo cáo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động cho biết, tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc khan hiếm lao động trong một số ngành nghề cụ thể. Về chất lượng nguồn nhân lực, tính theo thang điểm 10, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB; trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ là 5,76 điểm, Malayxia là 5,59 điểm, Thái Lan là 4,94 điểm [58]… Sự thiếu và yếu trong chất lượng ở cá nhân người lao động đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hạn chế trong phát triển năng lực làm việc còn thể hiện ở sự thiếu hụt lao động trình độ cao trong một số ngành, lĩnh vực, nhưng lại thừa lao động phổ thông và cả lao động được đào tạo ở bậc cử nhân và sau đại học đang là một vấn đề nan giải ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù số lao động trình độ cao vẫn tăng nhanh nhưng quy mô thì vẫn còn nhỏ bé so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ cao (chỉ có 1,41 kỹ sư/1.000 dân trong khi ở những nước tiên tiến như Anh là 136, Thụy Điển là 115 và Nhật Bản là 100 [92, tr.103]). Lao động trình độ cao chủ yếu tập trung nhiều nhất trong ngành giáo dục và đào tạo (chiếm 30% số lao động trình độ cao) và các tổ chức Đảng, đoàn thể (chiếm 19%),… Trong khi đó, các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo - là ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển tỷ lệ này nâng lên đến 40-60% [83, tr.9]. Sự phân bố không đều của lao động trình độ cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao, thiếu chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực về khoa học, công nghệ sinh học, điện