Hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu la2 (Trang 59 - 62)

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

2.2.1.1. Hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế (international integration) là khái niệm đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Có rất nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau về hội nhập quốc tế. Tuy chưa có một khái niệm thống nhất về hội nhập quốc tế, nhưng tác giả đồng tình với cách hiểu hội nhập quốc tế trên một số khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, hội nhập quốc tế được hiểu là một quá trình vận động của xã

hội, là kết quả của sự mở rộng giao lưu hợp tác không ngừng của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực nhờ những thành tựu phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của quá trình phân công lao động và chuyên môn hoá ngày càng cao trong nền sản xuất toàn cầu.

Thứ hai, hội nhập quốc tế thực chất là việc các quốc gia tham gia ngày

càng sâu rộng vào mọi mặt của quan hệ quốc tế; tích cực, chủ động tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết với nhau trên cơ sở chia sẻ chung về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, công nghệ… Tùy theo những mục tiêu và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội…, mỗi quốc gia có thể tiến hành mở rộng hợp tác, liên kết với các nước khác theo những phạm vi, mức độ, phương thức khác nhau tuỳ thuộc khả năng, tiềm lực… của quốc gia đó.

Thứ ba, hội nhập quốc tế là một hình thức hợp tác quốc tế ở trình độ cao,

mang tính chia sẻ và tính kỷ luật cao của các chủ thể tham gia, gắn với luật lệ và chuẩn mực chung giữa các nước. Các quốc gia tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt “luật chơi” chung trong khuôn khổ các qui tắc, hiệp định, luật lệ, định chế quốc tế… Các định chế, luật lệ này thường do các quốc gia “đi trước”, có tiềm lực kinh tế phát triển lớn mạnh… đề ra, chi phối, thậm chí áp đặt, buộc các thành viên tham gia tiến trình hội nhập sau phải tuân theo.

Thứ tư, hội nhập quốc tế không chỉ diễn ra thông qua việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương mà còn trên nhiều bình diện. Hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (từ kinh tế, chính trị, quốc phòng -

an ninh, văn hóa - xã hội…), hoặc bao trùm toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với tính chất, qui mô, phạm vi và hình thức đa dạng khác nhau.

Khái quát lại, có thể hiểu, hội nhập quốc tế là quá trình các nước tăng cường các hoạt động gắn kết, hợp tác với nhau dựa trên cơ sở sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, công nghệ… và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế [87, tr.10-12].

Ở Việt Nam, các nội dung, tư tưởng về hội nhập đã được xuất hiện từ rất sớm trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, quá trình phát triển tư duy của Đảng ta về hội nhập quốc tế thực chất chỉ bắt đầu cùng với công cuộc đổi mới được khởi xướng tại Đại hội VI (năm 1986) của Đảng. Trong Văn kiện Đại hội VI, VII, thuật ngữ hội nhập quốc tế chưa xuất hiện, nhưng nhận thức của Đảng ta về quá trình quốc tế hóa là tiền đề quan trọng để phát triển tư duy về hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ này, trên thực tế, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã bắt đầu diễn ra với việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào tháng 10-1993. Đến Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập, với quan điểm “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới” [30, tr.85]. Thuật ngữ “hội nhập kinh tế quốc tế” bắt đầu được sử dụng từ khoảng giữa thập niên 1990, và quá trình hội nhập quốc tế của nước ta chính thức bắt đầu với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, AFTA và các thể chế kinh tế quốc tế khác. Đến Đại hội IX (năm 2001), chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được nhấn mạnh, với phương châm “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực” [32, tr.120]. Tuy nhiên, quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện cụ thể nhất trong Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX (năm 2001) về hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết nêu rõ: “hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức”; “kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước” [4]... Trong giai đoạn này, hội nhập quốc tế của nước ta đã bắt đầu đi vào chiều sâu với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2001, đẩy nhanh đàm phán gia nhập WTO, thực hiện AFTA,... Đến Đại hội X (năm

2006) Đảng ta tái khẳng định chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và nêu định hướng “mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” [33, tr.113-114]. Đặc biệt, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu bước phát triển về chất của tiến trình hội nhập. Đồng thời, mở đầu sự “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu” [33, tr.113-114]; đưa quá trình hội nhập của đất nước từ cấp độ khu vực (ASEAN năm 1995) và liên khu vực (ASEM năm 1996, APEC năm 1998) lên đến cấp độ toàn cầu. Từ đây, quá trình hội nhập của nước ta chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Đến Đại hội XI, thuật ngữ “hội nhập quốc tế” chính thức được Đảng ta sử dụng, với việc chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” [34, tr.236]. Đại hội XII của Đảng tiếp tục kế thừa quan điểm “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” [37, tr.79] và chỉ rõ các định hướng lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế. Điều này được cụ thể hóa bằng những quan điểm chỉ đạo trong Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm

nhìn đến năm 2030 như: Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng

chiến lược lớn trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; phải bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi [115, tr.9-10]… Có thể nói, quan điểm về hội nhập quốc tế những năm qua là bước phát triển tư duy quan trọng của Đảng ta. Phạm vi, lĩnh vực và tính chất của hội nhập được mở rộng, phản ánh quan điểm nhất quán của Đảng ta về tính tất yếu, khách quan, của hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong thời kỳ mới.

Hiện nay, cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang là một xu thế khách quan của mọi quốc gia, diễn ra ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến các vấn đề xã hội. Bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển được phải tiến hành mở cửa, đưa nền kinh tế hội nhập với

khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế mang lại nhiều thời cơ, vận hội mới. Chẳng hạn như tạo điều kiện mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển giao công nghệ - kỹ thuật; thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; v.v.. đã thúc đẩy kinh tế phát triển, làm biến đổi một cách tích cực các lĩnh vực của đời sống xã hội cho tất cả các quốc gia tham gia. Đối với các nước kém phát triển và các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) thì hội nhập quốc tế là con đường phát triển nhanh và rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, có điều kiện phát huy tối ưu hơn những lợi thế so sánh của mình trong phân công lao động và hợp tác quốc tế. Mặc dù, khi tham gia hội nhập, các quốc gia phải đối mặt với những rủi ro và thách thức lớn, thậm chí rơi vào khủng hoảng, kể cả ở quốc gia phát triển lẫn các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia lúc này, không phải là vấn đề hội nhập hay không hội nhập, mà là hội nhập như thế nào để tận dụng tối đa những cơ hội và giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro mà quá trình hội nhập gây ra.

Có thể thấy, hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu khách quan, có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, tới sự phát triển của con người. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng của hội nhập quốc tế và tính phức tạp của quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng, để tham gia hội nhập một cách hiệu quả thì vấn đề cốt lõi, có tính chất quyết định vẫn là vấn đề nguồn lực con người. Con người chính là chủ thể và cũng là sản phẩm của quá trình hội nhập đó. Bởi vậy, phát triển con người nói chung, trong đó chú trọng phát triển năng lực cá nhân con người nói riêng trong hội nhập quốc tế là một vấn đề cần thiết.

Một phần của tài liệu la2 (Trang 59 - 62)