PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY
4.1.2. Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam phải gắn với sự phát triển con người một cách bền vững và toàn diện
phát triển con người một cách bền vững và toàn diện
Có thể nói, để xây dựng và phát triển đất nước phải tập trung huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người. Nhưng để phát triển bền vững đất nước phải phát triển bền vững tất cả các nguồn lực khác, đặc biệt là phát triển con người một cách bền vững. Phát triển con người một cách bền vững là đầu tư có hiệu quả lâu dài nhất, chắc chắn nhất cho sự phát triển của đất nước. Để phát triển con người một cách bền vững, hiệu quả nhất thì vấn đề quan trọng đầu tiên là phải dựa trên cơ sở phát triển năng lực cá nhân con người. Bởi, phát triển con người một cách bền vững là phát triển thường xuyên, liên tục và lâu dài mọi năng lực thể chất, tinh thần, trí tuệ, nhân cách con người - phát triển những năng lực bản chất nhất, những năng lực đang ở dưới dạng tiềm năng của con người nhằm làm phong phú thêm và ngày càng nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của mỗi người cũng như của cả cộng đồng và qua đó, tạo động lực bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội [20, tr.6, 9].
Nói cách khác, phát triển con người một cách bền vững là việc phát triển dài hạn, cho hôm nay và cho mai sau không chỉ những năng lực cơ bản của con người, mà còn phát triển những năng lực mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, mà cụ thể là yêu cầu của hội nhập quốc tế. Đó là việc phát triển những năng lực hiện tại không
những không làm ảnh hưởng tới mai sau, mà còn phải là nền tảng, là bước đệm để phát triển năng lực con người Việt Nam trong tương lai. Như vậy, có thể khẳng định, phát triển toàn diện các năng lực cá nhân con người chính là điều kiện đảm bảo chắc chắn nhất, lâu dài nhất cho sự phát triển con người một cách bền vững và phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, việc gắn phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam hiện nay với phát triển con người toàn diện cũng phải được coi là một hướng phát triển quan trọng. Bởi, trước những yêu cầu ngày càng cao của điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phải có những con người phát triển toàn diện và có năng lực toàn diện thì mới đáp ứng được yêu cầu. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, phát triển con người toàn diện là phát triển đầy đủ, tối đa năng lực sẵn có của con người trên tất cả các mặt: đạo đức, trí tuệ, thể lực, tình cảm, năng lực nhận thức và hoạt động, có thể sáng tạo ra những cái mới theo năng lực của họ có lợi cho sự phát triển của cá nhân và cả cộng đồng... Gắn phát triển năng lực cá nhân con người với phát triển toàn diện con người là việc thúc đẩy phát triển tất cả năng lực cá nhân con người từ những năng lực bản chất cơ bản, đến những năng lực mới trên tất cả các mặt năng lực trí tuệ, năng lực làm việc, năng lực sống... để phù hợp và đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn hội nhập quốc tế.
Việc phát triển con người toàn diện cũng như phát triển năng lực cá nhân con người một cách toàn diện là một nhiệm vụ không đơn giản. Có ý kiến cho rằng, nói phát triển con người toàn diện cũng như phát triển năng lực cá nhân con người một cách toàn diện là một ảo tưởng, vì mỗi người có những cấu trúc sinh học về bộ não, hệ thần kinh, gen di truyền và những tố chất nhất định khác nhau, nên không thể quy sự phát triển con người và năng lực con người là như nhau trên các mặt. Tuy nhiên, ở đây, khi nói đến phát triển năng lực cá nhân con người gắn với phát triển toàn diện con người, hướng tới phát triển toàn diện năng lực con người không có nghĩa là phải phát triển đồng đều, như nhau các loại năng lực trên mọi lĩnh vực của tất cả mọi người. Trên thực tế đó là việc “phát huy tối đa” những năng lực sẵn có của mỗi người, đồng thời, phải hình thành, phát triển thêm nhiều loại năng lực mới cho phù hợp với yêu cầu hội nhập thông qua giáo dục, đào tạo và tự giáo dục, tự đào tạo. Sự “phát huy tối đa” những năng lực này của con người phải trên cơ sở
những tố chất sẵn có của mỗi cá nhân. Mức độ phát triển các năng lực cá nhân đến đâu, nhiều hay ít là tùy thuộc vào tố chất và sự nỗ lực rèn luyện của mỗi người.
Phát triển con người toàn diện cũng như phát triển năng lực cá nhân con người một cách toàn diện, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay, là một yêu cầu vô cùng cần thiết. Một cá nhân không thể phát triển bình thường, lành mạnh nếu chỉ có năng lực nhận thức và năng lực làm việc tốt mà không có năng lực sống trong môi trường đa văn hóa. Ngược lại, cá nhân con người nào đó cũng sẽ bị đào thải nếu chỉ có năng lực nhận thức mà không có năng lực ứng dụng, thực hành trong công việc, không có năng lực chuyên môn; hoặc chỉ có năng lực giao tiếp, ứng xử tốt nhưng không có năng lực chuyên môn, năng lực tư duy thì cũng không thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của hội nhập quốc tế... Như vậy, có thể thấy, việc gắn phát triển năng lực cá nhân con người với phát triển toàn diện con người cần phải được xem là một trong những phương hướng quan trọng trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.