Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam phải phù hợp yêu cầu thực tiễn

Một phần của tài liệu la2 (Trang 118 - 120)

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY

4.1.1. Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam phải phù hợp yêu cầu thực tiễn

yêu cầu thực tiễn

Xuất phát từ thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam những năm qua, có thể thấy, năng lực cá nhân con người Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam hiện nay phải căn cứ vào yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của xã hội đặt ra.

Có thể nói, hiện nay, vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người theo nhu cầu thực tiễn xã hội là xu hướng tất yếu trong giáo dục, đào tạo trên toàn thế giới. Ở nước ta, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm xem đây là một chủ trương lớn và lâu dài nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà cụ thể là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Đào tạo nguồn nhân lực xét ở một góc độ nhất định cũng chính là việc phát triển những năng lực phù hợp cho con người để đáp ứng được những yêu cầu của công việc. Điều này được xác định rõ trong mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp được nêu ra trong Luật Giáo dục nghề nghiệp của nước ta. Đó là “nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo...; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế;...”; “có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm”; “có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật,

công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc” [98]…

Phát triển năng lực cá nhân con người theo yêu cầu của thực tiễn xã hội đòi hỏi các nhà trường phải đào tạo đúng các năng lực mà xã hội có nhu cầu cũng như hội nhập quốc tế yêu cầu. Khắc phục tình trạng đào tạo, phát triển các năng lực mà xã hội không cần, hoặc không đáp ứng yêu cầu của xã hội, yêu cầu của hội nhập. Nghĩa là đào tạo sao cho trình độ, năng lực của sinh viên sau khi ra trường phải đáp ứng được mong đợi của nhà tuyển dụng và người sử dụng lao động trong điều kiện hội nhập quốc tế. Để làm được điều đó, nhà trường cần phải gắn kết hơn nữa với xã hội, với đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tìm hiểu được nhu cầu và mong muốn của xã hội, của đơn vị sử dụng lao động về những ngành đào tạo, chất lượng đào tạo, năng lực cần đáp ứng của người lao động và kỳ vọng trong sản phẩm đầu ra của ngành đó để không ngừng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp.

Hiện nay, việc gắn phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam với nhu cầu xã hội cần theo hai hướng chính. Đó là phát triển năng lực cá nhân theo nhu cầu hiện tại và nhu cầu tương lai của xã hội, của thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế. Căn cứ vào nhu cầu hiện tại của xã hội mà cụ thể là của hội nhập quốc tế và thị trường lao động thì con người nói chung và người lao động nói riêng đang thiếu hụt những năng lực cụ thể gì trong những ngành, nghề, lĩnh vực nào thì sẽ ưu tiên đào tạo, phát triển những năng lực đó. Trước mắt là đào tạo các lớp ngắn hạn để đáp ứng ngay và nhanh nhất nhu cầu lao động của xã hội và thị trường lao động thời kỳ hội nhập. Sau đó, phải tiếp tục mở các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng trình độ, năng lực nhận thức; năng lực làm việc trong môi trường cạnh tranh; năng lực sống trong môi trường đa văn hóa; năng lực giao tiếp; v.v.. để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế. Đồng thời, phải căn cứ vào tình hình phát triển của nền kinh tế trong nước và xu thế phát triển của thế giới; vào những đòi hỏi về nguồn nhân lực từ những chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà nhà nước định hướng phát triển để xác định những năng lực cá nhân cần phải phát triển. Việc đào tạo này mang tính lâu dài, thông qua những khóa học dài hạn, quy củ nhằm đào tạo

nguồn nhân lực có đủ năng lực cá nhân phù hợp với những đổi thay nhanh chóng trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam gắn với yêu cầu của thực tiễn xã hội cũng có nghĩa là việc giáo dục, đào tạo, phát triển năng lực cho con người Việt Nam phải tiệm cận dần tới chuẩn năng lực chung của khu vực và thế giới. Để đưa đất nước phát triển sánh vai với cường quốc năm châu thì vấn đề tiên quyết vẫn là phải có đội ngũ những con người có trình độ, năng lực ngang tầm khu vực và thế giới. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, hình thức quản lý, đội ngũ giáo viên... phù hợp với thực tiễn, đạt chuẩn khu vực và quốc tế nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam ngang tầm với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu la2 (Trang 118 - 120)