Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thị Minh Tân (Trang 73 - 75)

- Tác động tiêu cực

2.3.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước, với 41 điểm, khu du lịch, sở hữu 5 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, trong đó có một Di sản Văn hóa thế giới - Quần thể di tích Cố đô Huế (1993). Theo thống kê, số lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2018 đạt 4.332.673 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 1.951.461 lượt, tăng 30% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt 2.094.581 lượt, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 4.473 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 11,3 ngàn tỷ đồng [53]. Đứng trước sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch, Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt với bài toán BVMT. Chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa, túi ni lông, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 650 tấn thải ra môi trường. Nhằm hạn chế những hậu quả khôn lường mà rác thải để lại đối với môi trường, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực sau:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào như:

Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh-sạch- đẹp”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn", hoạt động nhặt rác “Cảm ơn dòng sông Hương” ... nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong BVMT. Để duy trì có hiệu quả các hoạt động trên tỉnh đã tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn,

sinh hoạt chuyên đề, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia thực hiện các phong trào. Tuyên truyền nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện phong trào trên.

Để hạn chế rác thải nhựa, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ sản xuất các sản phẩm thay thế ống hút bằng nhựa; vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ sử dụng ống hút thân thiện môi trường, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của du khách và người dân vào việc BVMT, tỉnh đã và đang đẩy mạnh loại hình du lịch có trách nhiệm. Ngành du lịch Huế đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong du lịch; trong đó có những quy tắc đề cao tính trách nhiệm của du khách trong việc tôn trọng văn hóa Huế, BVMT tại các điểm đến ... Về phía người dân, có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có trải nghiệm tốt nhất khi đến Huế.

-Ứng dụng khoa học công nghệ làm sạch môi trường tại các điểm, khu du lịch. Sở Du lịch tỉnh đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh lốp xe Bridgestone Việt Nam lắp đặt thùng rác thông minh thân thiện với môi trường (thùng rác được gắn bộ phận năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn nhiệt năng sạch giúp vận hành bộ cảm biến. Bộ cảm biến có 2 công dụng khi đầy rác đèn sẽ báo phát sáng và phát ra âm thanh “Cảm ơn” khi nhận rác) tại các điểm tham quan du lịch và công cộng tập trung đông du khách ở Huế [5].

- Phát triển du lịch theo hướng bền vững. Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; đồng thời tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị gắn với cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế, như: Du lịch văn hóa, di sản; du lịch biển, đầm phá; DLST; ...

Những việc làm trên của tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng trên toàn quốc, trở thành điểm sáng để nhiều địa phương học hỏi theo; xứng danh với danh hiệu mà Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế vinh danh là “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2017 và giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF tại Chiang Mai, Thái Lan năm 2018.

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thị Minh Tân (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w