Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thị Minh Tân (Trang 75 - 77)

- Tác động tiêu cực

2.3.2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam là tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của miền Trung có tiềm năng về phát triển du lịch với 307 di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, danh thắng, trong đó 48 di tích quốc gia, 256 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hoá thế giới: Phố cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO vinh danh năm 1999 và di tích quốc gia đặc biệt Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm [118]. Với tiềm năng và vị trí thuận lợi vốn có, du lịch Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, chỉ tính riêng Thành phố Hội An đã đón gần 5 triệu lượt khách đến tham quan, trong 3 tháng đầu năm 2019, đón hơn 1,32 triệu lượt khách tham quan lưu trú, tăng 18,8% so cùng kỳ [65].

Tuy nhiên, sự phát triển nóng của du lịch cũng đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của tỉnh. Theo Báo cáo của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mỗi năm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 240.000 tấn, tương ứng gần 660 tấn/ngày, trong đó 20 - 25% là rác thải nhựa. Riêng Thành phố Hội An, bình quân khoảng 92 tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày, phần lớn đến từ các cơ sở kinh doanh du lịch và thương mại [140].

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng những biện pháp sau:

- “Nói không với túi ni lôngvà dùng sản phẩm thay thế. Ngay từ năm 2009, tại Cù Lao Chàm, thành phố Hội An đã triển khai chương trình “Nói không với túi ni lông”, khuyến khích sử dụng sản phẩm thay thế ni lông được chính quyền, doanh nghiệp, người dân, du khách hưởng ứng. Nhờ chương trình này, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thành công việc kiểm soát rác thải. Để đạt được thành công đó, nhờ vào những chương trình, hành động, như: “Công sở không rác thải nhựa”- sử dụng chai thủy tinh đựng nước uống; Doanh nghiệp thực hiện “Cửa hàng nói không với túi ni lông”; Du khách không mang theo túi ni lông khi đến Cù Lao Chàm; Người dân đi chợ xách làn thay vì dùng túi ni lông… là những điều dễ dàng bắt gặp khi đến thành phố Hội An du lịch.

Nhằm lan tỏa ý tưởng BVMT, thành phố Hội An đã triển khai mô hình Du lịch kết hợp với việc BVMT như nhặt rác tại điểm đến, đổi túi ni lông du khách mang theo sang túi tự phân hủy… Mô hình này đã và đang trở thành xu hướng của các công ty lữ hành ở Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung.

- Phân loại và tái chế rác thải từ nguồn. Bên cạnh những chương trình, hành động trên nhằm giảm tải rác thải nhựa, Hội An cũng là thành phố thứ hai của cả nước sau Hà Nội thực hiện Dự án 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) bằng việc phân loại rác thải tại nguồn do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện, trong đó có nhà hàng Sapo Hội An là một điển hình. Trong 5 năm, từ năm 2013-2018, nhà hàng đã có cách làm hiệu quả để chuyển đổi khoảng 300 lít dầu dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải trực tiếp ra môi trường. Hay khu nghỉ dưỡng An Nhiên Farm, từ cuối năm 2018 đến nay đã tái chế khoảng 300 kg xà phòng dùng một lần, 1,5 tấn vải trắng tạo công ăn việc làm cho nhóm người khuyết tật qua đó thành các sản phẩm có ích, giảm trực tiếp lượng rác thải [3].

- Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Công tác được chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm và gặt hái nhiều thành công quan trọng. Thành công đó nhờ vào sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nước ngoài.

Hội An hiện có đến 06 quy chế quy định từng lĩnh vực liên quan đến hoạt động du lịch, như: Quy chế về quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; Quy chế về trật tự kinh doanh; Quy chế về biển hiệu quảng cáo; Quy chế về tham quan, du lịch; Quy chế về hoạt động du lịch trên sông; Quy chế về các cơ chế phối hợp quản lý di sản. Các quy chế này quy định, chi phối cơ chế quản lý, sử dụng di tích; quy định việc buôn bán, làm du lịch trong di tích; quy định các hạng mục sửa chữa, thời gian cho phép sửa chữa các di tích, nhất là những di tích hạng 1, hạng 2 và cả hạng đặc biệt… Tất cả những quy chế này đều được chính quyền công khai, minh bạch để người dân nắm bắt, đồng thuận và tham gia thực hiện. Để đưa các quy chế đi vào cuộc sống, từ nhiều năm qua chính quyền thành phố đã ban hành một “cẩm nang” để các chủ di tích căn cứ thực hiện. “Cẩm nang” này đã chi tiết từng nội dung, lĩnh vực, đặc biệt là chi tiết từng ngôi nhà cổ thuộc hạng nào, thuộc khu vực nào, khi muốn sửa thì được sửa những gì, hạng mục nào; thời gian sửa chữa; thời gian cấp phép bao lâu, v.v…

Ngoài những nỗ lực trên, chính quyền và ngành chức năng của Thành phố thường xuyên điều tra, thống kê, phân loại di sản để công khai. Việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến cấp phép sửa chữa các hạng mục trong khu vực di sản đều qua Văn phòng “Một cửa”, “Một cửa liên thông". Người dân, nhất là các chủ di sản có quyền được hưởng các quyền lợi cũng như trách nhiệm theo quy định trong các quy chế ban hành.

Ở góc độ quản lý nhà nước, quy chế cũng cụ thể các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với cơ quan chuyên môn, với các cấp chính quyền, các đội quy tắc đô thị. Trên cơ sở đó có những biện pháp giải quyết phù hợp với lợi ích người dân, đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo tồn di tích.

Đối với các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế là những người trực tiếp khảo sát, đề xuất giải pháp trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản. Thông qua những hoạt động của mình họ đã tuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo quản gắn với sử dụng, phát huy di tích cho người dân. Với độ ngũ chuyên môn làm công tác bảo tồn di sản học tập, tiếp thu nhiều kinh nghiệm để áp dụng làm tốt nhiệm vụ của mình [103].

- Chia sẻ lợi ích cho cộng đồng: Nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo vệ di sản chính là đảm bảo lợi ích cho người dân, chính quyền Hội An và Huế rất coi trọng chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Chẳng hạn, ngoài thu lợi một phần từ tiền bán vé và các hoạt động kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê...; những người chủ tư nhân của các di tích ở phố cổ cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu nhà cửa từ 50-70% tổng số tiền đầu tư [39].

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thị Minh Tân (Trang 75 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w