Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thị Minh Tân (Trang 77 - 79)

- Tác động tiêu cực

2.3.2.3. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Là địa danh giàu tiềm năng du lịch, tỉnh Quảng Ninh có danh thắng nổi tiếng là Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm và di sản thế giới (1994, 2000) và gần 1.500 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Với tiềm năng và lợi thế trên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là “điểm đến” của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê

của Sở Du lịch tỉnh, từ năm 2001 đến nay, tổng lượt khách đến Quảng Ninh tăng 4,2 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 5 lần, tổng doanh thu từ du lịch tăng 4,8 lần. Riêng năm 2017, Quảng Ninh đã đón được trên 9,87 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 22% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 34% [58]. Trong 11 tháng năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đón trên 11,4 triệu lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ [79].

Để giữ vững danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới, trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Ðông - Nam Á và hướng tới PTDL bền vững. Tỉnh đã thực hiện các biện pháp sau:

- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch, có trọng điểm, như: Cảng tàu du lịch quốc tế, bến du thuyền, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hạ tầng công nghiệp giải trí, các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí có thương hiệu quốc tế ... Từng bước xây dựng các đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Thu hút một loạt các dự án chiến lược, có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ tìm đến như: BIM Group, Vingroup, Sun Group, MyWay, Tuần Châu, FLC... sau khi có Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được tỉnh phê duyệt.

- Quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Đứng trước tình trạng PTDL quá nhanh, quá “nóng”, mà không quan tâm đến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm du lịch theo tính tự phát, xây dựng cơ sở dịch vụ chưa thực hiện theo một quy hoạch tổng thể, trên cơ sở tôn trọng môi trường, cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hóa bản địa, ... Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ năm 2013 tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các chủ dự án đầu tư PTDL, trong thiết kế phải đặt khâu BVMT sinh thái lên hàng đầu.

- Du lịch không rác thải. Để BVMT năm 2018, tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều chương trình: “Hành động vì Hạ Long xanh: hướng tới du lịch không rác”, áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn sinh thái Cánh buồm xanh” cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh, nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường BVMT của doanh nghiệp và du khách trong hoạt động tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, để người dân và du khách sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khi đến Quảng Ninh, huyện Cô Tô triển khai đề án “Hạn chế sử dụng túi ni lông”, cấp phát miễn phí hàng nghìn làn nhựa và túi đựng sinh thái, vừa tiết kiệm chi phí, vừa nhằm hạn chế rác thải độc hại ra môi trường. Bên cạnh đó, địa phương còn hướng dẫn người dân phân rác thải tại nguồn, duy trì “Ngày Chủ nhật xanh”, lặp đặt thùng rác trên đảo, tăng cường thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đảm bảo môi trường sinh thái trên đảo luôn xanh, sạch, đẹp ...

- Phát triển du lịch bền vững: Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến việc PTDL sinh thái, du lịch cộng đồng tại các địa phương giúp người dân có việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác đạt hiệu quả cao, trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa của cư dân địa phương tại làng quê Yên Đức của Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương, đưa khách khám phá làng chài bằng thuyền nan, tổ chức cho khách câu cá, kéo lưới và tour “một ngày làm nông dân”, tour “ba cùng” với nông dân: Cùng ăn, cùng ở và cùng làm công việc hàng ngày như: gặt hái, làm vườn, ... Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức xây dựng môi trường xanh, Công ty đã tài trợ kinh phí cho hoạt động BVMT tại các làng chài trên vịnh giúp người dân mua sắm trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ việc BVMT, phân phát tài liệu hướng dẫn ngư dân BVMT trên biển.

Từ mô hình du lịch cộng đồng làng quê Yên Đức, đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Cô Tô; Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn); Vĩnh Thực (Móng Cái); Bình Liêu... bước đầu đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian du lịch, thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách, mở ra nhiều cơ hội mới thu hút nhân dân tham gia cùng nhà nước và doanh nghiệp phát triển du lịch [113].

Một phần của tài liệu Luận án Nguyễn Thị Minh Tân (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w