doanh nghiệp, nhãn hiệu và thương hiệu
Cùng với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa…tên thương mại được sử dụng để xưng danh nhằm phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực. Vì vậy, việc phân biệt tên thương mại với các
đối tượng này là cần thiết, đặc biệt, việc so sánh này sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa các đối tượng trong vấn đề bảo hộ phù hợp với pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
2.1.3.1. Tên thương mại của doanh nghiệp và tên doanh nghiệp
Đây là hai đối tượng có nhiều điểm tương đồng và dễ gây nhầm lẫn trong thực tế. Như chúng ta biết, tên thương mại của doanh nghiệp và tên doanh nghiệp có những điểm giống và khác nhau cơ bản sau:
- Giống nhau:
Đều là tên gọi của chủ thể kinh doanh Đều có thành phần tên riêng để phân biệt - Khác nhau
* Khái niệm
Tên thương mại của doanh nghiệp là thành phần tên riêng của tên doanh nghiệp được sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp này với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Tên doanh nghiệp là tên gọi để cá thể hóa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động, khái quát hóa loại hình tổ chức và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
* Cơ chế xác lập
Tên thương mại của doanh nghiệp được bảo hộ bởi Luật SHTT và xác lập tự động trên cơ sở doanh nghiệp sử dụng trong kinh doanh. Như vậy, chức năng chính của tên thương mại của doanh nghiệp là nhằm phân biệt, cá thể hóa chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Sự phân biệt này cần thiết được đặt ra khi trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, trong cùng một khu vực kinh doanh luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể kinh doanh. Khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc danh tiếng. Như vậy, khu vực kinh doanh có thể nằm trong phạm vi hay vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc
thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh đến đâu như chiến lược mở rộng tiếp thị, quảng cáo, mở các chi nhánh hay các văn phòng đại diện hoặc sáp nhập giữa các chủ thể kinh doanh để trở thành các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh trên toàn thế giới.
Còn tên doanh nghiệp muốn được bảo hộ thì phải đăng ký theo Luật DN: Tên doanh nghiệp và những dấu hiệu của doanh nghiệp phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và được Nhà nước bảo hộ, không một chủ thể nào khác được sử dụng những dấu hiệu riêng của doanh nghiệp đã đăng ký để hoạt động.
Về cơ bản, do được sử dụng trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, nên tên thương mại của doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu mà pháp luật doanh nghiệp dành cho tên doanh nghiệp. Trong giao dịch, các chủ thể kinh doanh có xu hướng sử dụng tên thương mại ngắn (có thể gọi là tên viết tắt, tên giao dịch). Tên giao dịch mà doanh nghiệp thường sử dụng trong hoạt động thương mại bắt buộc vẫn phải có thành phần phân biệt. Phần phân biệt hay tên riêng của tên thương mại còn được dùng với chức năng của một nhãn hiệu nếu doanh nghiệp đăng ký tên giao dịch này như một nhãn hiệu [47, tr.105]. Ví dụ: Ngân hàng Công thương Việt Nam (VIETTIN BANK) đăng ký chữ “VIETTIN BANK” làm nhãn hiệu, đây vừa là tên thương mại của doanh nghiệp, vừa là nhãn hiệu.
Như vậy, một khi tên doanh nghiệp được đăng ký, tên đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp và thành phần tên riêng là một trong hai yếu tố cấu thành nên tên doanh nghiệp (gồm loại hình doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp) trở thành tên thương mại của doanh nghiệp được định nghĩa là: “Tên thương mại của doanh nghiệp là thành phần tên riêng của tên doanh nghiệp được sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp này với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh”.
Từ phân tích trên cho thấy, tên thương mại của doanh nghiệp và tên doanh nghiệp ở Việt Nam có sự trùng nhau mặc dù được điều chỉnh bởi hai văn bản luật khác nhau. Thành phần tên riêng của tên doanh nghiệp trở thành tên thương mại của doanh nghiệp khi doanh nghiệp chính thức hoạt động dưới tên doanh nghiệp đã đăng ký, doanh nghiệp hoạt động sẽ sử dụng tên để xưng danh với khách hàng. Từ thời điểm đó, thành phần tên riêng của doanh nghiệp trở thành tên thương mại của doanh nghiệp và được bảo hộ theo quy định của Luật SHTT, hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào trực tiếp ghi nhận cụ thể tên doanh nghiệp là tên thương mại nhưng theo cách quy định của Luật SHTT và Luật Thương mại thì chúng ta hiểu rằng tên thương mại chính là thành phần tên riêng của doanh nghiệp, do vậy mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại.
2.1.3.2. Tên thương mại của doanh nghiệp và nhãn hiệu
Nhãn hiệu và tên thương mại của doanh nghiệp là hai đối tượng được bảo hộ bởi quyền SHTT. Do vậy, giữa chúng có những điểm giống nhau là đều dùng để phân biệt sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Tuy nhiên, tên thương mại của doanh nghiệp và nhãn hiệu có những điểm khác biệt sau:
Một là, việc ghi nhận về cơ sở pháp lý.
So với tên thương mại thì nhãn hiệu được ghi nhận và nhắc đến nhiều hơn trong các văn bản pháp luật trong và ngoài nước, chẳng hạn: trong Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp có khá nhiều điều khoản ghi nhận về nhãn hiệu cụ thể là ở các điều 6, điều 6bis, 6ter, 6quater, 7, 7bis; trong khi đó tên thương mại chỉ được ghi nhận trong điều 8 “tên thương mại được bảo hộ ở tất cả các nước thành viên mà không bị ràng buộc phải nộp đơn đăng ký hay phải đăng ký, bất kể tên thương mại đó có tạo nên một phần của nhãn hiệu hay không” [112].
Ngoài ra, điều 15 Hiệp định Trips đã quy định: “Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể
làm nhãn hiệu hàng hoá”[115]. Hay Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế Nhãn
hiệu hàng hoá quy định “đăng ký quốc tế không thể được sử dụng bởi một thể
nhân hoặc pháp nhân không có mối liên hệ cần thiết với một thành viên của Liên minh Madrid, thông qua cơ sở kinh doanh, nơi cư trú, quốc tịch, cũng không thể được sử dụng để bảo hộ một nhãn hiệu hàng hoá ngoài Liên minh Madrid. Một nhãn hiệu có thể là đối tượng của một đăng ký quốc tế chỉ khi nhãn hiệu đó đã được đăng ký”[113].
Trong văn bản pháp luật quốc gia thì: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Trong khi đó, tên thương mại của doanh nghiệp là thành phần tên riêng của tên doanh nghiệp được sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp này với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh
vực kinh doanh. Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và tên thương mại của doanh
nghiệp được quy định tại điểm j, khoản 2 điều 74 Luật SHTT theo đó nhãn hiệu sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt nếu “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 điều 78 Luật SHTT thì tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu “Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng”.
Như vậy, một nhãn hiệu có thể bị từ chối bảo hộ nếu dấu hiệu này là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của doanh nghiệp đang được sử dụng của người khác và ngược lại tên thương mại của doanh nghiệp cũng sẽ không có khả năng phân biệt đồng nghĩa với việc không được bảo hộ dưới tên thương mại của doanh nghiệp nếu tên thương mại này trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại của doanh nghiệp đó được sử dụng một cách hợp pháp.
Hai là, về tiêu chí phân biệt.
Để đánh giá về khả năng trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu với tên thương mại thường được đánh giá bởi các tiêu chí sau đây:
(i) Về mặt dấu hiệu: Nhãn hiệu thường được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí như cấu trúc, cách phát âm và cảm quan thị giác còn tên thương mại của doanh nghiệp là tên gọi của doanh nghiệp
(ii) Về thời hạn bảo hộ: Nhãn hiệu được bảo hộ có thời hạn và có thể gia hạn nhiều lần nhưng chủ sở hữu phải nộp đơn và nộp phí duy trì bảo hộ. Còn tên thương mại của doanh nghiệp được bảo hộ không xác định thời hạn và không phải nộp phí duy trì bảo hộ.
(iii) Về cơ chế xác lập: Tên thương mại của doanh nghiệp được xác định trên cơ sở sử dụng, một doanh nghiệp chỉ được sở hữu một tên thương mại, còn nhãn hiệu xác định trên cơ sở đăng ký theo đơn của chủ sở hữu và một doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều nhãn hiệu để kinh doanh.
Theo quy định tại điều 17 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của chính phủ về
đăng ký kinh doanh thì khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp “Không được sử
dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó”.
Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì có thể thấy tên doanh nghiệp cũng sẽ bì từ chối đăng ký trong trường hợp tên doanh nghiệp này sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp trừ trường hợp được chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu này. Tuy nhiên, nếu hiểu theo đúng quy định trên thì những trường hợp tên doanh nghiệp tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ sẽ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty TNHH NEWVISION LAW (Hà Nội) đã sử dụng dấu hiệu “NEWVISION” trong tên doanh nghiệp, biển hiệu, giấy tờ giao dịch tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “VISION” đang được bảo hộ cho Công ty
TNHH Tầm nhìn và Liên danh (Hà Nội)1, do đó, theo yêu cầu của Công ty TNHH Tầm nhìn và Liên danh, ngày 09/01/2015 Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số 03/QĐ- XPVPHC và buộc phải đổi tên theo quy định của pháp luật.
So sánh giữa nhãn hiệu và tên thương mại của doanh nghiệp, dễ thấy rằng một chủ thể kinh doanh có thể được bảo hộ độc quyền sử dụng một, một số hay nhiều, rất nhiều nhãn hiệu nhưng mỗi chủ thể kinh doanh chỉ có thể được bảo hộ một tên thương mại. Điều này cũng giải thích tại sao khoản 2 điều 139 và khoản 1 điều 142 Luật SHTT quy định tên thương mại không được phép chuyển quyền sử dụng (li-xăng) và chỉ được phép chuyển nhượng cùng với sự chuyển nhượng toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó [49, tr.227].
Sự khác biệt trên cũng đồng thời góp phần giải thích thực tế là tùy thuộc vào nhu cầu gắn với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và một số lý do khác, chủ thể kinh doanh có thể không đăng ký nhãn hiệu mà sử dụng luôn tên thương mại của doanh nghiệp cho hàng hóa, dịch vụ của mình và như vậy vẫn bảo đảm yếu tố phân biệt chủ thể kinh doanh gắn với các hoạt động thuộc về chủ thể kinh
doanh đó, điều này được ghi nhận tại khoản 6 điều 124 Luật SHTT như sau: sử
dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm hàng hóa, bao bì hàng hóa, và phương tiện cung cấp dịch vụ quảng cáo”. Nội dung này có
thể được so sánh với quy định tại khoản 5 điều 124 Luật SHTT quy định “gắn
nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa”.
2.1.3.3. Tên thương mại của doanh nghiệp và thương hiệu
Thương hiệu là một trong các nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, nâng cao văn minh thương mại, góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh. Trong bối
1Bộ khoa hoc và Công nghệ, Thanh tra bộ quyết định số 127/QĐ –TTra ngày 31 tháng 10 năm 2014 về việcthanh tra về quyền sở hữu công nghiệp.