d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
3.1.2. Thực trạng pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tên thương mại của doanh nghiệp
đối với tên thương mại của doanh nghiệp
Nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại bao gồm tổng hợp các quyền và nghĩa của chủ sở hữu tên thương mại được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Pháp luật thừa nhận quyền đối với tên thương mại là quyền tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu tên thương mại.
Theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu tên thương mại có các quyền cơ bản như:
- Quyền sử dụng tên thương mại: tại Điều 123, 124, 125 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp như sau: (i) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này; (ii) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này; (iii) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật này.
Trên thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng tên thương mại của mình từ khi thành lập trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ sở hữu tên thương mại có nhiều cách thức khác nhau để khai thác đối tượng đó như: dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Chủ sở hữu có thể trực tiếp sử dụng tên thương mại trong quá trình sản xuất kinh doanh, bằng cách thức này chủ sở hữu có thể thu được một khoản lợi nhuận do doanh số bán hàng cao hơn hoặc giá bán sản phẩm cao hơn so với các sản phẩm tượng tư không được bảo hộ.
Chủ sở hữu tên thương mại có thể khai thác thương mại đối với tên thương mại bằng cách chuyển giao tên thương mại cho chủ thể khác để thu lợi
nhuận, trong thời đại ngày nay, quyền sở hữu công nghiệp đã trở thành một tài sản có giá trị lớn trong kinh doanh được các chủ sở hữu khai thác có hiệu quả. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể cho phép người khác sử dụng tên thương mại, việc độc quyền sử dụng tên thương mại để thu được các lợi ích vật chất được xem là một trong những quyền năng cơ bản, quan trọng nhất của chủ sở hữu tên thương mại. Độc quyền này tạo ra cho chủ sở hữu có thể bù đắp các chi phí đã bỏ ra trong quá trình sáng tạo và phát triển đối tượng sở hữu công nghiệp, thúc đẩy đầu tư cho những nghiên cứu, phát triển mới. Ví dụ: Hợp đồng chuyển nhượng tên thương mại “Vạn Xuân” của công ty cổ phần vận tải Vạn Xuân (Hà Nội) cho công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Xuân (Nghệ An).
Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm lợi ích kinh tế khi khai thác quyền sử dụng của doanh nghiệp và thuận lợi cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng. Doanh nghiệp chuyển nhượng thu được lợi ích kinh tế từ kết quả đầu tư trí tuệ của mình mà vẫn sở hữu, sử dụng được tên thương mại; doanh nghiệp nhận là doanh nghiệp mới bước chân gia nhập thị trường nên còn khó khăn để cạnh tranh với các chủ thể kinh doanh khác thì nhờ sự chuyển nhượng này mà phát triển vững chắc trên thương trường.
- Quyền định đoạt: Chủ sở hữu đối với tên thương mại có quyền định đoạt về tên thương mại theo các cách thức như sau:
Định đoạt về mặt pháp lý là chủ sở hữu tên thương mại có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu của mình cho người khác. Quyền chuyển nhượng cho người khác toàn bộ quyền đối với tên thương mại được thực hiện dưới hình thức ký kết hợp đồng bằng văn bản (gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng tên thương mại có điểm đặc biệt là chủ sở hữu tên thương mại có quyền chuyển nhượng tên thương mại theo hợp đồng hoặc để lại thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển nhượng phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh với tên thương mại đó.
Định đoạt về mặt thực tế là chủ sở tên thương mại từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với các đối tượng đó, có nghĩa là tên thương mại không được doanh nghiệp sử dụng để là tên gọi xưng danh trong hoạt động kinh doanh nữa hoặc doanh nghiệp sử dụng tên thương mại khác thay thế thì mặc nhiên được hiểu là doanh nghiệp đã từ bỏ tên thương mại đã từng sử dụng đó, quy định này là phù hợp vì hiện nay tên thương mại của doanh nghiệp không phải đăng ký bảo hộ mà nó được bảo hộ dựa trên cơ sở sử dụng nên việc doanh nghiệp không sử dụng nữa được coi như từ bỏ.
- Bên cạnh những quyền tài sản nói trên, thì chủ sở hữu tên thương mại có quyền sử dụng các biện pháp bảo vệ khi tên thương mại của mình bị xâm phạm, ví dụ như: Ngăn cấm người khác sử dụng tên thương mại của mình; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người thực hiện hành vi xâm phạm quyền của mình phải chấm dứt hành vi đó và bồi thường thiệt hại.
Việc sử dụng tên thương mại vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tên thương mại vì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải sử dụng tên thương mại trong kinh doanh để đối tác, khách hàng biết được mình đang giao dịch với ai. Ngoài ra, theo quy định của Luật SHTT thì chủ sở hữu tên thương mại không được chuyển giao tên thương mại.