Nhóm hoạt động

Một phần của tài liệu Giáo trình Tham vấn (Nghề Công tác xã hội) (Trang 97 - 99)

- Bước 5: Đánh giá giải pháp, kết quả

2.1.Nhóm hoạt động

2. Tương tác giữa các thành viên trong nhóm

2.1.Nhóm hoạt động

Nhóm hoạt động đề cập tới những thái độ và tương tác lẫn nhau trong nhóm thành viên, cũng như những tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Những ràng buộc đó bao gồm: các thành viên nói chuyện với nhau như thế nào, các thành viên có cảm nghĩ gì với nhau, với người trưởng nhóm và với nhóm nói chung, các thành viên ứng xử với nhau như thế nào. Nhóm hoạt động tích cực sẽ đi đến sự tin tưởng và cởi mở trong khi nhóm hoạt động tiêu cực sẽ đưa các thành viên đến sự nhàm chán và rút lui.

Các nhân tố ảnh hưởng tới nhóm hoạt động * Thành phần của nhóm

Câu hỏi chính khi bắt đầu hình thành nên một nhóm là: "Những ai nên tham gia vào nhóm?". Thông thường nhóm nên bao gồm những người cùng có chung một mục đích, cũng có thể bao gồm những thành viên có cùng tuổi ví dụ như thanh thiếu niên với vấn đề về lòng tự trọng. Phỏng vấn những thành viên có tiềm năng có thể có ích trong việc bảo đảm rằng thành viên đó thích hợp để gia nhập nhóm.

* Qui mô nhóm

Qui mô nhóm phụ thuộc một phần vào mục đích của nó, khoảng thời gian hoạt động tham vấn, địa điểm tham vấn và kinh nghiệm của trưởng nhóm. Thông thường có thể gồm từ 5 đến 12 thành viên. Nhóm càng lớn thì càng có nhiều khó khăn trong việc tương tác giữa các thành viên cũng như giải quyết các nhu cầu của cá nhân. Mặt khác, một nhóm mà quá nhỏ có thể tạo ra áp lực quá lớn cho các thành viên, và có thể làm cho thành viên không được thoải mái.

Địa điểm cho việc tham vấn nhóm cần đáp ứng một số yêu cầu sau: thuận tiện, riêng tư, kích thước và cách bài trí của căn phòng, sắp đặt chỗ ngồi, sự gần gũi của các thành viên, môi trường, không khí và không bị tác động bên ngoài. Tất cả những dàn dựng về khung cảnh đó có thể thúc đẩy hay cản trở sự thoải mãi của thành viên và sự cởi mở của họ trong quá trình chia sẻ và tham gia.

* Sự thường xuyên và khoảng thời gian của mỗi cuộc tham vấn

Số lượng cuộc tham vấn phụ thuộc vào mục đích của nhóm, có bao nhiêu nhu cầu cần được hoàn thành và có bao nhiêu thành viên. Thông thường, tham vấn nhóm được tổ chức thành 8 buổi hay nhiều hơn. Một nhóm thường gặp nhau một hay hai tuần một lần và mỗi cuộc tham vấn thường kéo dài trong 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng.

* Nhóm đóng/ nhóm mở

Nhóm đóng là nhóm không cho phép gia nhập thêm bất cứ một thành viên nào kể từ sau khi nhóm thành lập, còn đối với nhóm mở thì mọi người có thể gia nhập hay từ bỏ nhóm bất cứ lúc nào. Nhóm đóng có tính ổn định và làm cho thành viên tận tâm, gắn bó với nhau hơn. Trong khi đó nhóm mở cũng có ưu điểm của mình, đó là sự đào thải những thành viên không thích hợp với nhóm và không thể tiếp tục được nữa. Tuy thế thay đổi thành viên luôn luôn cũng có ảnh hưởng xấu tới sự gắn bó của nhóm. Trong mỗi cuộc tham vấn nhóm sẽ phải tự giới thiệu thành viên mới và người mới sẽ phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong việc bắt đầu hoà nhập và làm quen nhóm. Nhóm mở sẽ là cần thiết trong trường hợp cuộc tham vấn nhóm được thực hiện tại bệnh viện hay là khu nhà chung cư, nơi mà mọi người có thể thuận tiện đến tham gia.

* Thành viên tự nguyện và không tự nguyện

Lý tưởng thì các thành viên nên tham gia vào nhóm một cách tự nguyện, nhưng cũng có nhiều trường hợp mà các thành viên tham gia vào chỉ là một sự ép buộc ví dụ như trại cải tạo, trung tâm cai nghiện… Trong những trường hợp này, các thành viên tham gia vào nhóm với thái độ không hợp tác, và người

trưởng nhóm cần phải giải quyết thái độ này để giúp họ phá bỏ rào cản và sự tự ti.

* Mức độ thiện chí, tận tâm và tin tưởng

Trong ngữ cảnh này, thiện chí có nghĩa là thành viên cố gắng hoà nhập và giúp đỡ công việc trong nhóm hơn là thu mình và phá đám. Thái độ thiện chí sẽ dẫn đến mức độ tận tâm cao trong khi sự tin tưởng được phát triển lên theo thời gian. Những điểm này sẽ được tăng thêm hay vị mai một đi tuỳ thuộc vào việc các thành viên tương tác với nhau như thế nào.

* Thái độ của các thành viên và trưởng nhóm đối với nhau.

Các thành viên có yêu mến nhau không? Họ có tôn trọng và tin tưởng nhau không? Người trưởng nhóm có cảm nghĩ gì về nhóm và về các thành viên? Nghĩ tới và trả lời những câu hỏi này sẽ giúp trưởng nhóm hoà nhịp được với sự tương tác của nhóm

* Các cách tương tác lẫn nhau giữa các thành viên và trưởng nhóm

Một trong những tiến triển của nhóm mà có thể quan sát được đó là các thành viên thường nói chuyện với ai và nói có nhiều không. Người trưởng nhóm phải có khả năng kiểm soát người nói nhiều khỏi việc chiếm hết thời gian của buổi tham vấn và lôi kéo những người nói ít. Người trưởng nhóm cũng cần phải điều chỉnh lại dòng chảy của câu truyện nếu thấy một vài thành viên trong nhóm chỉ nói chuyện với người trưởng nhóm thay vì nói chuyện với cả nhóm hay là việc chỉ một số các thành viên nói chuyện với một số thành viên nhất định nào đó.

* Các bước phát triển của nhóm

Hầu hết tất cả nhóm đều trải qua lần lượt từng bước của sự phát triển và những bước đó lại có những đặc tính riêng mà người trưởng nhóm cần phải hiểu và có thể kiểm soát được. Những bậc phát triển này sẽ được đề cập tới dưới đây.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tham vấn (Nghề Công tác xã hội) (Trang 97 - 99)