Mô hình can thiệp hệ thống gia đình

Một phần của tài liệu Giáo trình Tham vấn (Nghề Công tác xã hội) (Trang 78 - 81)

- Câu hỏi mang tính giúp đối tượng đương đầu với vấn đề qua việc tìm giải pháp: thay vì hỏi vấn đề mà đặt ra câu hỏi hướng vào tìm giải pháp.

2.4Mô hình can thiệp hệ thống gia đình

Còn được gọi là thuyết hệ thống tình cảm gia đình. Đây là mô hình có ảnh hưởng rộng rãi trong tham vấn và trị liệu gia đình. Mô hình này giúp người ta hiểu được một cách tổng quát về các mối quan hệ tình cảm có tính hệ thống trong gia đình. Thuyết này quan tâm tới gia đình nhiều thế hệ và cũng can thiệp ở tầm cá nhân trong bối cảnh gia đình.

Người sáng lập ra thuyết này là M. Bowen. Lý thuyết này cho rằng, cá nhân khi đã đạt được sự tách biệt có nghĩa là họ đã có khả năng cân bằng cảm xúc và lý trí, họ sẽ thành công trong các giai đoạn chuyển đổi trong cuộc đời, ngược lại nếu họ không có khả năng tách biệt này thì họ sẽ gặp những khó khăn trong quá trình phát triển tâm lý. Những cá nhân có khả năng xây dựng mối quan hệ tích cực trong giai đoạn trưởng thành thường là do họ đã học hỏi được cách ứng xử từ các thành viên trong gia đình. Gia đình là nơi tạo nên cho cá nhân cách ứng xử tích cực hay tiêu cực trong suốt cuộc đời họ.

Xuất phát từ quan điểm như trên, M.Bowen ( 1978) đưa ra một số hiện tượng tâm lý gia đình:

Khả năng tách biệt của cá nhân

Một cá nhân “khỏe mạnh” là khi họ có khả năng tách biệt được hai khía cạnh. Thứ nhất là khả năng tách biệt được tư duy và cảm xúc trong chính bản

thân, nói cách khác biết cân bằng giữa tư duy và cảm xúc ngay trong chính mình. Đó là cân bằng giữa nhận biết thực tại một cách khách quan và sự cảm nhận ý nghĩa quan trọng của sự kiện đó. Sự nhận thức tình huống của con người bao gồm cả việc cảm nhận và lý giải nó. Thứ hai là khả năng tách biệt của bản thân với người khác trong gia đình về mặt thể chất nhưng gắn bó về mặt tình cảm, đồng thời vẫn làm chủ được mối quan hệ đó. Cá nhân cần phát triển khả năng này để duy trì sự cân bằng như một nhân cách độc lập trong mối quan hệ tình cảm dù là mới hay cũ. Họ cần có khả năng tách biệt cảm xúc cá nhân của mình với người khác và trở thành một nhân cách độc lập.

Hiện tượng tay ba ( triangle)

Cá nhân không phải lúc nào cũng ở trong tình trạng ổn định, hòa hợp. Khi rơi vào tình huống mâu thuẫn, bất ổn định người ta thường có xu hướng dựa vào người thứ ba để tìm kiếm yếu tố trung gian nhằm giải tỏa vấn đề đang gặp phải. Khi có mâu thuẫn giữa người vợ và người chồng, họ thường tìm đến con cái như người thứ ba để giải tỏa vấn đề của mình.

Sự lo âu và hệ thống tình cảm trong gia đình hạt nhân

Sự lo âu trong gia đình là một hiện tượng phổ biến. Nó có thể là tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào cách giải quyết vấn đề của gia đình đó. Thường có 4 kiểu quan hệ trong hệ thống quan hệ tình cảm của gia đình hạt nhân làm cho vấn đề trở nên trầm trọng.

Phản ứng mang tính mâu thuẫn vợ chồng: một bên phóng chiếu sự lo âu của mình lên người khác để cố gắng tìm kiếm sự kiểm soát của mình đối với người kia.

Khi chức năng cảm xúc của vợ hoặc chồng có vấn đề thì sự lo âu, bất ổn của người kia xuất hiện và nếu như đứa trẻ trong gia đình có ứng xử tiêu cực thì vợ hoặc chồng có xu hướng chuyển tải những lo âu của mình lên đứa trẻ đó. Đến lượt đứa trẻ lại có ứng xử tương tự như bố mẹ. Như là hậu quả các thành viên trong gia đình sẽ tìm cách rời xa lẫn nhau và họ trở nên tách biệt. Một khi

sự lo âu xuất hiện trong gia đình thì nó sẽ ảnh hưởng tới hầu hết mọi thành viên. Sự lo âu không chỉ tồn tại và ảnh hưởng tới một thế hệ mà nó có thể ảnh hưởng tới các thế hệ tiếp theo, tới những người xung quanh họ ( như vợ chồng, bạn bè đồng nghiệp…)

Sự phóng chiếu kiểu cha mẹ

Đây là cơ chế tự vệ bình thường và phổ biến khi con người chuyển những xung đột cảm xúc lo lắng lên người khác. Trong gia đình, cha mẹ thường dùng cơ chế này với con cái và đứa trẻ có xu hướng tiếp nhận và chịu đựng những cảm xúc này của cha mẹ một cách vô thức.

Sự hợp nhất và tách bỏ về mặt cảm xúc

Sự hợp nhất cảm xúc là quá trình khi cá nhân hòa trộn mình với người khác. Trong tình huống căng thẳng, cảm xúc của con người thường vượt trội lí trí. Điều này thường làm cho họ không có cuộc sống tình cảm độc lập hay tách biệt với người kia trong gia đình. Cá nhân có thể không nhận biết được tình trạng này bởi vì họ thiếu khả năng phân tích tình huống đó. Do cá nhân không có khả năng tách biệt trong thời gian dài ở thời niên thiếu, hoặc thơ ấu trước đây họ chấp nhận nó như một cách làm thỏa mãn nhu cầu của người kia để duy trì mối quan hệ. Bản thân họ có thể không nhận biết được họ đang bị ràng buộc, phụ thuộc mặc dù họ rất muốn thoát ra khỏi mối quan hệ gắn bó đó. Hiện tượng tách bỏ cảm xúc là khi con người cố gắng tạo ra khoảng cách với người khác trong gia đình. Biểu hiện của hiện tượng này có thể là sự tách biệt về không gian, cũng có thể tránh né thỏa thuận một chủ đề có chứa cảm xúc cao.

Nhưng can thiệp trên cơ sở hệ thống lý thuyết gia đình hướng tới mục tiêu là mở rộng hệ thống tháo bỏ các hiện tượng tay ba hay sự gắn kết và xây dựng những mối quan hệ mới giữa các thành viên trong gia đình. Do vậy, nhà tham vấn cần trợ giúp gia đình ở một số khía cạnh.

Việc can thiệp giúp gia đình, thành viên trong gia đình giảm bớt những lo âu là một trong những điều cần chú ý. Bên cạnh đó, cần giúp họ nâng cao khả

năng cảm nhận về những thành viên khác. Những can thiệp thúc đẩy sự chia sẻ, mối quan hệ gắn kết nhưng rất mở của các thành viên cũng là một mục tiêu không kém phần quan trọng. Không ít gia đình không có thói quen cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong giải quyết vấn đề. Do vậy khi can thiệp, nhà tham vấn cần giúp họ xây dựng kế hoạch với sự cùng tham gia của mọi người trong gia đình. Có nhiều vấn đề trong gia đình xuất phát từ sự không công bằng, từ sự áp đặt của các thành viên. Nhà tham vấn cần nhận thức được vấn đề này để trợ giúp các thành viên trong gia đình có mối quan hệ bình đẳng và cùng tham gia, cùng gánh vác trách nhiệm.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tham vấn (Nghề Công tác xã hội) (Trang 78 - 81)