Chương 2 CHỨNG KHOÁN
2.2.1.3 Phân loại trái phiếu ● Căn cứ vào chủ thể phát hành
● Căn cứ vào chủ thể phát hành
♦ Trái phiếu công ty (Corporate Bond): là một loại giấy nhận nợ có kỳ hạn do các công ty phát hành.
Trái phiếu công ty có đầy đủ các đặc điểm của trái phiếu và có các đặc điểm khác như:
+ Hầu hết trái phiếu, tiền lãi trả cho trái chủ không phụ thuộc vào mức lợi nhuận của công ty phát hành trừ trái phiếu thu nhập (Income Bond).
+ Trái chủ không có quyền bỏ phiếu và tham gia vào các hoạt động quản lý công ty. + Trái phiếu đem lại cho trái chủ quyền ưu tiên phân chia tài sản khi công ty bị giải thể, hoặc phá sản (được ưu tiên hoàn trả trước khi hoàn vốn cho các chủ sở hữu của công ty).
Trái phiếu công ty bao gồm nhiều loại như: trái phiếu không có đảm bảo, trái phiếu có đảm bảo, trái phiếu thu nhập, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có thể thu hồi... Mỗi loại thường chỉ khác nhau một số chi tiết nhỏ.
- Trái phiếu không có bảo đảm (Non Secured Bond): là loại trái phiếu khá thông dụng, nó được bảo đảm bằng uy tín của doanh nghiệp phát hành.
- Trái phiếu được bảo đảm (Secured Bond) là trái phiếu mà doanh nghiệp đem tài sản cụ thể của mình đảm bảo cho khả năng hoàn trả vốn cho trái chủ. Việc phát hành sẽ thông qua một tổ chức tài chính có khả năng bảo lãnh phát hành. Nếu doanh nghiệp không thanh toán trái phiếu đúng hạn thì trái chủ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng phát mại tài sản đó để thu hồi vốn và trái tức.
- Trái phiếu cầm cố (Mortage Bond) là trái phiếu được phát hành trên cơ sở vật cầm cố của doanh nghiệp, thường là bất động sản.
- Trái phiếu được bảo lãnh (Guaranteed Bond) là trái phiếu được một tổ chức khác đứng ra bảo lãnh thanh toán trái tức và vốn của trái phiếu đó khi trái phiếu không được thanh toán đúng hạn. Tổ chức bảo lãnh thường là các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm...
- Trái phiếu thu nhập (Income Bond) là loại trái phiếu mà việc thanh toán lãi trái phiếu cho trái chủ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phát hành; có lãi thì chia, không có lãi thì thôi, không có quy định tích lũy trái tức. Loại trái phiếu này thường phát hành khi doanh nghiệp mới phục hồi, giá bán của nó thường thấp hơn mệnh giá.
- Trái phiếu chuyển đổi (Convertible Bond) là loại trái phiếu có thể chuyển đổi sang cổ phiếu thường nếu như nó đáp ứng được các điều kiện chuyển đổi. Việc phát hành loại trái phiếu này nhằm làm tăng tính hấp dẫn cho đợt phát hành. Khi phát hành tổ chức phát hành thường quy định giá chuyển đổi, tỉ lệ chuyển đổi, thời gian chuyển đổi.
Giá chuyển đổi (Conversion Price - CP) có thể cố định trong suốt thời hạn của trái phiếu, hoặc thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể.
Ví dụ: một trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 20 năm, trên trái phiếu quy định 5 năm đầu giá chuyển đổi là 2 USD một cổ phiếu thường; 5 năm kế tiếp là 2,5 USD; 10 năm còn lại là 3 USD một cổ phiếu thường.
Giá chuyển đổi cũng có thể quy định theo số lượng cổ phiếu được chuyển đổi. Ví dụ: 50 cổ phiếu đầu tiên chuyển đổi theo giá 2 USD, 100 cổ phiếu tiếp theo chuyển đổi theo giá 3 USD.
Tỉ lệ chuyển đổi (Conversion Ratio - CR) là số lượng cổ phiếu có thể chuyển đổi từ trái phiếu và có thể tính theo công thức: CR = F / CP (trong đó F là mệnh giá trái phiếu).
Ví dụ: Trái phiếu mệnh giá 1000.000 đ, giá chuyển đổi là 100.000 đ thì tỉ lệ chuyển đổi là 1000.000 / 100.000 = 10. Như vậy cứ 1 trái phiếu thì chuyển đổi được 10 cổ phiếu hay có thể nói tỉ lệ chuyển đổi là 1:10.
Tại thời điểm chuyển đổi, nếu giá thị trường của trái phiếu ngang bằng với giá thị trường của số cổ phiếu được chuyển đổi thì việc chuyển đổi là ngang giá. Nếu giá thị trường của trái phiếu nhỏ hơn giá thị trường của số cổ phiếu được chuyển đổi thì việc chuyển đổi có lợi cho nhà đầu tư và ngược lại.
Ví dụ: Vào thời gian hiệu lực của việc chuyển đổi, giá thị trường của trái phiếu nêu trên là 1.200.000 đ; Giá cổ phiếu được chuyển đổi là 150.000 đ. Tổng giá thị trường của số cổ phiếu được chuyển đổi là 10 x 150.000 = 1.500.000 đ. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên thực hiện việc chuyển đổi, vì việc chuyển đổi mang lại cho nhà đầu tư một lượng giá trị gia tăng 300.000 đ / 1 trái phiếu chuyển đổi.
- Trái phiếu có thể thu hồi (còn gọi là trái phiếu hoàn vốn - Callable Bond) là loại trái phiếu mà doanh nghiệp có thể hoàn vốn cho trái chủ trước thời hạn. Việc hoàn vốn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời hạn của trái phiếu, hoặc cũng có thể quy định sau một thời hạn nào đó kể từ khi phát hành.
♦ Trái phiếu Chính phủ (Government Bond) và trái phiếu chính quyền địa phương. Đây là công cụ vay nợ của Chính phủ hay chính quyền địa phương nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách và xây dựng các công trình công cộng.
Thông thường, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính phát hành TPCP và Bộ Tài chính cũng chịu trách nhiệm trả nợ các loại trái phiếu này. TPCP là loại an toàn nhất vì có nguồn ngân sách của Chính phủ đảm bảo, vì vậy giá TPCP trên thị trường thường ít biến động. Các loại trái phiếu ngắn hạn có thể do Ngân hàng Trung ương phát hành theo sự uỷ nhiệm của Bộ Tài chính. Loại trái phiếu này không chỉ nhằm mục đích vay vốn cho ngân sách quốc gia mà còn nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, khắc phục tình trạng lạm phát, đảm bảo hợp lý khối lượng tiền trong lưu thông.
TPCP và chính quyền địa phương có nhiều loại như: tín phiếu kho bạc (Treasury Bill), tín phiếu kho bạc trung hạn (Treasury Notes), trái phiếu kho bạc (Treasury Bond), công trái quốc gia, trái phiếu công trình (còn gọi là trái phiếu đầu tư), v.v...
● Căn cứ vào phương thức trả lãi
- Trái phiếu trả lãi trước (còn gọi là trái phiếu chiết khấu): là loại trái phiếu khi phát hành, tổ chức phát hành thanh toán ngay tiền lãi trái phiếu cho người mua bằng cách khấu trừ tiền lãi vào mệnh giá.
Trái phiếu này có đặc điểm là được phát hành theo giá chiết khấu, tiền lãi được thanh toán một lần vào thời điểm phát hành, khi đến hạn thanh toán, tổ chức phát hành chỉ hoàn trả số tiền bằng mệnh giá của trái phiếu.
Ví dụ: Tín phiếu kho bạc mệnh giá 100.000 đ, thời hạn một năm, lãi suất 10% / năm, phát hành theo hình thức chiết khấu. Giá phát hành (giá mua trái phiếu khi phát hành) là:
100.000 đ – 10% x 100.000 đ = 90.000 đ.
Đến ngày đáo hạn, tổ chức phát hành (kho bạc nhà nước) sẽ trả cho trái chủ số tiền theo mệnh giá 100.000 đ.
Lãi suất thực (lãi trả sau) của trái phiếu này sẽ là:
(100.000 – 90.000) / 90.000 = 0,1111 hay 11,11% / năm
- Trái phiếu trả lãi định kỳ: là trái phiếu mà trái tức được thanh toán cho trái chủ theo những định kỳ nhất định nào đó (thông thường là 6 tháng hoặc một năm).
Trái phiếu này được phát hành theo mệnh giá, đến những định kỳ đã cam kết của tổ chức phát hành, các trái chủ được thanh toán trái tức tương ứng với thời gian của kỳ trả lãi.
- Trái phiếu trả lãi sau: là loại trái phiếu mà toàn bộ trái tức được thanh toán một lần vào thời điểm trái phiếu đáo hạn. Trái phiếu này được phát hành theo mệnh giá. Trái tức được xác định căn cứ vào mệnh giá, lãi suất, thời hạn của trái phiếu và được thanh toán đồng thời với mệnh giá của trái phiếu cho trái chủ.
● Căn cứ vào trái phiếu có kèm phiếu lãi hay không
- Trái phiếu kèm phiếu lãi (Coupon Bond) là loại trái phiếu có cuống lãi (coupon) kèm theo, trên đó ghi lãi suất cùng với thời hạn của trái phiếu. Khi trả trái tức, tổ chức phát hành cắt rời phiếu lãi và trả tiền lãi cho trái chủ.
- Trái phiếu không phiếu lãi (Zero - Coupon Bond) là loại trái phiếu hoặc là không có phiếu lãi đính kèm, hoặc không có trái tức. Trái phiếu này được bán với giá thấp hơn mệnh giá, khi hoàn vốn được trả theo mệnh giá. Thực chất đây là trái phiếu chiết khấu hay
trái phiếu trả lãi trước.
● Căn cứ vào tính chất lãi suất
- Trái phiếu có lãi suất cố định: là loại trái phiếu có lãi suất được xác định trước và không thay đổi trong suốt thời gian tồn tại của trái phiếu. Với loại trái phiếu này, sau khi được phát hành, trái tức luôn phải được thanh toán đúng với lãi suất mà tổ chức phát hành đã cam kết.
- Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): Là loại trái phiếu mà tổ chức phát hành không ấn định một mức lãi suất cố định trong suốt thời hạn lưu hành của trái phiếu. Loại trái phiếu này, lãi suất được xác định căn cứ vào lãi suất trên thị trường vào thời điểm trả lãi để tính và trả lãi cho trái chủ. Hay nói cách khác, lãi suất sẽ được xác định căn cứ vào mức độ lạm phát của nền kinh tế và quan hệ cung cầu vốn trên thị trường vào các thời điểm trả lãi. Trên thực tế khi phát hành trái phiếu lãi suất thả nổi người ta thường sử dụng một mức lãi suất nào đó (được coi là lãi suất chuẩn, ví dụ như: lãi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất LIBOR - London Interbank Offered Rate, SIBOR - Singapore Interbank Offered Rate...) để tham chiếu và công thêm một mức bù rủi ro nhất định. Ví dụ: SIBOR + 0,5% đối với trái phiếu kì hạn 1 năm, SIBOR + 2% đối với trái phiếu kì hạn 5 năm.
Ngoài ra, có thể phân chia trái phiếu theo một số tiêu thức khác như: căn cứ vào thời gian hoàn vốn, trái phiếu bao gồm: trái phiếu ngắn hạn hạn, trái phiếu trung hạn, trái phiếu dài hạn; căn cứ vào khả năng chuyển nhượng, trái phiếu bao gồm: trái phiếu ghi danh, trái phiếu vô danh, v.v...