Một số giao dịch đặc biệt

Một phần của tài liệu Tài liệu Bài giảng thị trường chứng khoán doc (Trang 82 - 86)

11 Nguyễn Công Trứ Tel Fax…Số HL Nhận lệnh

3.1.8. Một số giao dịch đặc biệt

● Giao dịch kí quỹ (Margin trading)

Giao dịch kí quỹ (còn gọi là giao dịch bảo chứng, hay giao dịch trả chậm) là việc mua hoặc bán chứng khoán trong đó, nhà đầu tư chỉ có 1 phần tiền hoặc chứng khoán, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay.

Trong hình thức giao dịch này CTCK không chỉ đóng vai trò là nhà môi giới mà còn là người cấp tín dụng. Các chứng khoán mua bằng giao dịch kí quỹ, tiền thu được từ giao dịch bán khống được coi là vật cầm cố, kí quỹ để đảm bảo cho khoản vay. Rủi ro xảy ra đối với các CTCK triển khai dịch vụ này phát sinh khi chứng khoán cầm cố bị giảm giá, làm cho giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị khoản vay. Vì vậy để đảm bảo cho thị trường ổn định và phát triển, luật pháp các nước thường có các quy định cụ thể về yêu cầu kí quỹ. Loại hình giao dịch này thường phát triển khá mạnh ở các TTCK phát triển. Ở các thị trường mới nổi, giao dịch này thường bị hạn chế, thậm chí một số nước nghiêm cấm như Malaysia, Australia,…

Muốn thực hiện giao dịch kí quỹ, nhà đầu tư phải mở tài khoản kí quỹ (margin account) tại một CTCK và họ phải kí một hợp đồng bảo chứng mà bản chất là hợp đồng tín dụng, trong đó xác định giới hạn cho vay, thời gian vay, lãi suất... Đặc điểm của tài khoản kí quỹ là cho phép nhà đầu tư được mua chứng khoán bằng tiền do CTCK cung cấp nhưng phải có đảm bảo tiền vay, cho phép bán khống nhưng phải nằm trong giới hạn quy định…

Có hai loại giao dịch kí quỹ: mua kí quỹ và bán khống.

► Mua kí quỹ (Margin buying / Margin purchase)

- Mua kí quỹ (còn gọi là mua với hình thức vay số dư) là việc mua chứng khoán trong đó, nhà đầu tư chỉ có 1 phần tiền, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay.

- Bằng cách giao dịch kí quỹ, những người đầu tư có thể gia tăng lợi nhuận đầu tư do giao dịch này có tác dụng đòn bẩy tài chính rất mạnh đối với nhà đầu tư, đồng thời giao dịch kí quỹ sẽ có thể mang lại những tác động tích cực như ổn định giá chứng khoán, tăng cường tính thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, giao dịch kí quỹ cũng có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư và gây tổn hại đến hoạt động của thị trường khi giá chứng khoán sụt giảm. Bởi vì, khi giá chứng khoán giảm, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ. Mặt khác, việc bán chứng khoán trong thời kì giảm giá cũng rất khó khăn càng làm gia tăng thời hạn vay và tiền lãi phải trả. Xét về phía các tổ chức cho vay, khi không thu hồi được nợ, họ phải bán chứng khoán cầm cố của nhà đầu tư làm cho cung chứng khoán càng gia tăng, dẫn đến giá chứng khoán lại càng giảm sút…

- Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên, nhà đầu tư thường tiến hành mua ký quỹ khi kì vọng giá chứng khoán sẽ tăng lên.

- Muốn thực hiện giao dịch mua kí quỹ, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản kí quỹ và kí quỹ theo tỉ lệ kí quỹ do SGD quy định. Trong quá trình thực hiện giao dịch, tỉ lệ kí quỹ có

thể thay đổi để bảo đảm an toàn cho khoản tiền nhà môi giới đã cho vay.

Ví dụ: Tỉ lệ kí quỹ quy định tại SGDCK XYZ là 55% giá trị giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư A muốn mua 100CP, giá 100 USD/CP thì nhà đầu tư chỉ phải nộp số tiền là 5.500 USD cho 55CP và sử dụng số CP này làm tài sản thế chấp cho khoản vay để trả cho 45 CP còn lại. Kết quả của giao dịch mua kí quỹ này sẽ xảy ra theo các tình huống sau:

+ Trường hợp giá cổ phiếu tăng

Nếu giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ 100 USD lên 200 USD thì tổng tiền lời (chưa trừ lãi vay và phí giao dịch trả cho nhà môi giới) sẽ là: 100 USD/CP x 100CP = 10.000 USD. So sánh với tổng vốn đầu tư thì tỉ lệ lãi là 100%, còn nếu so với số tiền thực tế bỏ ra 5.500 USD thì tỉ lệ lãi ông A nhận được là 181,8%. Như vậy, nhờ việc sử dụng đòn bẩy tài chính mà tỉ lệ lợi nhuận ông A nhận được đã tăng lên 81,8%.

+ Trường hợp giá cổ phiếu giảm

Nếu giá CP giảm từ 100 USD xuống còn 50 USD, điều này có nghĩa là tổng thị giá cổ phiếu đã giảm từ 10.000 USD xuống còn 5000 USD. Như vậy nhà đầu tư đã lỗ 5000 USD. Nếu cổ phiếu không được mua bằng hình thức vay số dư, nghĩa là nếu chỉ mua 55 cổ phiếu bằng tiền của chính mình, thì khoản lỗ sẽ là 50USD/CP x 55CP = 2750 USD (tương ứng với tỉ lệ 50%). Bằng việc mua với hình thức vay số dư nhà đầu tư gần như chịu lỗ gấp đôi: 91% (5.000 / 5.500). Trong trường hợp này đòn bẩy tài chính đã có tác dụng ngược, làm cho mức thua lỗ từ 50% tăng lên 91% (chưa kể lãi vay và phí môi giới).

Nếu cổ phiếu mua bằng hình thức vay số dư bị giảm giá đáng kể thì nhà đầu tư sẽ nhận được yêu cầu đóng thêm tiền kí quỹ để đảm bảo yêu cầu kí quỹ tối thiểu so với số tiền đã cho vay. Nếu nhà đầu tư không thực hiện yêu cầu trong vòng thời gian quy định, nhà môi giới cho vay sẽ thanh lí số cổ phiếu của nhà đầu tư để thu hồi vốn.

► Bán khống (Short selling)

Bán khống là việc bán chứng khoán không do người bán sở hữu. Người kinh doanh mượn chứng khoán để thực hiện việc bán ngay và sẽ mua để trả trong tương lai. Ngoài việc mua cổ phiếu đã vay để trả nợ, người bán khống còn phải trả cổ tức cho người cho vay cổ phiếu nếu trong thời gian vay công ty phát hành thanh toán cổ tức, hoặc thưởng cho cổ đông.

Người kinh doanh thực hiện việc bán khống khi nhận định giá chứng khoán sẽ hạ. Họ tin rằng trong một tương lai gần, một loại cổ phiếu nào đó sẽ hạ giá tới mức mà nếu bán ngay bấy giờ sẽ được một khoản lãi đáng kể. Khi vay cổ phiếu để bán, người vay phải trả cho người cho vay một khoản phí nhất định. Đồng thời để đảm bảo an toàn cho người cho vay, người vay thường phải ký quỹ một lượng tài sản (có thể bằng tiền, hoặc loại chứng khoán khác…) tương đương với giá trị cổ phiếu vay theo giá thị trường (thường là số tiền bán số cổ phiếu vay). Trong quá trình chưa trả nợ, nếu giá cổ phiếu đó tăng thì người bán khống (người vay) phải bổ sung thêm tiền ký quỹ, ngược lại nếu giá giảm thì họ được rút bớt ra.

Ví dụ: cổ phiếu XYZ đang mua bán trên thị trường với giá 100 USD. Ông A dự đoán cổ phiếu này sẽ giảm giá trong vài ba tháng tới. Ông A nói với nhà môi giới bán khống 1000 CP XYZ. Nhà môi giới sẽ vay 1000 CP từ một khách hàng, hoặc từ một nhà môi giới khác. Số tiền thu được 100.000 USD từ việc bán khống được ghi có vào tài khoản của ông A. Giả sử tỉ lệ kí quỹ quy định là 50% trên số tiền bán khống. Điều này có nghĩa ông A phải có tiền hoặc chứng khoán khác trong tài khoản của mình có giá trị ít nhất bằng 50.000 USD để làm tài sản thế chấp cho việc bán khống. Giả sử ông A có 50.000 USD trái phiếu chính phủ. Tài khoản của ông A sau giao dịch bán khống sẽ là:

Tài sản Nợ và vốn chủ sở hữu Tiền: 100.000 USD

Trái phiếu chính phủ 50.000 USD Bán khống CP XYZ 100.000 USDVốn chủ sở hữu 50.000 USD

Giả sử dự đoán của ông A đúng, sau 3 tháng giá cổ phiếu XYZ giảm xuống còn 70 USD/CP. Ông A mua 1000 CP để trả lại cho nhà môi giới với tổng số tiền 70.000 USD. Số lợi nhuận ông A thu được (chưa trừ các khoản chi phí) là 30.000 USD. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu XYZ tăng, nhà môi giới yêu cầu ông A phải đóng thêm tiền kí quỹ để đảm bảo đủ mức kí quỹ 50% theo giá thị trường hiện hành, hoặc bù trừ vị trí bán khống bằng cách mua cổ phiếu trả lại cho những người đã cho vay.

Bản chất của bán khống là kinh doanh theo xu hướng giảm giá của cổ phiếu. Người bán khống luôn mong muốn cổ phiếu giảm giá. Từ đó có thể nảy sinh hiện tượng, những người bán khống cùng nhau triệt hạ công ty và khi có nhiều người bán khống cùng một lúc một loại cổ phiếu thì giá cổ phiếu đó sẽ giảm, gây nên những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thị trường, đặc biệt trong những thời kì thị trường đang giảm sâu. Mặt khác, khi thị trường tăng giá liên tục, bán khống có thể làm khuynh gia bại sản các nhà đầu tư, thực chất là nhà đầu cơ, dẫn đến hiệu ứng không tốt đối với môi trường đầu tư. Nếu nghiệp vụ bán khống không bị ràng buộc, nó sẽ là một công cụ nguy hiểm của những kẻ đầu cơ trục lợi trên sự thua lỗ của người khác. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, việc bán khống cũng có tác dụng góp phần ổn định thị trường vì có người bán lúc giá cổ phiếu trên thị trường đang lên cao (người bán khống dự đoán giá sẽ giảm) làm tăng cung, tạo điều kiện giảm giá cổ phiếu; ngược lại, lúc giá giảm sẽ có người mua vào làm tăng cầu, góp phần kéo giá cổ phiếu lên. Nói cách khác, bán khống có tác động làm thay đổi quan hệ cung cầu ở hiện tại và trong tương lai khi nhà đầu tư mua chứng khoán để trả nợ.

● Giao dịch khối (Block trade)

- Giao dịch khối còn gọi là giao dịch lô lớn: là các giao dịch có khối lượng lớn.

- Tiêu chí của giao dịch khối được quy định dựa trên khối lượng giao dịch (khối lượng cổ phiếu, trái phiếu), hoặc dựa trên giá trị giao dịch (tính theo thị giá hoặc mệnh giá). Các tiêu chí này thiết lập phụ thuộc vào quy mô của thị trường, quy mô công ty và tính thanh khoản của từng thị trường. Ví dụ: ở Việt Nam hiện nay giao dịch lô lớn bao gồm các giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ có khối lượng > 20.000.

- Các giao dịch khối được thực hiện theo các phương thức: phương thức báo giá sau đó báo cáo cơ quan quản lí thị trường và phương thức ngoài giờ.

+ Phương thức báo giá: Trong phương thức này, nhà đầu tư phải xin phép SGDCK. Khi xác định giá, người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau về khối lượng và giá giao dịch, sau đó hai bên chuyển giao dịch này tới SGD xem xét và thông qua giao dịch. Nếu giá giao dịch không vượt quá giới hạn so với mức giá đóng cửa, hay được quyết định trước đó thì giao dịch có thể được thực hiện.

+ Phương thức ngoài giờ: các giao dịch khối diễn ra sau khi thị trường đóng cửa, mức giá do các đối tác thỏa thuận, nhưng thường lấy giá đóng cửa làm giá tham chiếu.

● Giao dịch lô lẻ (odd - lot trading)

- Giao dịch lô lẻ là các giao dịch có khối lượng nhỏ hơn 1 đơn vị giao dịch.

- Các giao dịch này diễn ra trên SGD hoặc thị trường OTC thông qua cơ chế giao dịch thỏa thuận giữa nhà đầu tư với CTCK.

- Giá thực hiện trong các giao dịch lô lẻ có thể được xác định trên cơ sở lấy giá giao dịch của loại chứng khoán đó trên SGD, chiết khấu theo 1 tỉ lệ thỏa thuận so với thị giá hoặc do CTCK thỏa thuận với khách hàng.

● Giao dịch không hưởng cổ tức và quyền mua cổ phiếu

+ Giao dịch không hưởng cổ tức là những giao dịch cổ phiếu thực hiện vào những ngày mà ngày thanh toán các giao dịch đó (ngày chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán) diễn ra sau ngày chốt danh sách cổ đông (ngày khóa sổ) để chi trả cổ tức của công ty cổ phần.

Thông thường, định kì theo quyết định của Hội đồng quản trị, công ty cổ phần có thể trả cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu. Những cổ đông có danh sách vào ngày đăng kí cuối cùng sẽ được nhận cổ tức. Những cổ đông sở hữu chứng khoán từ sau ngày khóa sổ sẽ không được nhận cổ tức.

+ Giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu mới là những giao dịch cổ phiếu thực hiện vào những ngày mà ngày thanh toán các giao dịch đó (ngày chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán) diễn ra sau ngày chốt danh sách cổ đông (ngày khóa sổ) để phát hành quyền mua cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu.

Vào những ngày giao dịch không hưởng cổ tức và quyền mua, SGD sẽ công bố trên hệ thống công bố thông tin để nhà đầu tư biết và xác định lại giá tham chiếu giao dịch.

Về nguyên tắc giá tham chiếu trong những ngày giao dịch không hưởng cổ tức và quyền mua sẽ bằng giá giao dịch trước đó (giá giao dịch ngày được nhận cổ tức và quyền mua) trừ đi giá trị cổ tức và quyền được nhận.

- Trường hợp trả cổ tức bằng cổ phiếu:

Giá đóng cửa ngày hôm trước

Giá tham chiếu = --- 1 + tỉ lệ cổ phiếu mới / cổ phiếu cũ

- Trường hợp trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu:

Giá đóng cửa ngày hôm trước - cổ tức bằng tiền Giá tham chiếu = --- 1 + tỉ lệ cổ phiếu mới / cổ phiếu cũ

- Trường hợp phát hành quyền mua cổ phiếu: P1 = (mP0 + nF) / (m+n)

Trong đó P1 là giá tham chiếu (giá ngày giao dịch không hưởng quyền), P0 là giá cổ phiếu ngày hôm trước (ngày giao dịch hưởng quyền), F là giá cổ phiếu theo quyền mua, m là số cổ phiếu cũ (cổ phiếu đang lưu hành), n số cổ phiếu mới dự kiến phát hành.

● Giao dịch cổ phiếu quỹ

- Cổ phiếu quỹ (treasury stocks) là cổ phiếu đã phát hành và được mua lại bởi chính tổ chức phát hành.

- Việc mua lại cổ phiếu quỹ do tổ chức phát hành thực hiện và phải được sự chấp thuận của SGDCK.

- Công ty niêm yết muốn mua lại cổ phiếu quỹ phải xin phép SGD và nêu rõ nguồn vốn thực hiện việc mua lại, khối lượng và thời gian thực hiện việc mua lại, CTCK được ủy thác thực hiện lệnh.

- Thông thường để hạn chế tác động tới giá cổ phiếu trên thị trường, SGDCK quy định khối lượng giao dịch cổ phiếu mà công ty niêm yết được mua lại qua các phiên giao

dịch và sau khi mua lại công ty niêm yết phải nắm giữ trong vòng thời gian tối thiểu theo quy định (ở Việt Nam hiện nay là 6 tháng) và không được phép bán ra trong thời gian đó.

● Giao dịch thâu tóm công ty

- Giao dịch thâu tóm công ty (take over) được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu mua cổ phiếu (tender offer) trên thị trường thứ cấp. Mục tiêu của nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch thâu tóm công ty là nắm giữ, kiểm soát 1 khối lượng lớn cổ phiếu có quyền biểu quyết, nhằm nắm quyền kiểm soát công ty, hoặc sáp nhập công ty.

- UBCK các nước thường quy định giao dịch thâu tóm sẽ được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu mua lại cổ phiếu.

Một phần của tài liệu Tài liệu Bài giảng thị trường chứng khoán doc (Trang 82 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w