Chứng quyền (Warrants)

Một phần của tài liệu Tài liệu Bài giảng thị trường chứng khoán doc (Trang 42 - 43)

Chương 2 CHỨNG KHOÁN

2.2.4.2.Chứng quyền (Warrants)

Chứng quyền (còn gọi là bảo chứng phiếu) là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng khoán được quyền mua một số lượng cổ phiếu thường theo một mức giá xác định trước trong một thời hạn nhất định.

Nội dung cơ bản của chứng quyền:

- Tên hàng hóa cơ sở.

- Thời gian hiệu lực của chứng quyền.

- Giá mua cổ phiếu theo chứng quyền hoặc giá chuyển đổi. - Tỉ lệ chứng quyền / 1 chứng khoán được chuyển đổi.

Việc phát hành chứng quyền là hình thức quảng cáo về triển vọng trong tương lai của công ty, nhằm làm tăng tính hấp dẫn của chứng khoán trong đợt phát hành đó.

Ví dụ: công ty ABC muốn huy động vốn nợ một cách dễ dàng hơn nên đã quyết định phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Trái phiếu có mệnh giá 500.000 đ, thời hạn 10 năm, lãi suất 10%/ năm. Mỗi trái phiếu phát hành kèm theo một chứng quyền với tỉ lệ 1: 5 (có nghĩa là một trái phiếu được quyền mua 5 cổ phiếu thường), giá mua là 100.000 đ/CP (giá cổ phiếu của công ty trên thị trường hiện hành là 50.000đ /CP) trong thời hạn 5 năm (từ năm thứ 6 đến năm thứ 10). Nhà đầu tư mua trái phiếu với hy vọng sau 5 năm giá cổ phiếu của công ty tăng lên, chẳng hạn 145.000 đ/ CP. Lúc đó ông ta sẽ sử dụng chứng quyền để mua cổ phiếu của công ty theo giá đã được xác định trước 100.000 đ / CP và bán ra theo giá thị trường 145.000 đ /CP.

Nếu thị giá cổ phiếu trên thị trường không tăng, nhà đầu tư sẽ không thực hiện chứng quyền của mình.

Chứng quyền có các đặc điểm sau:

- Chứng quyền do các công ty phát hành chứng khoán gốc phát hành.

- Chứng quyền có thời hạn hiệu lực dài hơn quyền mua cổ phần, thông thường từ 5 đến 10 năm, thậm chí có thể là vĩnh viễn.

- Giá mua cổ phiếu ghi trên chứng quyền bao giờ cũng cao hơn giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm phát hành. Giá này thường cố định hoặc cũng có thể được tăng lên theo một định kỳ nào đó.

- Người nắm giữ chứng quyền được quyền mua cổ phiếu thường, hoặc có thể giao dịch, mua bán trên TTCK. Giá cả của chứng quyền được quyết định bởi :

+ Thứ nhất, giá trị nội tại của chứng quyền. Giá trị nội tại của chứng quyền là tổng mức chênh lệch giá giữa giá theo chứng quyền và dự báo giá thị trường của cổ phiếu vào thời điểm được phép mua hoặc chuyển đổi.

Ví dụ :

Tổng chứng quyền ông A nắm giữ cho phép mua một số cổ phiếu với tổng giá thanh toán là 2.000.000 VND (theo giá ghi trên chứng quyền). Giá thị trường của số cổ phiếu này ở thời điểm được mua cổ phiếu theo quyền là 2.200.000 VND thì giá trị nội tại của chứng quyền đó sẽ là 200.000VND.

Giá cả của chứng quyền được giao dịch trên thị trường bao giờ cũng nhỏ hơn giá trị nội tại của nó.

+ Thứ hai, độ dài thời hạn hiệu lực còn lại của chứng quyền. Thời hạn hiệu lực còn lại của chứng quyền càng ngắn thì giá chứng quyền càng thấp và ngược lại.

- Người nắm giữ chứng quyền không có những quyền của một cổ đông trong công ty (không có quyền biểu quyết, nhận cổ tức…)

Một phần của tài liệu Tài liệu Bài giảng thị trường chứng khoán doc (Trang 42 - 43)