Nguyên nhân của đói nghèo

Một phần của tài liệu Sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo tinh phú thọ 2002 2007 thực trạng và một số bài học kinh nghiệm (Trang 42 - 45)

I. Bức tranh chung về đồng bào DTTS và cơ sở pháp lý cho sự tham gia của người DTTS trong dự án giảm nghèo

2- Thực trạng đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

2.2. Nguyên nhân của đói nghèo

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của các DTTS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhưng có thể tóm tắt lại thành các nhóm nguyên nhân sau:

2.2.1 Nhóm nguyên nhân do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên

Người DTTS sinh sống chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có rất nhiều bất lợi về địa lý, sự thiếu hụt các công trình hạ tầng cơ bản: đường giao thông, điện, y tế, trường học…đây có thể là nguyên nhân bao trùm gây nên đói nghèo và lạc hậu. Việc thiếu các công trình giao thông làm cho cản trở người dân giao lưu, trao đổi thông tin, hàng hóa, trao dồi kiến thức, năng lực sản xuất. Các sản phẩm làm ra nếu có được trao đổi buôn bán thì cũng bị giảm giá trị đi rất thấp. Tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa có thị trường hoặc thị trường hoạt động rất sơ khai, yếu ớt. Điều đó có nghĩa người dân tộc nơi đây gần như bị đăt ra ngoài sự phát triển của xã hội.

Ngoài ra, do điều kiện địa hình có nhiều núi đồi, sông suối tạo nên các vùng khí hậu khác nhau, thời tiết phức tạp, thiên tai thường xảy ra, nhất là lũ quét vào mùa mưa, rét đậm, rét hại vào mùa đông làm cho đời sống của bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, đất canh tác ít và xấu,

cằn cỗi, bạc màu làm cho năng suất vật nuôi cây trồng thấp, mất mùa, thất thu. Đây là những nguyên nhân gây ra đói gay gắt cấp tính cục bộ. Đói nghèo do ảnh hưởng của đều kiện tự nhiên thường chiếm tỷ lệ gần 10% và nguyên nhân này trước mắt cũng như lâu dài vẫn là nỗi lo tiềm ẩn trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ.

2.2.2 Nhóm nguyên nhân do bản thân người DTTS

Người DTTS thiếu các điều kiện cơ bản để sản xuất như thiếu ruộng đất, thiếu giống, thiếu kinh nghiệm canh tác. Nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi, không đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trong khi đó họ lại không có nghề phụ. Bên cạnh đó bà con dân tộc vẫn còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa tự tìm lối đi trong phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm, cùng với phong tục tập quán canh tác lạc hậu là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất cây trồng chưa cao.

Với quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “phải có con trai nối dõi” nên người DTTS sinh nhiều dẫn đến đông con, mức thu nhập không đủ để trang trải cho cả gia đình. Thiếu lao động, nguồn thu nhập thấp, thu không đủ chi, không đáp ứng được nhu cầu hàng ngày của số đông người trong gia đình nên họ dễ rơi vào cảnh nghèo đói. Mặt khác thiếu lao động trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn như các gia đình thuộc diện chính sách, người già, góa bụa…

Điều kiện sống thấp dẫn đến ốm đau, bệnh tật, tai nạn, rủi ro. Đây là những nguyên nhân khách quan, thường không lường trước được làm cho người dân tộc đã nghèo lại còn nghèo hơn.

Người dân tộc có trình độ dân trí thấp, kém hiểu biết, thiếu kinh nghiệm làm ăn. Việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật còn hạn chế dẫn đến trình độ sản xuất còn lạc hậu, năng suất thấp.

Qua các chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước, người dân tộc đã được tiếp cận với các loại vốn vay ưu đãi, nhưng có một bất cập ở đây là các hộ gia đình thường không sử dụng vốn đúng mục đích. Họ thường dùng số tiền vay được để mua sắm và trang trải cho sinh hoạt của gia đình thay vì đầu tư vào các loại giống cây trồng, vật nuôi tốt hơn, mua phân bón, mua công cụ sản xuất để tăng năng xuất cây trồng vật nuôi. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho người DTTS cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói của chính họ.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như lười biếng, không chịu lao động, mắc phải các tệ nạn xã hội như nghiện hút cờ bac, ăn tiêu lãng phí, phong tục tập quán lạc hậu dẫn đến nghèo đói của đồng bào các DTTS.

Hộp 2.1: Điều tra của BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ về nguyên nhân của đói nghèo:

-38% số hộ đói nghèo do thiếu vốn.

-25.7% số hộ đói nghèo do thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm ăn. -9% số hộ đói nghèo do ốm đau bệnh tật.

-10% số hộ đói nghèo do thiếu tư liệu sản xuất. -14.5% số hộ đói nghèo do thiếu lao động, đông con. -3.15% số hộ đói nghèo do các nguyên nhân khác.

Nguồn: BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ

2.2.3 Nhóm nguyên nhân trình độ phát triển kinh tế xã hội

Người DTTS sống ở các huyện vùng núi, có điểm xuất phát của kinh tế thấp, tập quán canh tác lạc hậu, nghèo đói dai dẳng, nghèo truyền kiếp vẫn còn tồn tại.

Môi trường xã hội không thuận lợi, đó là các vấn đề về y tế, văn hóa, giáo dục phát triển yếu kém. Đây là những yếu tố giúp người dân có sức khỏe, có kiến thức để hòa nhập vào nền kinh tế một cách tốt nhất.

Nhà nước chưa có các biện pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, các biện pháp hành chính giáo dục để xóa bỏ các tệ nạn xã hội còn hạn chế. Đây là nhóm nguyên nhân liên quan đến các giải pháp bền vững giải quyết tận gốc vấn đề xóa đói giảm nghèo cho người DTTS.

Một phần của tài liệu Sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo tinh phú thọ 2002 2007 thực trạng và một số bài học kinh nghiệm (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w