II. Thực trạng tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
4- Đánh giá thực hiện dự án
Người DTTS ít có cơ hội tham gia vào quá trình đánh giá thực hiện dự án. Việc đánh giá thực hiện dự án được thực hiện bởi các cấp trên cao hơn (cấp huyện, cấp tỉnh). Sau khi dự án kết thúc, các công trình được đưa vào sử dụng, bà con dân tộc không biết đến “đánh giá thực hiện” là gì, họ chỉ biết đến việc mình đã làm gì trong khi dự án đang được triển khai, và sử dụng các
sản phẩm của dự án sau khi đã hoàn thành. Có chăng tham gia khâu này là các cán bộ như trưởng thôn, trưởng bản, cán bộ xã nhưng cũng rất hạn chế.
Bà con dân tộc chỉ biết đến các công trình, các hợp phần đã được xây dựng, triển khai ở thôn bản mình, cũng không biết là nó có đạt mục tiêu ban đầu đề ra hay không, bởi vì chính bản thân họ cũng không nắm rõ được mục tiêu ban đầu của từng công trình, hợp phần là gì. Ví dụ như dự án có công trình làm đường liên thôn, sau khi làm xong thì có con đường để đi từ thôn này sang thôn khác, từ bản này qua bản khác, việc đi lại giữa các thôn bản trở nên dễ dàng hơn, còn việc thực hiện con đường có đạt được mục tiêu ban đầu là giúp các cộng đồng dân cư gắn bó hơn, sự giao lưu giữa các làng bản đươc mở rộng góp phần nâng cao dân trí, và cuối cùng là giúp xóa đói giảm nghèo hay không thì họ không biết. Ngoài ra, do không có sự tham gia của người dân ở khâu này nên việc phát hiện ra các vấn đề sai phạm trong quá trình thực hiện dự án cũng không được quan tâm.
Do đó có thể nói khâu đánh giá thực hiện dự án thực sự chưa mang lại hiệu quả khi không có sự tham gia của người dân.