Nguyên nhân chủ quan

Một phần của tài liệu Sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo tinh phú thọ 2002 2007 thực trạng và một số bài học kinh nghiệm (Trang 71 - 74)

IV. Một số kết luận chung về sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ

3- Nguyên nhân của hạn chế

3.1. Nguyên nhân chủ quan

3.1.1. Nguyên nhân từ phía người dân

Thứ nhất, trình độ dân trí của người DTTS còn thấp, tâm lý tự ti mặc cảm còn tồn tại trong dân. Người dân tộc ít đi học, hạn chế về kiến thức, sự hiểu biết làm cản trở việc tham gia của người dân. Bên cạnh đó, sự giao lưu với xã hội bên ngoài không được phổ biến, nhất là đối với các nhóm dân tộc sống biệt lập như người Mông, người Dao. Do đó họ chỉ tham gia vào các công việc giản đơn như lao động nhận tiền công (đào đất, vận chuyển đá, đổ bê tông, xây dựng cơ bản, phụ hồ…), còn các công việc đòi hỏi cao hơn như giám sát công trình, thiết kế thi công họ thường không làm được. Sự mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh nghèo đói của mình cũng cản trở họ tham gia của người dân tộc vào dự án.

Thứ hai, sự khác biệt về ngôn ngữ cũng làm cản trở sự tham gia của người dân tộc. Hiện nay người dân tộc không biết nói tiếng phổ thông còn rất nhiều, nhất là những nhóm dân tộc sống ở các thôn xa. Do không biết tiếng phổ thông nên việc tham gia vào dự án của họ có bị hạn chế, họ không biết mình sẽ được làm gì nếu không có người giải thích về nội dung tính chất công việc. Cũng vì không hiểu nên gây tâm lý chán nản không muốn tham gia.

Thứ ba, việc tồn tại các phong tục tập quán lạc hậu trong đời sống của người DTTS cản trở sự tham gia của phụ nữ vào dự án. Theo phong tục của đa số người dân tộc, nam giới là chủ gia đình, chính vì thế khi được mời tham gia vào dự án, chủ gia đình chính là đại diện để tham gia (chủ yếu chồng đi họp, tham gia tập huấn cũng là người đàn ông trong nhà…), người phụ nữ chỉ có trách nhiệm sinh con và duy trì cuộc sống gia đình.

Hộp 2.9: Ý kiến của một phụ nữ dân tộc Tày:

“Ở đây mời đi họp thôn thì dân tộc nào cũng đi như nhau thôi. Nhưng người Nùng, Hmông nhất là phụ nữ thì không phát biểu đâu. Họ chỉ nghe thôi...Đồng bào và cán bộ những dân tộc này ở đây học ít lắm, họ cũng có

giám sát nhưng không biết nhiều đâu. Những người trẻ thì biết chứ người già trên 40 tuổi không biết nói tiềng phổ thông đâu”

Nguồn: BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ

3.1.2. Nguyên nhân từ phía chính quyền cơ sở

Thứ nhất, trình độ văn hóa và năng lực của cán bộ thôn bản - nhất là các thôn bản vùng cao còn rất hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý của dự án. Mọi thông tin đều đi qua trưởng thôn nhưng nhiều khi trưởng thôn không nắm hết được, hầu hết trưởng thôn ở vùng cao mới có văn hóa (có thể chưa hết) cấp 1.

Thứ hai, chế độ đãi ngộ cho các cán bộ thôn bản còn nhiều bất cập. Phụ cấp dành cho trưởng thôn quá thấp “không đủ tiền mua dép đi báo mọi người đi họp” (mà thực tế việc báo đủ mọi người đi họp cũng đã rất khó khăn, có thôn muốn báo được phải đi mất cả ngày đường) trong khi đó công việc của trưởng thôn lại rất nhiều và vất vả nên không tránh khỏi việc chán nản, không đóng góp hết công sức cho công việc chung của cộng đồng. Có cán bộ xã khi được hỏi cho biết “ việc thì nhiều, mà anh em ở thôn trình độ có hạn, đi lại

thì xa mà phụ cấp thì quá thấp, nên mình cũng phải nói nhẹ nhàng thôi, nói nặng họ bảo “mày đi mà làm””.

Thứ ba, các cán bộ cấp cao hơn thường có tâm lý đánh giá thấp năng lực của cán bộ cấp dưới. Với lý do năng lực của các cán bộ địa phương yếu nên thường không giao cho họ làm chủ các công trình, tiểu dự án có quy mô lớn. Chính vì vậy, họ không có cơ hội nâng cao học hỏi nâng cao nhận thức của mình. Và do không làm chủ đầu tư nên việc huy động sự tham gia của bà con cũng bị hạn chế. Người dân thường tin tưởng vào người của mình hơn là người ngoài, với tâm lý “sợ bị cai thầu lừa không được trả công”.

Thứ tư, các tổ chức đoàn thể trong thôn bản (hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh…)chưa thật sự phát huy được vai trò của mình trong việc vận động bà con tham gia vào dự án. Có những thôn các tổ chức đoàn thể hoạt động khó khăn hoặc hầu như không hoạt động. Lý do chủ yếu theo ý kiến của bà con là do năng lực cán bộ còn hạn chế (nhiều cán bộ đoàn thể không biết thạo tiếng phổ thông), cán bộ bận việc nhà (nhất là cán bộ hội phụ nữ)…Các đoàn thể ít tổ chức các hoạt động thiết thực để bà con tham gia.

Một phần của tài liệu Sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo tinh phú thọ 2002 2007 thực trạng và một số bài học kinh nghiệm (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w