Triển khai thực hiện dự án

Một phần của tài liệu Sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo tinh phú thọ 2002 2007 thực trạng và một số bài học kinh nghiệm (Trang 50 - 57)

II. Thực trạng tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ

2- Triển khai thực hiện dự án

Triển khai thực hiện dự án là khâu thu hút được đông đảo sự tham gia của đồng bào DTTS nhất. Với khoảng 3/4 số hộ hưởng lợi từ dự án là người

DTTS, do vậy họ đã tham gia rất nhiệt tình vào trong tất cả các hoạt động của dự án như tham gia xây dựng các công trình, tham gia vào các khóa đào tạo năng cao năng lực, lựa chon các mô hình nông nghiệp được triển khai tại thôn bản…

Trước tiên, người DTTS đã được tham gia vào việc tự quyết định xem họ được tham gia vào những hoạt động, những hợp phần nào của dự án, tuy sự tham gia này còn hạn chế và thường chỉ áp dụng với các công trình có quy mô nhỏ thực hiện địa phương, còn đối với các công trình có quy mô lớn hơn thường là do nhà thầu chỉ định, người dân hoàn toàn bị động khi tham gia vào các công trình này.

Người DTTS chủ yếu tham gia bằng cách đóng góp sức lao động vào các công trình của dự án. Đây là cách tham gia đơn giản nhất, không có yêu cầu đòi hỏi gì về trình độ chuyên môn, chỉ cần có sức lao động là được và còn mang lại thu nhập cho người dân nên khi được huy động họ tham gia rất nhiệt tình. Đối với các tiểu dự án nhỏ do xã làm chủ đầu tư thì ngày công có thể hơi thấp so với măt bằng chung khi tham gia vào các công trình khác của dự án (thường chỉ từ 15000-20000/ngày), nhưng cũng có rất nhiều bà con tham gia. Việc tạo ra thu nhập góp phần trực tiếp vào việc xóa đói giảm nghèo của người dân tộc.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, sự tham gia của phụ nữ vẫn còn hạn chế và có những khoảng cách nhất định khi tham gia vào dự án. Đa phần phụ nữ tham gia vào các mô hình ứng dụng nông nghiệp (mô hình nuôi lợn nái, mô hình trồng ngô…), còn việc tham gia vào các công trình xây lắp thường là nam giới, phụ nữ cũng có tham gia nhưng không nhiều, các hợp phần đào tạo nam giới tham gia là chủ yếu, phụ nữ tham gia chiếm tỷ lệ không cao.

Cụ thể, sự tham gia của người DTTS trong khâu này qua các nội dung của dự án được thể hiện như sau:

 Đối với các hạng mục công trình xây lắp

Trong quá trình xây dựng các công trình của dự án, các nhà thầu thường sử dụng lao động địa phương, do giá nhân công rẻ và có thể huy động được tại chỗ, đồng thời lại tạo ra thu nhập trực tiếp cho người DTTS với mức tiền công trung bình từ 25.000-30.000đ/người/ngày, số lượng ngày công thấp nhất là 2 ngày và cao nhất là 45 ngày. Đây là mức tiền công được cho là tương đối phù hợp với lao động tại địa phương. Việc tạo ra việc làm từ các công trình của dự án đã phần nào giải quyết tình trạng thất nghiệp trong những lúc nông nhàn và tận dụng lao động dư thừa. Theo thống kê của BQLDA, có 53,9% số người tham gia vào việc lao động trả công của dự án với số tiền công thấp nhất là 20.000đ/người/ngày, cao nhất là 40.000đ/người/ngày là người DTTS (trong đó người Mường chiếm đa số, còn lại là người Dao và các dân tộc khác). Nguồn thu nhập từ việc tham gia vào các hoạt động của dự án đã giúp người DTTS phần nào trong việc cải thiện cuộc sống của mình.

Hộp 2.2: Ý kiến của một nam giới dân tộc Thái

“Thu nhập từ việc tham gia các công trình tại bản tuy không được

nhiều lắm, nhưng đối với nhà nghèo cũng đỡ được nhiều thứ lắm: Có tiền trả tiền điện, mua mấy thứ trong nhà như xà phòng, sách vở cho các con đi học”.

Nguồn: BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ

Người DTTS chủ yếu tham gia vào các hoạt động giản đơn như phụ xây, vận chuyển vật liệu xây dựng, đào đất…nói chung là những công việc lao động chân tay thuần túy, không có yêu cầu về mặt kỹ thuật. Điều này cũng

hoàn toàn phù hợp với khả năng của người DTTS, họ có sức khỏe nhưng lại hạn chế về kiến thức do đó chỉ phù hợp với những công việc đơn giản chỉ có yêu cầu về sức lao động. Nội dung này cũng đã thu hút được nhiều bà con DTTS tham gia nhất thu nhập để có thể giải quyết những công việc cần thiết mà không phải chờ đợi để thu được lợi ích sau một thời gian (như tham gia vào các mô hình nông nghiệp, sau một thời gian triển khai mới bắt đầu đem lại kết quả). Như vậy có thể thấy người DTTS tham gia vào nội dung này chủ yếu dưới hình thức lao động trả công, hay nói cách khác hình thức tham gia của họ là tham gia vì lợi ích.

Như đã nói ở trên, trong qúa trình thiết kế các công trình có quy mô lớn, đòi hỏi bản phải có bản vẽ kỹ thuật, tính toán khối lượng thì người dân tộc không làm được thường do người ngoài đảm nhiệm, người dân thường không được huy động tham gia trong khâu này, họ chỉ tham gia đóng góp sức lao động trực tiếp, còn các công trình nhỏ, đơn giản thì cán bộ xã, thôn trực tiếp triển khai thực hiện.

Hộp 2.3: Lời của một trưởng thôn dân tộc Mường:

“Khi thực hiện người ta không đưa bản vẽ, mà có đưa thì cũng không

biết gì, không biết đã sử dụng bao nhiêu sắt thép, xi măng, công thức pha trộn như thế nào, chúng tôi chỉ góp sức lao động thôi”.

Nguồn: Ban quản lý dự án giảm nghèo tỉnh Phú Thọ

Việc huy động sự tham gia của người dân trong khâu này cũng rất đơn giản, thông thường khi triển khai xây dựng các công trình, các nhà thầu sẽ trực tiếp thuê lao động địa phương, tiền công sẽ được thỏa thuận giữa hai bên với sự giúp đỡ của chính quyền, đảm bảo cho người dân không bị thiệt và nhà thầu cũng có được nguồn lao động cung ứng cho các công trình.

Sự tham gia của người DTTS không được rộng rãi do những yêu cầu riêng của nội dung này. Người DTTS chiếm 75- 90% dân số trong vùng dự án, tuy vậy lại chỉ có 41,1% lượt người tham gia đào tạo tập huấn là người DTTS, con số này là quá thấp so với cơ cấu người DTTS trong vùng dự án. Mà trong vùng dự án, tỷ lệ hộ nghèo của các DTTS luôn cao hơn người Kinh. Điều đó cho thấy vẫn còn có những khoảng cách nhất định cho việc tham gia vào nội dung này đối với người DTTS.

Xét trên góc độ tham gia dự án là phụ nữ, tỷ lệ tham gia đào tạo của phụ nữ thấp, chỉ chiếm 1/4 số lượt người tham gia tập huấn đào tạo. Đối với hai nội dung đào tạo là y tế và giáo dục, tỷ lệ phụ nữ được tham gia là khá cao với 55.7% và 84.7%. Đây có lẽ là lĩnh vữc phụ nữ tham gia chiếm tỷ lệ cao trong thực tế, còn các hoạt động đào tạo khác (chủ yếu là kỹ thuật, giám sát…) tỷ lệ phụ nữ được tham gia đào tạo chỉ là 7%, một con số quá khiêm tốn so với tỷ lệ phụ nữ là người DTTS trong vùng dự án. (Nguồn: BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ).

Thông thường, những người được cử đi đào tạo là do các cán bộ xã lựa chọn, sau khi thông qua sự nhất trí của người dân trong các cuộc họp sẽ gửi danh sách đi học lên BQLDA. Hình thức tham gia của người dân trong khâu này chủ yếu là tham gia vì nhiệm vụ. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, những người đi học sẽ về phục vụ tại chính thôn bản mình, chính điều này đã nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương vì họ thường có tâm lý tin tưởng người của mình hơn người ngoài.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn chọn đi đào tạo còn khá cứng nhắc nên đã tạo ra những rào cản nhất định cho người DTTS tham gia, nhất là đối với các nhóm dân tộc ít người hơn như người Dao. Theo lời của một chủ tịch xã đã nói: “Theo tiêu chuẩn để được đi đào tạo thì cần phải có nghiệp vụ chuyên sâu và

dành riêng cho những người đủ tiêu chuẩn thôi” (Nguồn: BQLDA giảm

nghèo tỉnh Phú Thọ). Ví dụ để có thể tham gia khóa đào tạo về lớp y sỹ đa khoa cần phải có những tiêu chuẩn nhất định về trình độ học vấn, trong khi đó mặt bằng về học vấn của các dân tộc là khác nhau. Chính điều này đã loại bỏ ngay từ đầu những ứng cử viên của các nhóm dân tộc nhạy cảm nhất, cần cán bộ nhất (như người Mông). Điều này cũng tạo ra những rào cản cách biệt về tính hiệu quả, tính bền vững của hợp phần đào tạo nâng cao năng lưc của dự án đối với đồng bào các DTTS. Các nhóm dân tộc ít người hơn thường thu được hiệu quả kém hơn so với các nhóm dân tộc đông người hơn (người Mường).

 Đối với các tiểu dự án thuộc hợp phần Ngân sách phát triển xã

Các tiểu dự án thuộc hợp phần Ngân sách phát triển xã sẽ trực tiếp do chính quyền xã làm chủ đầu tư. Cán bộ cấp cơ sở (kể cả cấp thôn bản) có thể thực hiện tốt quyền làm chủ của mình từ khâu đầu đến khâu cuối của các tiểu dư án. Người dân trong thôn bản sẽ được tham gia đề xuất các công trình, thực hiện, giám sát, quản lý, bảo dưỡng công trình sau khi đi vào hoạt động, có thể nói người dân đã được tham gia vào tất cả các bước của tiểu dự án được triển khai tại thôn bản mình.

Sự tham gia của người DTTS trong khâu này chủ yếu dưới hình thức tham gia vì nhiệm vụ. Các dân tộc đều chủ động tham gia đóng góp ý kiến, bình chọn cho các tiểu dự án sẽ được triển khai, không những thế họ còn đề xuất thứ tự ưu tiên khi thực hiện các tiểu dự án. Người dân tham gia lựa chọn các tiểu dự án thông qua các cuộc họp thôn bản. Phần lớn ở các thôn bản có tham gia hợp phần ngân sách phát triển xã đều tổ chức họp dân từ 2 đến 3 lần. Khi vấn đề được nêu ra, người dân có thể tham gia phát biểu ý kiến trực tiếp về những việc sẽ diễn ra ở thôn bản mình, nếu phải bình trọn cho một vấn đề nào đó thì người dân có thể trực tiếp biểu quyết hoặc bỏ phiếu cho các lựa

chọn của mình. Tuy nhiên, cách nào cũng mang lại hiệu quả rất cao vì người dân rất nhiệt tình khi tham gia bình chọn. Nhưng số lượng nam giới và nữ giới đi họp rất khác nhau, nữ giới là người DTTS đi họp ít hơn nam giới và ít tham gia phát biểu hơn. Đây có thể là do ảnh hưởng của một số tập tục lạc hậu, nhiều DTTS có thói quen phân công lao động theo đó nam giới là chủ gia đình, quản lý kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội, vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng người DTTS không được đề cao.

Ngoài việc tham gia vào bình xét, người dân còn tham gia lao động trả công trong các công trình của tiểu dự án. Ngoài ra, sự tham gia của người DTTS còn thể hiện qua viêc tự nguyện đóng góp những phần đất bị ảnh hưởng của dự án (khi làm mương phai thủy lợi, làm đường - tất nhiên là rất ít, giá trị không cao), những hộ bị ảnh hưởng sau khi được giải thích và trên cơ sở lợi ích của chung của thôn bản đã tình nguyện đóng góp không yêu cầu đền bù. Bên cạnh đó, dân tộc còn tự nguyện đóng góp công sức trong việc thực hiện các tiểu dự án ở chính thôn bản mình mà không cần tính công (tất nhiên chỉ trong một giới hạn nào đó). Người DTTS còn tham gia giám sát các tiểu dự án và quản lý công trình sau khi đi vào hoạt động, điều đó đã cho thấy sự ủng hộ của bà con thôn bản đối với dự án. Có thể nói đây là nội dung đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân tộc nhất trong dự án giảm nghèo tỉnh Phú Thọ.

Đối với các mô hình nông nghiệp thuộc hợp phần nông nghiệp và phát triển nông thôn

Đây cũng là nội dung thu hút được nhiều bà con dân tộc tham gia. Khi tham gia vào nội dung này, bà con trong các thôn bản trực tiếp tham gia lựa chọn các mô hình, các cây trồng, vật nuôi phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Việc lựa chọn các mô hình nông nghiệp cũng được diễn ra tại các cuộc họp thôn bản với hình thức tham gia chủ yếu là tham gia vì nhiệm vụ.

Sau khi đã lựa chọn các mô hình phù hợp, các gia đình tham gia nội dung này đều có người đi tập huấn kỹ thuật để có thể triển khai mô hình đúng cách và mang lại hiệu quả.

Nhưng có một bất cập khi người DTTS tham gia vào hợp phần này là: Phụ nữ là người triển khai các mô hình nhưng lại ít tham gia vào việc tập huấn kỹ thuật và lựa chọn mô hình. Điều này có thể do phụ nữ các dân tộc ít đi họp thôn, nên họ cũng ít tham gia lựa chọn mô hình áp dụng cho gia đình mình. Khi đi tập huấn kỹ thuật thì chủ yếu là nam giới trong nhà đi (thường là chồng hoặc cha), rồi về “nói” lại những kiến thức đã được học cho người ở nhà. Tình trạng “nam bàn, nữ làm” diễn ra phổ biến ở các thôn bản nhưng lại không được chú ý đến. Đây là điều cần phải khắc phục trong các dự án sau này của tỉnh.

Tuy nhiên, do chủ yếu chỉ được lựa chọn các mô hình chứ ít đề xuất, nên có nhiều mô hình chưa phù hợp. Tất cả các mô hình đều được đưa xuống từ cấp trên cao hơn, người dân chỉ tham gia vào việc lựa chọn mô hình nào (trong số các mô hình đã được chỉ định) sẽ được triển khai tại thôn bản mình nên không thể tránh khỏi việc một số mô hình không phù hợp lắm, gây lãng phí như: Lợn Móng Cái ở xã Xuân Sơn chết 80% sau 15 ngày, đậu tương, hố xí công cộng không phù hợp cho thôn…

Một phần của tài liệu Sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo tinh phú thọ 2002 2007 thực trạng và một số bài học kinh nghiệm (Trang 50 - 57)