IV. Một số kết luận chung về sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
3- Nguyên nhân của hạn chế
CUỘC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO CỦA TỈNH PHÚ THỌ I Bài học kinh nghiệm
I. Bài học kinh nghiệm
Dự án giảm nghèo tỉnh Phú Thọ đã góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Qua quá trình nghiên cứu về sự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo, tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt là người DTTS trong các dự án giảm nghèo tiếp theo của tỉnh như sau:
1- Bài học thứ nhất: Sự tham gia của người dân, đặc biệt là của DTTS là cần thiết trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
Trong toàn bộ dự án giảm nghèo đều có sự tham gia của bà con dân tộc, tuy sự tham gia đó có khác nhau trong quá trình thực hiện nhưng cũng đã góp phần đáng kể vào thành công của dự án. Từ đó nhận thấy tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia của người dân tộc vào các dự án xóa đói giảm nghèo.
Người DTTS cần được tham gia ở tất cả các khâu của dự án, từ lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, duy tu bảo dưỡng. Sự tham gia đầy đủ vào các khâu của dự án đảm bảo cho tính hiệu quả, bền vững của dự án, và trên hết là các mục tiêu của dự án được đảm bảo, các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả mang lại lợi ích cao nhất cho đối tượng hưởng lợi, cộng đồng hưởng lợi. Trước hết sự tham gia của người DTTS đảm bảo cho việc dự án đáp ứng đúng các nhu cầu bức thiết của người dân, các mục tiêu của dự án được sát với thực tế, bởi họ chính là đối tượng hướng tới của dự án. Sau đó là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của người DTTS được thực hiện.
Có sự tham gia của người dân càng nhiều thì cơ hội thành công của dự án càng lớn, tính bền vững càng cao. Điều này cũng được thể hiện rõ trong quá trình thực hiện dự án giảm nghèo. Đối với các hợp phần có đông đảo sự tham gia của người dân như hợp phần NSPTX, hợp phần nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn có được kết quả rất khả quan và được đánh giá là những hợp phần thành công nhất trong dự án. Tuy nhiên sự tham gia đó không chỉ dừng lại ở hình thức mà cần đảm bảo chất lượng. Có như vậy, tính bền vững của dự án có sự tham gia của người dân tộc cũng được nâng lên. Đây cũng là một bài học trong việc thực hiện các dự án tiếp theo của tỉnh.
2- Bài học thứ hai: Cần xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người DTTS trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
Người nghèo, người DTTS là chủ thể chính của các dự án xóa đói giảm nghèo, họ chính là đối tượng hướng tới đồng thời cũng là đối tượng hưởng lợi chính. Các dự án được xây dựng cũng nhằm mục đích cải thiện cuộc sống cho người dân. Xác rõ quyền lợi và trách nhiệm của người DTTS trong công tác xóa đói giảm nghèo sẽ là nền tảng để họ biết sự tham gia vừa đảm bảo mang lại quyền lợi đồng thời nâng cao trách nhiệm của họ đối với xã hội, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Khi người nghèo, người DTTS thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong các dự án, họ sẽ tham gia nhiệt tình, chất lượng của sự tham gia sẽ cao hơn.
Muốn vậy trước hết cần phải tôn trọng sự đóng góp của người dân, người DTTS, từ đó thúc đẩy sự tham gia của họ vào dự án. Ý kiến của người dân phải được quan tâm, được các cấp chính quyền lắng nghe và nghiên cứu. Khi họ nhận thấy rằng mình thực sự được lắng nghe, mình thực sự có vai trò trong các chương trình, dự án thì họ sẽ tích cực tham gia vào, đây là điều quan trọng để tăng cường sự tham gia của người dân vào các dự án giảm nghèo tiếp theo của tỉnh.
3- Bài học thứ ba: Cần tạo môi trường thuận lợi để người DTTS có cơ hội tham gia ngày càng nhiều vào các dự án xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
Dự án giảm nghèo của Tỉnh đã tạo môi trường thuận lợi để cho người dân tộc có thể tham gia vào. Người dân đã tham gia đóng góp ý kiến, lựa chọn các hạng mục công trình, tham gia xây dựng, bảo dưỡng sau khi công trình đi vào hoạt động. Họ cũng được tham gia đào tạo về giáo dục, y tế để phục vụ cho thôn bản của mình. Sự tham gia của người dân tộc - đối tượng hướng tới của dự án là rất quan trọng đối với thành công của dự án, điều này cũng đã được cũng đã được khẳng định trong suốt toàn bộ dự án.
Qua quá trình thực hiện dự án đã rút ra được các bài học về đảm bảo có môi trường thuận lợi để thu hút sự tham gia của người DTTS vào các dự án tiếp theo ngày càng nhiều.
Thứ nhất, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân để đề xuất, xây dựng các hạng mục công trình, các tiểu dự án cụ thể.
Thứ hai, cần phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến người dân. Các ý kiến của người dân được đưa ra qua các cuộc họp là chủ yếu, việc người dân đi tìm cán bộ để nêu ra ý kiến là rất hãn hữu (nếu không muốn nói là không có). Chính vì thế, họp dân phải được tiến hành thường xuyên, để các ý kiến đóng góp của người dân được phản ánh kịp thời trong quá trình thực hiện dự án.
Thứ ba, đưa các thông tin liên quan đến môi trường dự án vào thiết kế sự tham gia của người dân trong các tiểu dự án.
Thứ tư, sử dụng các “ hướng dẫn viên cộng đồng” là một cách làm mới trong quá trình thực hiện dự án. Vai trò của các “hướng dẫn viên cộng đồng” là cầu nối quan trọng giữa Trung ương, tỉnh, huyện và Ban phát triển xã. Sự giúp đỡ của các “hướng dẫn viên cộng đồng” là rất cần thiết trong quá trình
thực hiện các tiểu dự án tại các thôn bản. Họ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ cá cán bộ xã, cán bộ thôn bản từ khi xây dựng kế hoạch cho công trình, các tiểu dự án cho đến khi hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Chính vì thế trong các dự án tiếp theo cần phải có một đội “hướng dẫn viên cộng đồng” để đảm bảo cho các hoạt động của dự án được tiến hành thông suốt từ trên xuống dưới.
Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Ý kiến của họ sẽ giúp cho việc hoạch định các mục tiêu của dự án được sát và phù hợp với nguyện vọng của người dân.
4- Bài học thứ tư: Cần huy động đầy đủ các đối tượng tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
Đối tượng tham gia vào các dự án giảm nghèo gồm có: Người nghèo, người DTTS – những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án, chính quyền địa phương (UBND tỉnh, huyện, xã), các tổ chức đoàn thể (Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên…) và các cơ quan khác (truyền thông, giáo dục…). Dự án giảm nghèo tỉnh Phú Thọ đã huy động các đối tượng tham gia vào dự án. Tuy nhiên mức độ tham gia là khác nhau đối với từng đối tượng, trong khi người dân tham gia nhiệt tình vào dự án thì các tổ chức đoàn thể lại chưa phát huy được vai trò của mình trong dự án…Chính vì vậy trong các dự án xóa đói giảm nghèo tiếp theo của tỉnh cần huy động đầy đủ các đối tượng tham gia vào dự án và cần phải đảm bảo sự tham gia đó là có hiệu quả và đủ mạnh trong việc làm nên thành công của các dự án. Các đối tượng khác nhau có những cách khác tham gia khác nhau:
Chính quyền là địa phương là cơ quan ra quyết định thực hiện các dự án, chịu trách nhiệm trong việc thiết lập, kiểm tra và thực hiện các chủ trương, chính sách thúc đẩy sự tham gia của người dân (Pháp lệnh dân chủ cơ sở).
Các tổ chức đoàn thể là các bên liên quan quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền và huy động sự tham gia của người dân thông qua các thành viên của mình.
Người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp và cũng là đối tượng tham gia nhiều nhất vào các dự án xóa đói giảm nghèo. Khi thấy được lợi ích của dự án trong việc giúp bản thân họ thoát khỏi cảnh đói nghèo và quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong dự án, họ sẽ tham gia tích cực vào các dự án xóa đói giảm nghèo.
5- Bài học thứ năm: Tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thật sự được tham gia vào các hoạt động xóa đói giảm nghèo
Trong dự án giảm nghèo nói riêng và các dự án khác của tỉnh nói chung, sự tham gia của phụ nữ còn rất hạn chế và mang tính hình thức. Vai trò của họ trong dự án chưa được quan tâm đúng mức. Sự mất cân bằng về giới trong quá trình tham gia vào dự án giảm nghèo có thể do hai nguyên nhân: Thứ nhất là phương pháp huy động sự tham gia của phụ nữ chưa phù hợp. Thứ hai là việc tổ chức huy động sự tham gia chưa hợp lý. Theo các đánh giá chung của BQLDA giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ thì phụ nữ lại có vai trò quan trọng nhất trong việc giảm nghèo của hộ gia đình, họ tham gia hiệu quả hơn và ít rui ro hơn nam giới. Chính vì vậy, đảm bảo vấn đề giới trong các dự án xóa đói giảm nghèo tiếp theo cần phải được chú ý, phải tạo điều kiện cho phụ nữ thật sự được tham gia vào các hoạt động xóa đói giảm nghèo.
Muốn vậy trước hết cần phải có phương pháp huy động phù hợp sự tham gia của phụ nữ, lúc này vai trò của Hội phụ nữ là cực kỳ quan trọng, đây chính là kênh huy động sự tham gia của phụ nữ một cách đơn giản và có hiệu quả nhất. Tiếp đến là cần phải tổ chức tốt công tác huy động sự tham gia của phụ nữ, có như vậy sự tham gia của phụ nữ mới thật sự có chất lượng và hiệu quả.
6- Bài học thứ sáu: Cần đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện và lấy ý kiến người dân, người DTTS trong các dự án xoá đói giảm nghèo
Như trên đã phân tích, hình thức thông báo thông tin và lấy ý kiến của đồng bào dân tộc có hiệu quả nhất là qua các cuộc họp thôn. Việc dơ tay biểu quyết là cách thức lấy ý kiến phổ biến nhất trong các cuộc họp nhưng trong nhiều trường hợp, hình thức biểu quyết này lại không có hiệu quả do bị sức ép từ số đông, ảnh hưởng từ quan hệ họ hàng, làng xóm…Do vậy cần phải có một cách biểu quyết phù hợp để phắc phục những hạn chế của cách biểu quyết trên. Mọi quyết định của người dân nên được áp dụng theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số tuyệt đối. Theo nguyên tắc này, một vấn đề chỉ được thông qua khi và chỉ khi nhận được sự nhất trí nhiều hơn mức đa số tương đối.
Để người dân thực sự phát huy được tiếng nói, thống nhất cách biểu quyết là vấn đề cần được quan tâm ở các địa phương. Nên đưa ra quy định thống nhất về việc biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tuy nhiên để đảm bảo tính chính xác và trung thực của kết quả, ban kiểm phiếu phải có một thái độ nghiêm túc và nhận thức được tầm quan trọng trong công việc mình đang làm. Bên cạnh đó, Ban thanh tra do dân bầu ra phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình để giám sát hiệu quả bỏ phiếu.
Trên đây là một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ những ưu nhược điểm trong quá trình thực hiện dự án giảm nghèo có sự tham gia của đồng bào DTTS. Các bài học này sẽ giúp khắc phục những yếu tố làm cản trở sự tham gia của người dân và cách thức tăng cường sự tham gia của họ trong các dự án xóa đói giảm nghèo tiếp theo của tỉnh Phú Thọ.