III. Đánh giá dự tham gia của đồng bào DTTS trong dự án giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ
1- Về tính minh bạch
Dự án đã thể hiện được tính minh bạch của mình, điều đó thể hiện trong việc người dân đã được biết về các thông tin có liên quan đến quyền lợi của mình trong dự án. Khi triển khai dự án, BQLDA đã thông báo về dự án giảm nghèo tới tất cả các thôn bản trong vùng dự án. Việc thông báo tới người dân được thực hiện bằng các hình thức: Họp thôn bản, qua loa, đài truyền thanh của xã, dán thông báo ở trụ sở Ủy ban xã hoặc phát tờ rơi…qua đó, người DTTS cũng đã phần nào nắm được các thông tin chung về dự án như dự án được diễn ra trong bao lâu, nguồn vốn của dự án, do ai thực hiện và lợi ích của họ trong dự án là gì.
Hộp 2.6: Số liệu điều tra của BQLDA giảm nghèo
93,4% số người được hỏi biết được các thông tin về dự án ; trong đó có 93,4% số người biết được thông tin qua các cuộc họp ; 5,3% thông qua tờ thông tin dự án ; 57,7% biết thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã ;
Trong số những người tham gia vào các cuộc họp dân, có 91,8% số người có tham gia vào việc phát biểu ý kiến ; có 86,3% số câu hỏi của người dân đưa ra được trả lời và có 83,6% số ý kiến được đưa ra thảo luận.
Nguồn: BQLDA giảm nghèo tỉnh Phú Thọ
Đối với các công trình, các tiểu dự án có quy mô nhỏ được thực hiện tại thôn bản, qua các cuộc họp thôn, người dân cũng được tham gia vào việc phân bổ nguồn vốn, tổ chức thực hiện công trình ra sao cho phù hợp với thôn bản mình, giám sát kiểm tra thực hiện công trình do đó việc thất thoát, tham nhũng được hạn chế rất nhiều.
Bên cạnh đó, người DTTS cũng đã bắt đầu tham gia đấu thầu công trình. Đã có các gói thầu có sự tham gia của người DTTS, tuy chỉ là các gói thầu nhỏ và nguồn vốn không lớn nhưng đã phần nào thể hiện được quyền làm chủ của người dân và từng bước nâng cao năng lực của cộng đồng người DTTS.
Tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế trong việc thực hiện tính minh bạch của dự án. Những hạn chế đó là:
Việc cung cấp thông tin, cụ thể là các thông báo về kinh phí đầu tư, quyết toán công trình kịp thời cho người dân còn hạn chế. Những thôn tin liên quan, chẳng hạn như việc ký kết hợp đồng cũng ít khi được thông báo hoặc thông báo muộn. Sau khi công trình hoàn thành, bà con dân tộc cũng ít được biết đến việc thanh quyết toán công trình, phần lớn là do các cán bộ cơ sở nắm bắt.
Công tác đấu thầu và thực hiện các hạng mục công trình còn mang nặng tính hình thức, việc tổ chức đấu thầu còn hạn chế, công tác giám sát và đánh giá theo thiết kế của dự án gần như không có.
Các nguyên nhân trên được xuất phát từ chính quyền. Thư nhất, các lãnh đạo cho rằng người DTTS còn hạn chế về trình độ nhận thức, nên có đưa ra các vấn đề có liên quan đến số liệu, kỹ thuật họ cũng không hiểu, nên cũng không cần thông báo về những vấn đề đó, chính vì vậy người dân cũng ít được biết đến các thông tin có liên quan “các vấn đề mang tính sổ sách” đó. Thứ hai, họ không muốn chịu trách nhiệm giải trình trước dân cho những nguồn lực họ có ít quyền quyết định. Thứ ba, các lãnh đạo địa phương luôn có xu hướng tránh né các quá trình phân bổ nguồn lực minh bạch vì sự giảm quyền lực cùa bản thân, dễ bị phê phán bởi các cơ quan cấp trên…
Tuy còn có những hạn chế nhưng dự án giảm nghèo của tỉnh cũng đã đạt được tính minh bạch ở một mức độ nhất định, đây là điều cần phát huy trong các dự án tiếp theo được triển khai ở tỉnh.