7. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Giọng kể, tả thủ thỉ, chân mộc
Đây là một sắc thái giọng điệu gần gũi với lời ăn tiếng nói của con người. Chủ yếu là trần thuật lại một cách nhẹ nhàng các chi tiết, các sự kiện xảy ra trong cuộc đời nhân vật. Lớp từ ngữ sử dụng là lớp từ ngữ của đại chúng, giản dị, chân chất.
Giọng kể, tả thủ thỉ, chân mộc là giọng kể mang âm hưởng chủ đạo trong
Vượt Côn Đảo:
“Anh em tù binh bước lên Côn Đảo được bốn tháng rồi. Nhiều đêm sinh hoạt đã nổ ra nhiều cuộc bàn cãi gay go. Các đồng chí bộ đội, nhất là các đồng chí hăng và xốc nổi, đề nghị ban lãnh đạo cho tổ chức bắt lính, cướp đảo lấy ca nô, tàu chiến trở anh em về. ý nghĩ bạo động này không phút nào là không sôi sục trong đầu mọi người. Trong số hăng trẻ và sốc nổi nhất có Bằng. Bằng là chiến sĩ một đơn vị chủ lực, bị bắt đầu năm 1950 trong một trận chống càn ở đồng bằng Bắc bộ. Trong trận chống càn đó, đơn vị Bằng bị bao vây tiểu đội Bằng thương vong gần hết…”.
Sau khi hai vợ chồng anh Thê gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, tác giả đã dành một đoạn văn để chị Thê kể lại quãng thời gian hai người xa nhau, giọng kể
của chị thủ thỉ như reo vào lòng anh nỗi buồn man mác: “Từ ngày nhà bị bắt, mẹ con ở nhà làm lụng nuôi nhau. Đến năm 52 Chính phủ tịch thu ruộng của việt gian, chia cho nhà ta được ba sào. Nhà neo người nhưng nhờ anh em du kích, chị em trong đoàn thể giúp đỡ cấy cày nên ruộng cũng tốt, ba mẹ con từ đấy ngày được hai bữa cơm no, không phải đói khát như trước nữa. Cuối năm 53, Đảng phóng tay phát động quần chúng ở xã mình. Đấu tranh thắng lợi nhà ta được chia quá thực loại a, nên cũng cố dành dụm may sắm cho các con. Tội nghiệp chúng nó từ khi lọt lòng mẹ cho đến ngày đấu ngã bọn địa chủ mới có được manh áo này”. Qua lời kể của chị ta thấy niềm sung sướng và lòng biết ơn của chị đối với Đảng và Bác Hồ.
Giọng điệu ấy ta còn bắt gặp trong Tuổi thơ dữ dội, đó là khi tác giả kể lại cuộc đời của các chiến sĩ nhỏ tuổi thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân. Tác giả kể về cuộc đời của Vịnh- sưa “Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi lấy chồng. Người bác ruột đem nó về nuôi. Bác làm thợ nguội ở nhà máy đèn Huế. Gia đình bác mỗi ngày một thêm túng bấn vì quá đông con, với đồng lương chết đói. Đang học lớp tư nó phải thôi học ở nhà bồng em, thổi cơm cho bác. Mới chín, mười tuổi đầu, nó đã phải làm việc quần quật suốt từ sáng đến tối. Người bác gái ác nghiệt thường xuyên đánh đập nó chẳng khác gì đứa ở. Bác trai đi làm suốt ngày nên không thấu được hết tình cảnh vợ mình hành hạ đứa cháu nhỏ mồ côi… Còn nó thì cứ nín lặng, sợ bác biết bác buồn, em thương bác lắm. Một lần nó mang cơm trưa đến xưởng cho bác, gặp lúc thằng cai tây đang cự bác cái gì đó, rồi dang tay tát bác hộc cả máu mũi. Nếu bác không kịp trừng mắt ra hiệu thì suýt nữa nó đã quăng cái cặp lồng cơm vào mặt thằng Tây. Năm mười một tuổi bác xin cho nó vào học việc ở xưởng. Nối nghiệp bác, nó học nghề nguội (…). Cách mạng tháng Tám thành công, Vịnh sưa vẫn tiếp tục học nghề ở nhà máy điện (…). Tháng sáu năm 1946, một đơn vị Vệ Quốc Đoàn thuộc tiểu đoàn Tiếp phòng quân, về đóng quân trong khu vực nhà máy”. Ngoài cuộc đời của Vịnh- sưa còn rất nhiều cuộc đời của các em khác trong Trung Đoàn Trần Cao Vân cũng được tác giả kể bằng giọng điệu này nhưng mỗi lần kể tác giả lại tìm một điểm nhấn mới lạ hơn để người đọc có một ấn tượng riêng về nhân vật.
Chẳng hạn khi nói về Vệ, nhà văn lại kết hợp nhuần nhuyễn giữa tả và kể và có xen lẫn cảm nhận của cá nhân về nhân vật: “Vệ trạc tuổi Vịnh - sưa, thân hình rất mảnh dẻ, cân đối. Gương mặt em không đẹp nhưng có một vẻ hết sức dễ thương. Cặp mắt to, sáng dịu dàng như mắt nai, thường ánh lên một vẻ buồn rất lạ. Đặc biệt em có cái đầu to quá cỡ y như đầu người lớn chắp vào, đội cái mũ ca lô dạ tím rất diện. Những món tóc đen nhánh như lông quạ thò ra ngoài mũ, xoăn xoăn thành búp”. Trước khi ra nhập Vệ Quốc Đoàn, Vệ là diễn viên nhào lộn của một gánh xiếc rong: “Gánh xiếc rong của em do một ông Khách to lớn, có cặp mắt xếch ngược như mắt tướng hát bội, làm chủ gánh. Ông này trước là diễn viên trụ cột của một đoàn mãi võ Sơn Đông, chuyên bán thuốc cao, rất có tiếng tăm ở Sài Gòn- Chợ Lớn. Sau vì một chuyện xích mích gì đó với người trưởng đoàn, ông ta tách khỏi đoàn và lập một gánh xiếc rong để sinh sống. Gánh xiếc này vẻn vẹn có năm diễn viên: chủ gánh, Vệ, một anh lùn, một con khỉ và một con gấu. Gánh xiếc rong nhỏ bé của em từng đi diễn khắp lục tỉnh Nam Kỳ, sang cả Nam Vang”.
Mừng đã kể lại hoàn cảnh gia đình em cho đội trưởng nghe bằng một giọng kể tả, thủ thỉ: “Nhà em ở cuối con đường kiệt nhớp nhúa nhất xóm Bao Vinh- cái xóm ngoại ô nghèo khổ phía Bắc thành Huế. Mỗi lần trời mưa to, nước chảy tứ tung trong nhà, mạ em phải lấy mo nang mà dọi, dọi được chỗ ni lại dội qua chỗ khác. Nhiều bữa ngồi trong nhà mà hai mạ con phải đội nón. Trong nhà chỉ có bức phản mọt gãy mất một chân, phải kê thay chồng gạch. Với thêm cái chõng tre vừa hai mạ con năm. Cái sân trước nhà rêu phủ xanh lè (…). Mạ em là chị Niệm, làm nghề bán bún bò gánh. Bún bò của mạ em ngon mà rẻ nhất chợ Bao Vinh (…). Trước tê nhà còn có cha em. Cha em tên là Năm, mặt rất dài nên cả xóm gọi là ông Năm – ngựa. Cha em cao to mà dữ tợn ghê lắm, trên ngực xăm đầy rồng rắn”. Bằng chất giọng ấy, nhà văn đã gợi lên trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác, thương cho hoàn cảnh éo le của em. Và có lẽ hoàn cảnh ấy đã thôi thúc em quyết tâm sống với lý tưởng của Cách mạng để được đổi đời.
Khi tả chiến khu Hòa Mỹ, tác giả sử dụng chủ yếu lối tả mộc mạc: “Hòa Mỹ là cái làng ven chân núi, lơ thơ chừng vài chục nóc nhà nằm rải rác trên một rẻo đất dài và hẹp. Một bên là núi cao trùng điệp, một bên là con sông Ô Lâu quanh co uốn khúc. Sông hẹp, nhiều khúc vén quần lội qua được, phơi cả sỏi đá dưới lòng. Từng quãng, từng quãng, người ta đắp những cái kè bằng cọc gỗ và đá chắn ngang sông. Nước chảy ào ào qua những chỗ kè để hở, đẩy những chiếc guồng nước nặng nề, kĩu kịt quay đều đều vục nước sông lên đổ vào những cái máng nước trên cao, tưới những thửa ruộng ven sông. Những ngôi nhà tranh, vách đất nép mình dưới những rặng tre lồ ô dày dậm như rừng. Một lối đi nhỏ ngoằn ngoèo chạy xuyên qua làng. Dọc hai bên lối đi là những dãy sắn, khoai chen lẫn với những đám cỏ tranh cao quá đầu người. Trên các vồng khoai, sắn rất nhiều dấu chân lợn lòi. Có những đám sắn rất rộng bị lợn lòi dũi nát”.
Phùng Quán đã sử dụng giọng kể, tả thủ thỉ, chân mộc trong Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội một cách khá nhuần nhuyễn giúp cho hai tác phẩm này vừa gần gũi vừa ấn tượng. Dường như ông đã nhập thân vào mỗi nhân vật để hiểu rất cặn kẽ về cuộc đời họ. Như vậy qua đó ta cũng thấy được sự đồng cảm của ông với cuộc đời mỗi nhân vật. Và khi viết về những địa danh kháng chiến nơi mảnh đất Huế thơ mộng, ông đã tả rất nhẹ nhàng như ông đang đắm mình trong bức tranh giàu sức sống ấy. Nếu hai cuốn tiểu thuyết không có giọng điệu ấy thì có lẽ người đọc sẽ không hiểu sâu về cuộc đời của những nhân vật anh hùng sinh từ kháng chiến đến như vậy.