7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Người anh hùng trong Tuổi thơ dữ dội
Nếu ở Vượt Côn Đảo, người anh hùng được thể hiện chủ yếu trong tương quan cái riêng đồng nhất, hòa tan vào cái chung, xuất hiện trong các hình tượng của tập thể quần chúng thì đến Tuổi thơ dữ dội, người anh hùng đã có ý nghĩa riêng, nhưng được đánh giá theo quan điểm lợi ích tập thể. Mình vì mọi người, mọi người vì mình là niềm tin thẩm mĩ chủ đạo. Vẫn là con người kháng chiến, nhưng phương
diện đời tư, đặc điểm cá nhân đã được chú ý nhiều hơn như những biểu hiện đa dạng của tập thể, của quần chúng. Con người trong tác phẩm này mang tính khái quát cao hơn và có chiều sâu hơn cả về nhận thức cũng như hành động, sự hi sinh của mỗi chiến sĩ có một ý nghĩa riêng. Con người không chỉ hiện diện qua hành động, việc làm, mà còn tiêu biểu cho giai cấp, dân tộc, thế hệ. Phùng Quán miêu tả chân dung những thiếu niên anh hùng trong những ngày Huế nổ súng kháng chiến chống Pháp. Nhân vật anh hùng ở tác phẩm này chủ yếu là các thiếu niên anh hùng. Mỗi nhân vật có tính cách, hình dáng và đời sống nội tâm riêng.
Vịnh là một chiến sĩ trinh sát thuộc trung đoàn Trần Cao Vân, em mới 14 tuổi đời nhưng trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc em luôn tỏ ra là một người gương mẫu và có tinh thần trách nhiệm cao. Một lần được giao nhiệm vụ trinh sát lấy thông tin từ tòa nhà mà địch đang đóng quân, em đã phát hiện ra kho xăng đạn của địch được dấu kín dưới chân ngôi lầu. Bản năng và tinh thần trách nhiệm của cậu lính trinh sát đã thôi thúc em phải báo bằng được bí mật này cho chỉ huy nên em đã trèo lên nóc lầu, dùng cờ tín hiệu báo cho đài quan sát bí mật biết về kho xăng đạn núp kín dưới chân ngôi lầu. “Một cái kho xăng to ra ri, đánh trúng thì tha hồ mà cháy, mà nổ”, ý nghĩ đó làm cho tim cậu bé đập rộn lên vì vui thích, hả hê. Phút chốc làm em quên cả đói, khát và nỗi sợ hãi. Em vốn có tiếng trong đội là nhanh nhẹn, tháo vát. Chỉ mấy phút sau là Vịnh đã vạch ngay được kế hoạch hành động. Em nghĩ cách tìm kiếm hai mảnh vải trắng và đỏ làm cờ tín hiệu, em giật cái rèm cửa lấy răng cắn, xé làm đôi cho vừa khuôn khổ lá cờ và lấy cái quần quân phục mà mình đang mặc màu mận chín, xé quần theo đường chỉ, chọn một khoảng rộng nhất xé thành hình vuông. Dường như nỗi thẹn thùng, xấu hổ cũng không còn mà nhường chỗ cho lòng can đảm vì việc lớn. Mái ngói của ngôi lầu dốc đứng đáng sợ, và rất nhiều rêu nên trơn và dễ trượt chân, cho nên gan bàn chân Vịnh rợn lên nhưng lòng khao khát được tiêu diệt kẻ thù như các bạn cùng lứa tuổi còn mãnh liệt hơn.Tay em đã với được chóp nóc ngôi lầu có cây cột thép thu lôi như một ngọn giáo đâm thẳng lên bầu trời. Ôm chặt cây cột thu lôi, em đứng
thẳng người lên. Em cởi áo quân phục màu cỏ úa, xoắn lại làm dây thừng và buộc chặt người vào cây cột thép ngang chỗ bụng. Lúc này em hoàn toàn trần truồng ngoài cái thắt lưng da và sợi dây thừng ngang bụng. Em quài tay ra sau lưng, rút hai cây cờ tín hiệu, cầm sẵn hai tay đưa lên, hướng về đài quan sát bí mật, đánh đi bức điện mà em đã tính toán, suy nghĩ làm sao cho thật rõ, thật ngắn, thật chính xác “Một kho xăng, đạn lớn ngay phía sau ngôi lầu tôi đứng. Yêu cầu bắn!”. Mãi hai tiếng đồng hồ sau, khi Vịnh đã đánh lặp đi lặp lại ít nhất là năm mươi lần bức điện, giặc mới phát hiện được… Mười giờ tối, cả mặt trận thành Huế phút chốc rung lên trong tiếng gầm nổ dữ dội của các loại súng đạn cầu vồng. Nửa giờ sau, như không thể chịu nổi sức nổ dồn dập, quyết liệt của quân ta, một cột lửa đỏ khé vụt dựng lên chính giữa trung tâm khu vực bọn Pháp đóng. Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà lẫm liệt của người chiến sĩ thiếu niên đứng chon von trên đầu bọn giặc mỗi lúc càng thêm lộ rực rỡ trên cái nền đỏ chói chang dữ dội ấy, tưởng chính lửa đã tạc khắc nên.
Anh Đồng - râu là chiến sĩ Vệ quốc đoàn nam tiến, chiến đấu suốt ở mặt trận An Khê, Phú Phong. Trước ngày Huế nổ súng kháng chiến ít lâu, anh được điều ra công tác ở trung đoàn Trần Cao Vân. Chỉ vì sự nông nổi cả tin của cậu bé Kim - hắn đã bị giặc bắt tra tấn mặt mũi tím bầm, xưng húp - nên đã chỉ đường cho bọn giặc vây bắt anh Đồng và anh bị bắn chết. Bọn giặc xúm đen xúm đỏ quanh xác anh. Chúng bẻ những ngón tay anh ra tước lấy khẩu súng và mấy viên đạn. Tên chỉ huy ra lệnh lấy dây dừa buộc hai chân anh, kéo xác ra tận đường cái. Chúng bêu xác anh tại đấy suốt ba ngày ba đêm, khi đã gần thối rữa mới đem chôn.
Lượm là một cậu bé gan dạ, thông minh, nhanh trí, là một thành viên trong tổ tình báo được phân công nhiệm vụ mang báo cáo từ thành phố Huế về chiến khu. Qua mấy lần đi liên lạc, lần nào Lượm cũng bị các trạm kiểm soát chặn lại khám xét rất kĩ. Mỗi lần đi, em đều thay đổi cách giấu tài liệu và cách hóa trang. Lần em đóng vai em nhỏ đi chợ, tay xách rổ rau, tay xách mấy con cá tràu, cá trê; dây lạt xâu mang. Báo cáo, tài liệu em cuộn tròn bọc giấy bóng, nhét sâu vào bụng cá. Lần
khác, em lại đóng vai cháu về quê thăm bà ngoại, tay xách một xâu bánh ít. Ruột bánh được nhét khéo léo đầy tài liệu. Có lần em lại đóng giả cậu bé chạy chơi lêu lổng ngoài đường. Chân đất, đầu không nón, không mũ, mặc phong phanh cái áo sơ mi cộc tay với quần đùi. Tay em cầm đẵn mía, vừa đi vừa cắn, nhai, hít nước ngọt, nhả bã. Ngang trạm kiểm soát, bọn giặc chặn em lại, bắt giơ cao hai tay lục tìm khắp người. Soát không thấy gì, bọn giặc cho em đi. Tài liệu em gấp nhỏ đặt giữa lòng bàn tay cầm đẵn mía. Cách giấu này như có vẻ rất hớ hênh nhưng lại rất kín đáo.