7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Tổ chức hệ thống sự kiện
Sự kiện là cơ sở của mọi cốt truyện nghệ thuật. Sự kiện trong tác phẩm là những đổi thay, hành động, việc làm của nhân vật. Sự kiện với tư cách là đơn vị của cốt truyện nghệ thuật là sự thực đánh dấu việc nhân vật vượt qua giới hạn ý nghĩa. Không phải mọi sự thực đều là sự kiện. Nó chỉ là sự kiện đối với một trường nghĩa nào đó (…). Sự kiện gắn với môi trường văn hóa xung quanh (…). Sự kiện là việc xảy ra có giá trị thông tin trong một phạm vi quan niệm nhất định [68, 140-
141]. Sự kiện văn học là sự kiện biểu hiện giá trị tinh thần. Nó phá vỡ thông lệ để đưa nhận thức đến giới hạn mới. Nếu tình huống đổi thay mà nhân vật không đổi thay thì đó cũng là sự kiện. Tùy theo ngữ cảnh văn hóa và cá tính sáng tạo mà sự kiện văn học khác nhau về tính chất và loại hình. Sự kiện mang quan niệm nghệ thuật của nhà văn, một sự kiện trở thành sự kiện đối với nhà văn này nhưng không phải là sự kiện đối với nhà văn kia.
Trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, tác giả đã dựa trên những sự kiện có tính chất toàn dân - những chuyện xảy ra với tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày kháng chiến chống Pháp. Sự kiện gắn với việc làm, và hành động của những nhân vật điển hình. Sự kiện Lượm, Kim-điệu và Tư Dát được phân công về thành phố Huế làm tình báo để lấy thông tin gửi lên chiến khu, do anh Đồng-râu làm chỉ huy. Sự kiện đó, đã dẫn người đọc đến một loạt tình huống, sự kiện tiếp theo của ba nhân vật này. Công tác quan trọng đầu tiên mà tổ tình báo phải làm là mang theo một ngàn tờ truyền đơn về Huế. Và sau đó khi có lệnh, sẽ rải ở địa điểm qui định. Nội dung của truyền đơn là kêu gọi đồng bào Huế hãy tin tưởng và ủng hộ kháng chiến, kháng chiến nhất định thắng lợi. Đồng thời cảnh cáo bọn người can tâm làm tay sai cho giặc. Chúng phải liệu hồn vì Cách mạng và kháng chiến ở ngay bên nách chúng, nếu chúng không sớm tỉnh ngộ bỏ nghề Việt gian thì kháng chiến sẽ mượn “cái đội mũ” của chúng. Lượm là một cậu bé thông minh, nhanh trí nên đã nghĩ ra cách giấu hàng ngàn tờ truyền đơn để lọt qua hàng chục trạm kiểm soát của giặc. Qua mấy lần đi liên lạc, lần nào em cũng bị các trạm kiểm soát chận lại khám xét rất kĩ. Nhưng nhờ gan dạ, bình tĩnh, nhanh trí nên lần nào em cũng trót lọt. Mỗi lần đi em đều thay đổi cách cất giấu tài liệu và cách hóa trang: khi thì đóng giả là thằng bé đi chợ, khi thì đóng vai cháu đi về quê thăm bà ngoại, có lần lại đong giả thằng bé chạy chơi lêu lổng ngoài đường, khi thì đóng giả là cậu bé bắn chim. Ở lần đóng giả là cậu bé bắn chim, Lượm đã bị Tặng- du kích xã bắt nhầm, Tặng tưởng đó là Việt gian. Để rồi chỉ vì một chút cả tin và sự nhẹ dạ của Kim điệu, tưởng Nguyễn Trì là người tốt, em đã bị bắt và vì sợ những đòn roi tra tấn của giặc,
trong phút chốc bản lĩnh của người chiến sĩ tình báo đã bị lung lay. Kim điệu đã khai ra chỗ trốn của người chỉ huy. Trong chốc lát, anh Đồng râu đã bị giặc truy lùng và giết chết. Còn Lượm cũng bị bắt giải hết nhà lao này đến nhà lao kia và những cuộc vượt ngục đầy thú vị và nguy hiểm của em.
Sự kiện Lượm bị bắt vào nhà lao Thừa Phủ đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của cậu bé trinh sát. Và với sự kiện này, Phùng Quán lại có dịp hướng ngòi bút đi sâu vào miêu tả cuộc sống của những tù nhân ở nhà lao này. Đây là một mảng đề tài chúng ta đã bắt gặp trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông Vượt Côn Đảo. Những tháng đầu năm 1947, số tù bị bắt đưa về lao Thừa Phủ đã lên tới gần hai ngàn. Bởi vậy nhà lao đã biến thành trại tập trung khổng lò, ô hợp. Cuộc sống của những tù nhân nơi đây không khác gì cuộc sống của “những con vật”.