Sử dụng lớp ngôn ngữ đại chúng

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 83 - 86)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1.Sử dụng lớp ngôn ngữ đại chúng

Văn học giai đoạn 1945-1975 gắn bó với đời sống xã hội, theo sát từng biến cố lịch sử, từng bước phát triển của phong trào Cách mạng. Và như một hệ quả tất yếu của quan niệm đó, hiện thực được lựa chọn, phản ánh trong văn học giai đoạn này là hiện thực Cách mạng rộng lớn, là những đề tài công- nông- binh. Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là hai đề tài bao trùm của văn học. Giá trị của tác phẩm được đánh giá theo nội dung hiện thực. Người nghiên cứu lấy xu hướng hiện thực được phản ánh làm thước đo sự tiến bộ nghệ thuật. Bức tranh nghệ thuật trở thành mục đích của sự phản ánh nghệ thuật. Nhà văn lựa chọn hiện thực không quan trọng bằng đánh giá về hiện thực ấy. Văn xuôi giai đoạn này, thường đòi hỏi người đọc phải thực sự nhập thân vào hiện thực được phản ánh, và hình dung câu chuyện trong tác phẩm đang xảy ra “như thật” ngoài đời. Thói quen ấy một phần do quan niệm về hiện thực có phần đơn giản, phần vì hiện thực trong tác phẩm thường gắn liền với hiện thực của các biến cố lịch sử - xã hội có khi vì mục đích “tải đạo” của văn chương. Chính vì thế nhà văn đã vận dụng một cách linh hoạt lớp ngôn ngữ đại chúng để thể hiện bức tranh hiện thực ấy. Trong Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội, Phùng Quán chủ yếu sử dụng từ ngữ đại chúng nên dễ hiểu và rất gần gũi với đời sống kháng chiến của dân tộc.

Tác giả sử dụng các địa danh có thực, các sự kiện và mốc thời gian có thực: “Một đêm tháng tư năm 1947, trận đánh vị trí Đất Đỏ của trung đoàn 101 đã diễn ra vô cùng gay go và ác liệt. Mãi đến ba giờ sáng vị trí mới bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Lửa đốt đồn sáng rực cả một vùng đồi núi Hòa Mỹ và khúc sông Ô Lâu lượn qua gần đó. Đội quân giặc thiện chiến “Tuần tiễu núi An-pơ” đã bị xóa sổ vĩnh viễn tại một làng bán sơn địa gần kề chân núi Trường Sơn. Đó là trân chiến thắng đầu tiên và vang dội nhất của trung đoàn 101 ( trước kia là trung đoàn Trần Cao Vân) kể từ ngày mặt trận Huế vỡ. Trận thắng đã mở đầu cho phong trào quật khởi của chiến trường Bình Trị Thiên, được Bộ Tổng tư lệnh ghi vào Sổ Vàng kháng chiến toàn quốc”.

“Chỉ tính từ năm 1946 đến nay, chúng nó đã giết ở Côn Đảo 9000 người! Không có gì lạnh lẽo và rùng rợn bằng đến nghĩa địa Côn Đảo vào một buổi trưa mùa hè. Nắng như lửa, rang bỏng nghĩa địa, đầy cát, nhìn lóa cả mắt. Thông heo hút, rên rỉ, gió đưa những tấm thẻ tù trên cọc gỗ lắc lư. Khỉ, vượn hú vang thảm thiết, chạy ngang qua nghĩa địa, biến hút vào rừng sâu. Vài khúc xương trắng, dăm chiếc đầu lâu lăn lóc trên cát”.

“Con đường này cũng đã chôn xác mấy trăm đồng chí của ta. Không một gốc cây, ngọn đá nào ở Côn Đảo không thấm máu Cách mạng. Trên một tảng đá lớn ở bên đường, không biết từ năm nào, các đồng chí trước đây đã đục vào đấy hai câu thơ:

Bọn Pháp, Nhật định trước khi rải nhựa Lát một lần óc sọ của tù nhân

Cuộc sống chiến khu những ngày kháng chiến được Phùng Quán miêu tả rất chân thực, đó là cuộc sống thiêu thốn và cực khổ vô cùng “Hai người phụ nữ Huế đứng ngây người nhìn ngôi lán trống trơn với hai dãy sạp nứa bụi mọt rơi trắng xóa, những chiếc bao tải còn đen hơn cả giẻ lau nhà, được gấp cẩn thận, nằm một dãy sát phiên mà họ không biết ở đây người ta dùng để làm gì. Rồi họ nhìn Mừng quần áo rách tả tơi, ghẻ lở đến tận cổ, nước da vàng ệch, hai ông chân như hai ống quyển, đứng xa họ cả chục bước vẫn ngửi thấy mùi tanh tanh… Họ chưa bao giờ được nhìn thấy một cảnh cực khổ đến như vậy”.

Xê ca Bảy là nơi bệnh viện chiến khu đóng, có khoảng chục cái lán tranh. Bệnh viện trưởng là bác sĩ Lê Khắc Thiền, một người thầy thuốc nổi tiếng mê thơ và sành thơ. Hôm các em ở đội Thiếu niên trinh sát đưa Quỳnh vào bệnh viện, bác sĩ Thiền đang ăn cơm. Ông bỏ dỡ bữa ăn ra đón em và sai đưa em vào phòng khám. Sau khi khám qua cho Quỳnh, ông trở lại lán ăn nốt chén cơm với ruốc. Những tứ thơ mới nhen lên trong đầu ông “Cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước đã làm nảy sinh biết bao điều kì diệu! Nó giống như quặng mỏ kim loại quí với một trữ lượng vô tận, bấy lâu nằm sâu ẩn kín dưới các tầng đất, bỗng được mũi khoan của

kháng chiến chạm phải, phát hiện, là giàu sang cho nòi giống. Biết bao nhiêu thiếu niên đã sống và chết như những bậc anh hùng cái thế! Và chắc cũng không hiếm những chú bé hóa thành nghệ sĩ Cách mạng như chú bé bệnh nhân của tôi”. Vừa chan nước ruốc đỏ lòm những ớt vào bát cơm gạo mục, ông bác sĩ bệnh viện trưởng chiến khu vừa khẽ ngân nga một câu trong bài hát của Quỳnh “Sông Ô Lâu ngân nga hát vang. Chảy xuyên qua cuộc kháng chiến trường kỳ…”.

Sinh ra trên mảnh đất Huế thân thương nên bản chất con người Huế, ngôn ngữ Huế đã ngấm vào máu thịt Phùng Quán nuôi dưỡng tâm hồn ông. Giọng Huế ấy đã được ông thể hiện rất rõ qua những trang viết đầy ấn tượng. Trong Vượt Côn

Đảo và Tuổi thơ dữ dội, lớp từ ngữ địa phương Huế đã góp phần rất lớn cho sự

thành công của tiểu thuyết Phùng Quán:

“Trước ngày Huế nổ súng kháng chiến, dân trong thành phố được lệnh tản cư hết về các vùng quê. Nhưng qua mấy ngày đánh nhau, tin tức từ các mặt trận khu B khu C đưa về dồn dập. Đồng bào nhao nhao hỏi anh lính gác:

“Đêm qua quân ta mần ăn có khá không anh?

- Nện tụi tây ở vị trí mô mà súng, lựu đạn nổ như rang bắp cả đêm rứa?”. Ngôn ngữ Huế vừa nhẹ nhàng vừa dễ nghe, khi chúng ta đọc những trang văn của Phùng Quán viết về trẻ em cách viết của ông thật gần gũi thật ấn tượng:

Mừng trốn vào Vệ Quốc Đoàn cũng thật bất ngờ làm cho bọn trẻ trong đội phải xôn xao bàn tán: “Không biết hắn lọt vô giữa đội mình lúc mô mà tài rứa hè?”. Khi được chỉ huy nhận vào Vệ Quốc Đoàn các bạn trong tổ thấy quần áo Mừng rách rưới liền mở ba lô lấy quần áo cho Mừng. Trong đó có Bồng, em mở ba lô lôi ra một tấm nhung màu huyết dụ đặt vào tay Mừng, Mừng há miệng, mắt mở to nhìn không chớp “ Ui cha, cái chi mà đẹp dữ ri anh?”.

Khi Mừng định bỏ trốn về thăm mẹ, đội trưởng hỏi em: “ Sao hôm xin nhập đội em khai là không có cha mẹ chi hết, đi ở giữ em cho người ta?…Rứa mẹ em làm nghề chi? Ngoài mạ ra nhà em còn ai nữa không?

Lượm bị bắt Tư –dát đã lần mò về Sịa. Gặp Tặng, Tư-dát thì thào: “Cậu Lượm bị bắt rồi”. Tặng bỗng nổi giận phừng phừng nạt Tư-dát: “ Mi đi xích hầu cho hắn mà lại để cho hắn bị chộp? Rứa mắt mũi mi để đi mô?...”.

Ở trên chiến khu Hòa Mĩ, hầu hết đội trinh sát mắc phải căn bệnh sốt rét. Hòa đen bị sốt rét, Mừng đắp cho nó mười cái bao tải, nó vẫn cứ run. Mừng đến ngồi cạnh, tò mò nhìn bạn và hỏi. Hòa đen nhăn nhó trả lời: “Sốt rét chớ còn răng nữa mi!...Mười cái mà thấm chi! Rét trong bụng rét ra chứ có phải rét ngoài da rét vô mô!”.

Đặc biệt là một loạt các nhân vật trong Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội đều có biệt hiệu riêng như thể các đồng chí và các em đang sống thực ở ngoài đời và nó cũng làm nên nét mới trong tiểu thuyết sử thi của Phùng Quán- vừa suồng sã vừa ấn tượng lại vừa gần gũi đáng yêu: Vịnh-sưa, Tư-dát, Lượm sứt, Vệ-to-đầu, Bồng da rắn, Hòa đen…

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 83 - 86)