Chất kịch tính trong các tình huống truyện

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 79 - 82)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.2. Chất kịch tính trong các tình huống truyện

Chất kịch tính là một yếu tố không thể thiếu trong thể loại tiểu thuyết vì thiếu nó, tác phẩm nhàm chán và không có sức cuốn hút. Chính vì thế trong khi xây dựng kết cấu của tác phẩm, Phùng Quán đã rất công phu và khéo léo đan cài các tình huống đầy kịch tính. Đối với Vượt Côn Đảo, Phùng Quán cũng đã xây dựng được một vài tình huống đầy kịch tính trong các chuyến vượt ngục của tù nhân Côn Đảo. Tuy nhiên, phải đến Tuổi thơ dữ dội cách xây dựng kết cấu và cốt truyện thực sự có nhiều yếu tố kịch tính hơn và có chiều sâu và sự mới mẻ hơn. Chất kịch tính bao giờ cũng gắn với các tình huống của nhân vật điển hình. Các tiểu thuyết của Phùng Quán nằm trong hệ thống những tác phẩm mang âm hưởng anh hùng Cách mạng thời kì 1945-1975.

Lượm là một thành viên của tổ tình báo do anh Đồng-râu làm chỉ huy, lần nào đi liên lạc Lượm cũng bị các trạm kiểm soát chặn lại khám xét rất kĩ. Nhưng lần nào em cũng qua được là nhờ sự thông minh nhanh trí của em. Trong một lần, Lượm đóng giả là một cậu bé đi bắn chim. Khi đi qua cầu Bao Vinh một quãng, nó chạm chán một trạm kiểm soát lưu động của bọn cảnh sát. Một tên giặc không nói không rằng đã thọc tay vào túi áo, túi quần Lượm, lục soát. Hắn sờ nắn khắp tà áo, lưng quần, cổ áo, hai quần. Soát không thấy gì, bọn chúng dở giọng nạt nộ nhưng nhờ nhanh trí Lượm đã lừa được bọn chúng. Lượm lại xách xâu chim về đến làng Mậu Tài, đường lại vắng tanh không một bóng người qua lại trên cầu. Chỉ có một thằng câu cá trên mép cầu. Lượm làm bộ thản nhiên bước lên cầu. Đi cách cầu chừng vài trăm mét, Lượm cảm giác có người đi sau lưng mình. Thằng câu cá hất

mặt hỏi trống không “đi mô mà coi bộ hấp tấp dữ rứa?”. Lượm cũng hất mặt đáp lại “đi mô thì việc chi đến mi?”. Hai bên lời qua tiếng lại rất dữ dằn. Thằng câu cá bỗng quăng cái cần câu đang vác trên vai xuống đất chỉ tay vào mặt Lượm nói như quát: “Tau biết mi là ai rồi? Là Việt Minh chính cống! Tau phải trói cổ mi đem nộp với ông Lý trưởng để ông đem lên đồn nộp cho Tây”. Lượm cố lấy giọng tức tối cãi. Rồi một quyết định lóe lên trong đầu Lượm, nó nhào tới vung tay trái nhắm đúng quai hàm thằng câu cá đấm một cú móc rất mạnh. Nhưng thằng câu cá đã nhanh không kém và tránh được. Ngay lúc đó, sau Lượm nhảy ra một thanh niên cao lớn, lực lưỡng. Tay thanh niên này ôm phắt ngang mình Lượm còn thằng câu cá rút luôn cuộn dây thừng giắt trong cạp quần, xông vào trói Lượm. Và làm như bị trói đau quá, Lượm thả cái ná cao su và xâu chim đang cầm chặt trong tay xuống rệ cỏ ven đường. Tưởng là thoát, nhưng thằng câu cá cúi xuống nhặt luôn cái ná và xâu chim. Chúng lôi Lượm đi vào con đường kiệt, rồi tạt vào một ngôi miếu rêu phong đổ nát. Chúng lột hết quần áo Lượm ra để khám xét. Tên câu cá cầm quần áo Lượm sờ nắn, tìm kiếm rất kĩ, còn kĩ hơn cả mấy thằng cảnh sát lúc nãy. Rồi hắn cầm xâu chim lên vạch cánh, lật đuôi, nắn bụng từng con chim. Lượm ướn lạnh suốt dọc xương sống, mồ hôi toát đầm đìa hai bên thái dương. Hắn nắn đến con chào mào. Cổ con chim có đút tài liệu, ngẩng ra một cách không tự nhiên. Cặp mắt thằng đi câu vụt lóe sáng. Hắn bậm môi cầm đầu chim giật mạnh. Cổ chim đứt lìa. Cuộn tài liệu bọc túi bóng văng ra. Lượm định nhào ngay tới chộp cuộn tài liệu cho vào miệng nhai nuốt. Nhưng thằng câu cá nhanh hơn xô Lượm ngã dúi sang một bên. “Đồ Vê-giê! Ăn cứt Tây! - và tiếp luôn là quả đấm tạt ngang, đúng giữa quai hàm Lượm” [60, 249]. Nằm bẹp dưới đất Lượm đau đến nổ đom đóm mắt nhưng vẫn cố ngẩng mặt lên “Đây là Vê-cu-đê”. Người thanh niên và thằng câu cá chụm đầu lại cùng đọc bức thư mật của anh Đồng-râu. Và rồi một tình huống rất bất ngờ cả hai cùng cuối xuống nâng Lượm dậy cởi trói và cười với nó như muốn xin lỗi. Hóa ra thằng câu cá là liên lạc của du kích xã, tên nó là Tặng [60]. Phùng Quán đã tạo một tình huống rất bất ngờ và đầy kịch tính, nếu chưa đọc đến phần sau thì có lẽ

ta tưởng Lượm đã bị lộ. Nhưng cũng qua tình huống này bản chất của một tình báo bộc lộ rõ nhất, quên cả đau đớn để cố hủy tài liệu. Và đây cũng là tình huống luôn xảy ra trong chiến đấu: Nhầm lẫn ta là địch!

Quỳnh là con trai út độc nhất của tên đại Việt gian, Phó tổng trấn Trung kỳ tên là Tuần Vi - giàu sang quyền thế nức tiếng của thành phố Huế nhưng em lại trốn nhà đi theo Vệ Quốc Đoàn. Và khi tên Việt gian đó đã chính tay viết thư, cử hai chị người nhà, một già một trẻ, Thím Ba là vú nuôi, o Hường là chị em cô cậu ruột với Quỳnh mang lên chiến khu, gửi tận tay Ban chỉ huy trung đoàn, cùng với nhiều thuốc men, nhiều đồ lề quí giá mua từ ngoại quốc, xin cho em được trở về Huế với gia đình. Sau đó, em sẽ được sang Thụy Sĩ để chữa bệnh và học thành tài. Ban chỉ huy trung đoàn đã cho phép em tự do lựa chọn, muốn ở thì ở, muốn về thì về. Sự kiện này gây chú ý cho cả chiến khu, mọi người sôi nổi bàn tán xem em sẽ xử sự như thế nào. Người bảo em sẽ về người bảo em sẽ ở lại. Người ta hồi hộp chờ đợi cái phút chú gặp mặt người nhà để nói lên sự quyết định lựa chọn của chú. Và một tình huống bất ngờ xảy ra. Mặc dù bị đau chân, bị sốt rét làm cho đuối sức không thể đi được nhưng Lượm không cho người nhà vào gặp mà em hẹn ở một địa điểm khác khá xa nơi đóng quân của quân ta, đó là Tiền chiến khu. Cách nói của Lượm thể hiện sự từng trải của em cũng như bản chất của một chiến sĩ yêu Tổ quốc, phải bảo vệ Chiến khu bằng bất cứ lúc nào “Anh cứ để họ ngoài đó, em ra gặp cũng được. Đừng cho họ vô đây…Ai biết được chừ bụng dạ họ ra răng?”. Như có một sức mạng vô hình từ bên trong, em tự mình đứng dậy và định chống nạng đi ra ngoài Tiền chiến khu gặp người nhà. Hôm đó, anh So xạ thủ súng cối hôm đó vào bệnh viện để chích cái nhọt liền xung phong cõng Quỳnh. Đoạn đường từ Xê ca Bảy ra đến Tiền chiến khu khá xa, phải trèo qua nhiều dốc núi và lội qua nhiều con suối. Vậy mà lúc đầu Quỳnh định chống nạng đi, chứng tỏ sự quyết tâm lớn ở cậu thiếu niên này. Khi gặp thím Ba và o Hường, em dửng dưng nhìn đống đồ lề mà ba mẹ gửi lên cho em, gương mặt em đanh lại, mắt nhìn xuống đất, giọng nghẹn lại vì đau đớn “Vú và chị nói với ba mẹ em… Em nghe chuyện ba em rất xấu hổ.

Tội của ba với kháng chiến to lắm. Mà em còn nhỏ quá, em không đủ sức để chuộc được tội cho ba… Nói với mạ em, ở đây em chẳng cần chi hết. Em chỉ cần tiếng tốt của ba, của mạ, của gia đình thôi… Nước Thụy Sĩ làm chi có sông Ô Lâu, làm chi có Xê ca Một, Xê ca Hai, Xê ca ba…”. Với tình huống này, bạn đọc tò mò xem Quỳnh sẽ chọn cuộc sống sung sướng hay cuộc sống gian khổ nơi chiến khu và cuối cùng bạn đọc phải khâm phục về quyết định của một cậu bé. Em tỏ ra là người hiểu biết và thật sự yêu cuộc kháng chiến, yêu Cách mạng vô cùng thì mới có cách sử sự như vậy. Một cậu bé mới lớn lên nhưng đã nhận thức được đâu là lẽ sống chân chính và biết bảo vệ cuộc sống ấy. Khi chiến tranh, nước mất thì nhà tan nên em đã đặt tình cảm đất nước trên tình cảm gia đình. Đó mới là điều đáng trân trọng. Như vậy nếu không có chất kịch tính trong các tình huống truyện thì tác phẩm sẽ thiếu sự cuốn hút. Phùng Quán đã rất tinh tế và nhạy bén khi đưa vào cốt truyện những tình huống đầy ấn tượng. Với những tình huống này khiến tiểu thuyết Phùng Quán giàu sức sống hơn. Mặt khác, nó cũng đã khẳng định phần nào tài năng viết tiểu thuyết của ông.

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w