Người anh hùng trong Vượt Côn Đảo

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 52 - 53)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Người anh hùng trong Vượt Côn Đảo

Đặc điểm của văn học từ 1945-1954 là sự phát hiện ra con người quần chúng trong văn học. Cách mạng đã mở ra chân trời mới cho con người. Chỉ trong sự nghiệp chung con người mới cảm thấy hạnh phúc, tự do, có tầm quan trọng và có ý nghĩa. Người ta đi vào Cách mạng như đi trẩy hội. Cái chung lấn át cái riêng, đời sống chính trị lấn át đời sống hàng ngày. Hay nói cách khác, đời sống chung được cảm nhận như đời sống riêng của mỗi người. Lúc này, quần chúng là nguyên tắc xây dựng nghệ thuật và là tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật. Con người trong văn học thời kì này được tư duy trên cấp độ tập thể và trong cái chung của tập thể. Con người kháng chiến trước hết hiện lên qua đám đông tập thể. Họ lầm lì, gan góc trước các khó khăn. Vượt Côn Đảo ra đời trong không khí ấy.

Trong những nhân vật có tên trong Vượt Côn Đảo thì nét tiêu biểu vẫn là nét tình riêng vì sự nghiệp chung. Cái chung nâng con người ta lên, giải quyết nhẹ nhàng những mất mát riêng tư. Bù lại, các nhân vật đó lại thương yêu đồng chí, đồng bào bằng một tình cảm thực sự ruột thịt. Những con người ấy đi đến cái chết thực sự nhẹ nhõm, không một dự cảm báo trước. Nhìn chung, người anh hùng trong tác phẩm này ít được thể hiện về mặt thế giới nội tâm. Tâm hồn chủ yếu thể hiện qua chân dung, lời nói, hành động. Sự phát triển vận động tâm lý, tính cách của nhân vật thường đi theo một hướng: từ số phận cá nhân hòa chung vào đời sống xã hội.

Ở Vượt Côn Đảo, Phùng Quán tập trung xây dựng một tập thể anh hùng, sự hi sinh của cá nhân hòa vào sự hi sinh vì cái chung. Trước sự việc thuyền bị bục vải khi anh em tù Côn Đảo đang đi giữa biển khơi, anh Cả quyết định cần năm người hi sinh để cho thuyền nhẹ bớt thì mười đồng chí giơ tay cùng một lúc. Họ sẵn sàng hi sinh cuộc sống của cá nhân mình để anh em chiến sĩ của họ được sống. Sự hi sinh cao cả ấy được Phùng Quán phác họa qua một loạt chân dung: Bằng, Lão Học… Trước khi nhảy xuống biển, Bằng còn cởi chiếc áo tù rách đưa cho một đồng chí ngồi cạnh “Đồng chí giữ lấy, thuyền có thủng thì nhét vào”. Dường như

Bằng đã sẵn sàng ra đi, lòng kiêu hãnh của một chiến sĩ Cách mạng đã nâng đỡ anh. Và thật cao đẹp là trước khi chết anh còn lo lắng cho những người còn lại. Bằng bỏ một chân ra ngoài thuyền, rồi hai chân. Mặt biển xanh rì, ào ào sóng như dang tay đón anh. Anh nhảy xuống biển, một cánh tay đưa lên vẫy vẫy “Đảng lao động Việt Nam”. Đến lượt Lão Học nhảy xuống, nét mặt vẫn điềm đạm thản nhiên. Từ nãy đến giờ, đợi đến lượt mình, lão vẫn cầm chiếc thùng tát nước với tất cả hơi sức cuối cùng còn lại. Lão trao chiếc thùng cho một đồng chí bên cạnh và nói: “ Các đồng chí ạ, bể rộng lắm, nhưng chí của Đảng ta, của chúng ta còn rộng hơn bể. Các đồng chí cố lên mà về gặp Đảng, gặp Tổ quốc”. Lão bỏ hai chân ra ngoài thuyền, sóng nhảy lên vồ lấy và như muốn lôi lão xuống bể. Tay lão rời khỏi mạn thuyền, từ từ ngã người xuống nước. Lão nhô lên theo một đợt sóng, bàn tay xòe ra vẫy vẫy. Một tiếng hô ngạt trong nước: “Hồ Chủ Tịch!”

Mặt khác trong cuộc sống hàng ngày họ cũng rất có tinh thần đoàn kết. Hầu hết anh em trong tù Côn Đảo trình độ văn hóa còn rất kém, nhiều anh chưa biết đọc, biết viết, cần phải bồi dưỡng văn hóa họ. Kế hoạch này được mọi người hoan nghênh, ai cũng phấn khởi chuẩn bị học văn hóa. Cả lao chia thành hai lớp: một lớp đã học thông viết thạo do Du phụ trách, một lớp mở lòng do Thê và Vịnh phụ trách. Hai lớp học suốt ngày chăm chỉ miệt mài, nhất là lớp mở lòng hăng hái tích cự hơn cả. Nhà lao đế đã biến thành một lớp học bình dân. Dù đói khát khổ sở anh em vẫn giữ vững được tinh thần. Anh em các lao khác hết lòng giúp đỡ, có viên đường, thuốc lá, miếng thịt đều dành dụm bí mật trèo tường gửi cho.

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 52 - 53)