Đặc điểm, hoàn cảnh văn hóa, xã hội của đất nước giai đoạn 1945-

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 31 - 35)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4.2.1.Đặc điểm, hoàn cảnh văn hóa, xã hội của đất nước giai đoạn 1945-

1975

Cách mạng tháng Tám thành công, sau hơn 80 năm nô lệ, dân tộc giành được độc lập, tự do. Cả nước được cuốn vào một không khí chính trị sôi nổi với niềm vui của những người lần đầu tiên được làm chủ đất nước mình. Con người được hâm mộ nhất lúc bấy giờ là người ở chiến khu về, là cán bộ Việt Minh, chiến sĩ giải phóng quân. Nhiều ngôn từ chính trị lúc bấy giờ được coi là dấu hiệu đẹp và sang của người giác ngộ Cách mạng, của con người mới. Người ta thích sinh hoạt chính trị, thích nói chính trị, thích gọi nhau bằng đồng bào, đồng chí để tỏ rằng tất cả cùng chung một Tổ quốc, cùng giác ngộ lí tưởng Cách mạng và cùng là con người mới của thời đại mới.

Độc lập tự do vừa giành được chưa bao lâu, giặc Pháp lại trở lại, rồi giặc Mĩ kéo đến. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của người Việt Nam phát khởi mạnh mẽ. Cả nước đã đứng lên chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên thì tình nguyện vào chiến trường, sẵn sàng chịu mọi gian khổ thiếu thốn, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng. Lúc này vấn đề chủ quyền được mọi người dân đặt lên hàng đầu. Mọi vấn đề khác đều phải tạm thời xếp lại. Đảng ta đề ra văn nghệ sĩ phải đứng trên lập trường kháng chiến, phải tuyên truyền chính trị, cổ vũ chiến đấu. Chính vì thế mà tình cảm chủ yếu của thơ ca từ 1945-1975 là những tình cảm công dân, tình cảm chính trị. Những tình cảm khác không phải không được nói đến mà dường như đều nâng lên thành tình cảm chính trị.

Văn học phục vụ chính trị nên quá trình vận động phát triển hoàn toàn ăn nhịp với từng bước đi của Cách mạng, theo sát rừng nhiệm vụ chính trị của đất nước: Ca ngợi Cách mạng và cuộc sống mới (1945-1946); Cổ vũ kháng chiến, theo sát từng chiến dịch, biểu dương các chiến công, phục vụ cải cách ruộng đất (1946- 1954); ca ngợi thành tựu khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1964); cổ vũ cao trào chống Mĩ cứu nước của toàn dân tộc (1964-1975).

Chặng đường từ 1945 đến 1954 gắn với hai sự kiện vĩ đại: Cách mạng tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp mười năm. Hai sự kiện như là sự tiếp tục trên cùng một nhiệm vụ lịch sử; giành và giữ chính quyền. Trong cuộc hồi sinh chung của dân tộc, văn xuôi đã kịp đón nhận và biểu hiện một niềm vui, làm nên dấu ấn riêng không lẫn được của một thời kỳ. Nơi đâu cũng sôi nổi chuyện Cách mạng. Hào hứng say sưa trước cuộc sống mới. Khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, Văn hóa hóa kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, và yêu cầu “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” đặt ra trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa

Việt Nam của đồng chí Trường Chinh đã mở ra hướng tổ chức lại đội ngũ, việc mở

các sinh hoạt học thuật, với những cuộc tranh luận trên nhiều vấn đề cơ bản của sáng tác và tu dưỡng nghệ thuật. Chiến trường phân cách, sự giao lưu giữa các

vùng, các khu, giữa Trung ương và các địa phương lắm khó khăn, càng thôi thúc các cuộc đi theo chiến dịch, vào các vùng địch hậu. Những chuyến đi từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam của anh em văn nghệ sĩ đã cung cấp thêm vốn sống, vốn kinh nghiệm để họ có những sáng tác sát với Cách mạng và quần chúng. Văn xuôi dần xuất hiện những sáng tác có bề rộng bao quát và chiều sâu khái quát nhất định đời sống kháng chiến của dân tộc.

Chặng đường mười năm đầu có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là một thời kì vừa gắn nối, vừa chuyển đổi, vừa dò tìm, vừa chuẩn bị, vừa tạo dựng, vừa gieo trồng vừa gặt hái… một thời kỳ ngắn mà dồn chứa biết bao sự kiện. Bối cảnh một cuộc Cách mạng vĩ đại đã nhanh chóng đưa toàn bộ dân tộc vào một cuộc đổi đời sâu rộng và triệt để. Cuộc đổi đời đã diễn ra trước hết từ quá trình Cách mạng hóa, chính trị hóa toàn bộ đời sống; và chính trong sự vận động của đời sống Cách mạng, đời sống chính trị đó, cũng đồng thời diễn ra một cuộc Cách mạng trên đời sống văn hóa - văn học, nghệ thuật vừa như một kết quả, vừa như một tác nhân chủ động. Ở những năm tháng ấy, kháng chiến vất vả, thiếu thốn nhưng sinh hoạt tinh thần căn bản là vui. Mảng đề tài bao trùm trong văn học chặng đường này là Cách mạng và Chiến tranh Cách mạng.

Chặng đường từ năm 1955 đến năm 1964, văn học trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ngợi ca những đổi thay của đất nước, và con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội với cảm hứng lãng mạn, tràn đầy niềm vui và niềm lạc quan tin tưởng. Nhiều tác phẩm văn học đã thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước. Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề và phạm vi của hiện thực đời sống. Nhiều tác phẩm viết về sự đổi đời của con người, miêu tả sự biến đổi số phận và tính cách nhân vật trong môi trường xã hội mới. Không ít tác phẩm đi theo hướng này đã thể hiện được khát vọng hạnh phúc của con người, có ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc như Đi bước nữa của Nguyễn Thế

Phương, Mùa lạc của Nguyễn Khải…Một số tác phẩm tập trung khai thác đề tài kháng chiến chống Pháp, không chỉ ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, tinh thần bất khuất, mà còn phản ánh được phần nào những hi sinh, gian khổ, những tổn thất và số phận của con người trong chiến tranh như tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, và Trước giờ nổ súng của Lê Khâm… Ngoài ra còn có những truyện ngắn, tiểu thuyết viết về hiện thực đời sống trước Cách mạng với cái nhìn, khả năng phân tích, và sức khái quát mới: Vợ

nhặt của Kim Lân, Mười năm của Tô Hoài. Những bộ tiểu thuyết: Vỡ bờ của

Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng đã dựng lên được khá rõ bức tranh hoành tráng của lịch sử Cách mạng Việt Nam, phản ánh hiện thực đau thương và anh dũng của dân tộc từ thời kỳ Mặt trận dân chủ đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều cây bút. Nhiều chuyến đi thực tế được tổ chức tạo điều kiện cho các nhà văn thâm nhập cuộc sống mới. Sông Đà của Nguyễn Tuân, Cái sân gạch của Đào Vũ… bước đầu khẳng định bước đầu khẳng định thành tựu của văn xuôi viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc.

Chặng đường từ năm 1965 đến năm 1975: Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một thử thách vô cùng lớn lao đối với con người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, sức mạnh Việt Nam. Cuộc đụng đầu lịch sử vô cùng ác liệt nhằm chống lại cuộc xâm lược của tên đế quốc tàn bạo, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại vào bậc nhất. Lòng yêu nước, chí căm thù, ý chí quyết thắng, sức sáng tạo, lòng kiên nhẫn, tình thương yêu, đoàn kết cưu mang nhau. Cả đất nước sống những ngày đau thương nhất mà hào hùng nhất. Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng nẩy nở khắp mọi nơi, từ tiền tuyến đến hậu phương, ngoài chiến trận và trong sinh hoạt hàng ngày. Văn học chặng đường này tập trung viết về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Văn xuôi chặng đường này phản ánh cuộc sống chiến đấu và lao động, khắc họa khá thành công hình ảnh con người Việt Nam

anh dũng, kiên cường, và bất khuất. Từ tiền tuyến lớn, những tác phẩm truyện, kí viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh hùng. Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng

xà nu của Nguyễn Trung Thành, Hòn đất của Anh Đức, Chiếc lược ngà của Nguyễn

Quang Sáng… đã tạo được sự hấp dẫn đối với người đọc trong những năm kháng chiến chống Mĩ.

Văn học giai đoạn 1945-1975 vận động và phát triển theo một qui luật riêng, chịu sự chi phối của hiện thực đất nước. Chưa bao giờ lịch sử dân tộc Việt Nam lại trải qua những năm tháng chiến tranh kéo dài và khốc liệt đến vậy. Ròng rã 30 năm, cả dân tộc cùng nhìn về một hướng, triệu trái tim cùng nhịp đập. Văn học trong bối cảnh ấy cũng hòa mình vào không khí sục sôi của dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quan trọng: phục vụ chính trị, tuyên truyền, cổ vũ chiến đấu, động viên tinh thần cách mạng của toàn thể dân tộc. Sáng tác văn chương giai đoạn này trở thành một vũ khí sắc bén chĩa mũi nhọn vào bọn cướp nước, bán nước, nêu cao tấm gương anh hùng. Không thể không ghi nhận sức mạnh to lớn của văn học trong hai cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Biết bao chàng trai, cô gái đã xếp bút nghiên, lên đường cứu nước mà hành trang không thể thiếu của họ là những câu thơ tràn đầy nhiệt huyết, những trang văn hừng hực khí thế.

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 31 - 35)