Về tính sử thi trong tiểu thuyết Phùng Quán

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 29 - 31)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4.1.2.Về tính sử thi trong tiểu thuyết Phùng Quán

Tính chất sử thi của nền văn học 1945-1975 thể hiện trước hết ở chỗ, nó lấy đối tượng miêu tả chủ yếu là cuộc đấu tranh của dân tộc nhằm thoát khỏi mọi ách ngoại xâm, thiết lập một cộng đồng dân tộc mới với nội dung giai cấp mới theo một cương lĩnh Cách mạng mới; cảm hứng chủ đạo của nó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng; nó đặt xung đột giữa dân tộc với kẻ đến xâm lược thành xung đột hàng đầu mà việc giải quyết xung đột này là chìa khóa cho việc giải quyết mọi xung đột khác; và nó ngợi ca sự nghiệp dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc trong hiện tại và quá khứ, ngợi ca sự xả thân vì dân tộc, vì đất nước của những con người ưu tú của dân tộc. Là một nền văn học dân tộc ở thời hiện tại nhưng lại mang

đậm tính sử thi như là đặc điểm tiêu biểu nhất, cho nên tính sử thi của nền văn học này cũng có những biểu hiện độc đáo.

Với cái nhìn sử thi, Phùng Quán đã dồn tâm huyết để viết về những con người đại diện cho tinh hoa và khí phách, phẩm chất và ý chí của mảnh đất Huế nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Đó là những con người có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi của dân tộc và thời đại, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu vì sự sống còn của Tổ quốc. Khuynh hướng sử thi đòi hỏi Phùng Quán khi cầm bút phải nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu là bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Tính sử thi đã chi phối hầu hết các trang văn của Phùng Quán. Không khí thời đại, không khí kháng chiến đã chi phối cách xây dựng nhân vật của nhà văn. Mỗi nhân vật trong tác phẩm hiện lên với một tư thế, một hành động và phát ngôn mang hình bóng thời đại. Ở Vượt Côn Đảo là bức chân dung về những chiến sĩ anh hùng trong trong cuộc vượt biển để trở về với đất liền. Còn trong Tuổi thơ dữ dội là chân dung những thiếu niên anh hùng ở Thừa Thiên Huế trong những ngày kháng chiến chống Pháp. Dưới con mắt Phùng Quán cuộc kháng chiến hiện lên vô cùng gian khổ nhưng chính sự gian khổ ấy lại là điểm tựa để nhà văn khắc sâu thêm bản lĩnh cứng cỏi của người chiến sĩ Cách mạng và vẻ đẹp lãng mạn của họ.

1.4.2. Những tiền đề lịch sử - thẩm mĩ của tính sử thi trong tiểu thuyết Phùng Quán

Phùng Quán sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã thôi thúc ông vào bộ đội trở thành lính trinh sát khi mới 14 tuổi. Phùng Quán đã sống những ngày thật say mê của tuổi trẻ bồng bột và tin yêu của người lính gan dạ ngoài mặt tận. Cuộc sống nơi chiến trường khói lửa với những cái chết anh dũng, hiên ngang của các đồng đội đã diễn ra trước mắt ông đã là tiền đề để Phùng Quán có những trang viết rất cảm động về chiến tranh và người lính Cách mạng. Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội là hai cuốn tiểu

thuyết mang đậm chất sử thi. Nếu tiểu thuyết Vượt Côn Đảo được lấy cảm hứng gián tiếp từ những câu chuyện do các tù chính trị Côn Đảo kể lại trong đợt Phùng Quán được phân công về Sầm Sơn đón tù Côn Đảo được trao trả sau Hiệp định Giơnevơ thì Tuổi thơ dữ dội lại lấy cảm hứng trực tiếp từ cuộc đời ông - cuộc đời của cậu lính trinh sát khi 14 tuổi. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì không khí cuộc kháng chiến chống Pháp đã chi phối sâu sắc hai tác phẩm này.

Trong thời điểm lịch sử ấy, cảm quan thẩm mĩ của dân tộc ta là ca ngợi các chiến sĩ Cách mạng ra đi vì đất nước, và ca ngợi sự hi sinh quên mình của họ. Thời đó “nếu như cách mạng là một dòng sông thì các em nhỏ lại là những tia nước nhỏ bé bất ngờ vọt ra từ một kẻ đá, một vết nứt trên thân cây, hoặc trút xuống từ một đài hoa gió thổi nghiêng… Nhưng cái điều kì thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hòa vào dòng sông Cách mạng hùng vĩ lúc nào không ai hay” [54,45- 46]. Không khí thời đại đã ảnh hưởng rất lớn đến hướng khai thác đề tài về các chiến sĩ cách mạng. Ông viết về đề tài này với niềm say mê và sự ngưỡng mộ tột cùng.

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 29 - 31)