7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Sử dụng lớp ngôn ngữ chính trị
Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội là hai tiểu thuyết được Phùng Quán thai
nghén và viết nên trong thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc. Bản thân ông lại sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và tự nguyện tham gia kháng chiến khi mới còn là một cậu bé. Chính vì thế trong hai tác phẩm này, ông sử dụng rất nhiều từ ngữ chính trị. Lớp ngôn ngữ chính trị này nó đã góp phần làm nên dấu ấn riêng của tác phẩm Phùng Quán.
“ Đêm qua quân ta, cả hai Mặt trận khu B và khu C đã đồng loạt tấn công quyết liệt các vị trí trọng yếu của giặc như ga-ra La-cờ-roa, Viện Dân Biểu, nhà Dây Thép, lầu Công Chánh… Một đơn vị cảm tử thuộc Mặt trận khu B đã khiêng bốn quả bom vào chính giữa khách sạn Mo-ranh giật sập một tầng lâu, giết gần năm mươi tên giặc”. Đặc biệt những ngày giờ diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng ở Huế những ngày kháng chiến chống Pháp cũng được Phùng Quán ghi lại rất chi tiết bằng từ ngữ chính trị rõ nét: “Trưa ngày mồng 6 tháng 2 năm 1947, quân
tiếp viện của giặc đã chọc thủng phòng tuyến sông Nong… Ngoài cánh quân lớn tiến dọc theo đường quốc lộ số Một, bọn giặc tiếp viện đã cho đổ bộ thêm nhiều cánh quân dọc bờ biển Phú Vang, Quảng Điền, hình thành những gọng kìm với ý đồ bao vây tiêu diệt quân ta”.
Hay các sự kiện diễn ra ở Côn Đảo, cũng được tác giả ghi lại cụ thể: “Đầu năm 1952 chúng đưa ra thêm 200 tù binh phần đông là chiến sĩ và cán bộ quân đội, cán bộ hành chính, đoàn thể địa phương từ huyện đến xã. Từ đấy Côn Đảo có hai loại tù: tù án và tù binh”. Lớp từ ngữ chính trị còn được Phùng Quán vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong cuộc sống hàng ngày của những thiếu niên trinh sát: “Trong vòng ba ngày, mỗi đứa phải cố gắng thu lượm sơ bộ tình hình và tin tức hoạt động của địch trong khu vực được phân công: Những nơi bọn giặc đóng quân, nơi chúng để kho tàng quan trọng như đạn dược, xăng, lương thực… Hiện nay ban tham mưu Trung đoàn đang rất nóng ruột chờ tổ chúng ta cung cấp những tin tức tình báo này”; trong cuộc sống hàng ngày của các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo: “Anh em tù binh bước chân lên Côn Đảo được bốn tháng rồi. Nhiều đêm sinh hoạt đã nổ ra nhiều cuộc bàn cãi gay go. Các đồng chí bộ đội nhất là các đồng chí hăng và xốc nổi, đề nghị ban lãnh đạo cho tổ chức bắt lính, cướp đảo lấy ca nô, tàu chiến chở anh em về”. Qua lời kể của người kể chuyện, tác giả cũng sử dụng lớp từ ngữ này: “Đi liên lạc từ Huế về Sịa mỗi ngày một trở nên khó khăn , nguy hiểm. Bọn giặc bắt đầu đánh hơi thấy có nhiều bộ phận của Việt Minh, trà trộn theo những người hồi cư lọt về Huế. Lác đác nơi này, nơi khác trong thành phố đã có những tên mật thám, Việt gian bị bắn chết; lựu đạn nổ trong công sở, truyền đơn kêu gọi kháng chiến rải trên đường phố!”.
“Tám giờ sáng, máy bay phóng pháo ào ào kéo đến hết tốp này đến tốp khác, vòng lượn, gầm rú, trút bom đạn xuống các sườn núi, khe suối mà chúng nghi có quân ẩn náu. Tin tức từ các đài quan sát dồn dập báo về hầm chỉ huy sở: Nhiều toán từ đồi Đồng Nhện, đồi Hai Lăm, vượt sông Ô Lâu sang Hòa Mỹ. Phía Bắc tiền chiến khu, giặc tập trung quân đông đặc”.
Qua lời của nhân vật trong tác phẩm, lớp từ ngữ chính trị cũng được vận dụng linh hoạt: “Anh Cả quả quyết nhất định anh em không bao giờ báo cho giặc. Giai cấp công nhân bất kỳ ở đâu, trường hợp nào cũng tốt, trung thành, yêu nước và đáng tin cậy. Anh cử một đồng chí trong ban lãnh đạo đến thuyết phục công nhân xin nhựa rải đường”.
Nhờ sử dụng lớp ngôn ngữ chính trị mà Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán đậm chất sử thi. Qua đó chúng ta thấy, tác giả là người rất hiểu đời sống chính trị và kháng chiến. Và phải sống hết mình với kháng chiến thì ông mới có những trang viết đậm chất Cách mạng và kháng chiến như thế. Cũng từ đó tác phẩm có giá trị cổ vũ, động viên nhân dân ta, bộ đội ta trong những ngày chiến đấu quyết liệt.