Về khái niệm sử thi

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 27 - 29)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4.1.1. Về khái niệm sử thi

Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm sử thi. Tuy nhiên các tác giả nghiên cứu văn học chỉ đi sâu vào hai hướng chính. Hướng thứ nhất, họ xem sử thi như một thể loại văn học dân gian mà nó chỉ xuất hiện, và phát triển vào những thời điểm đặc biệt. Đó chính là thời điểm mà tinh thần dân tộc tồn tại trong “trạng thái sử thi”. Hêghen đã phân tích: “ Khi một thể chất xã hội đạt tới một hình thái độc đáo, trong đó nền tảng của sự phục tùng không phải do một uy quyền thuần túy mà là một tinh thần danh dự, sự tôn trọng, thái độ xấu hổ trước người có quyền lực hơn thì mới xuất hiện sử thi”[27,71]. Sau này các sử thi hiện đại cũng chỉ được sinh ra ở những giai đoạn đặc biệt của các dân tộc. Đó là lúc mà vấn đề lịch

sử - dân tộc được đặt lên hàng đầu, vấn đề vận mệnh Tổ quốc, danh dự quốc gia khiến người ta quan tâm hơn là các vấn đề thuộc về quan hệ và số phận cá nhân. Văn học sử thi trong suốt lịch sử tồn tại của mình luôn tập trung thể hiện một kiểu xung đột trung tâm: xung đột cộng đồng . Nhân vật anh hùng là nhân vật trung tâm của tác phẩm sử thi. Các nhân vật khác thường chỉ giữ vai trò qui tụ làm sáng tỏ vẻ đẹp của người anh hùng. Vẻ đẹp ấy trước hết toát ra ở ngoại hình. Nhân vật anh hùng sử thi thường có tầm vóc đẹp, có kích thước lớn lao hơn chính bản thân nó. Đặc điểm ngoại hình sử thi nổi bật nhất của người anh hùng là nó mang vẻ đẹp tạo hình theo quan điểm thẩm mỹ, theo chuẩn mực riêng của nội bộ cộng đồng. Song nói đến vẻ đẹp của người anh hùng sử thi thì chủ yếu phải nói đến vẻ đẹp của phẩm chất, của tài năng phi thường. Phẩm chất đầu tiên thường gặp ở người anh hùng sử thi là lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực phi thường. Lòng dũng cảm được coi là phẩm chất đạo đức có tính chất tuyệt đối của người anh hùng sử thi. Một phẩm chất lớn khác của người anh hùng sử thi là họ luôn mang một ý tưởng cao cả, khát vọng lớn lao. Nhờ có sức mạnh thể chất phi thường cộng với sức mạnh tinh thần kỳ diệu, người anh hùng sử thi luôn lập được những chiến công hiển hách. Chiến công của người anh hùng sử thi bao giờ cũng mang ý nghĩa lớn lao, mang quyền lợi, danh dự và hạnh phúc cho cả cộng đồng dân tộc [27].

Khi xem xét sử thi dưới góc độ là một thể loại văn học dân gian, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển thuật ngữ văn học đã định nghĩa:

“Sử thi là thể loại tác phẩm tự sự dài, xuất hiện sớm trong lịch sử văn học của các dân tộc nhằm ngợi ca những sự nghiệp anh hùng có tính chất toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử [23, 192].

Hướng thứ hai, họ nhìn nhận sử thi với tư cách là một đặc điểm, tính chất của văn học. Bởi theo họ, cái hình thức sử thi cổ xưa mang ý thức thần thoại gắn với giai đoạn phát triển ấu thơ của loài người đã một đi không trở lại nhưng với tư cách là một loại hình nội dung, loại hình cảm hứng, thể loại sử thi vẫn không lùi vào quá khứ. Trong các thời đại sau, với điều kiện của các giai đoạn phát triển cách

mạng khác của xã hội, nội dung thể loại lịch sử dân tộc lại được tái sinh trong những hình thức và bình diện mới. Dù ở đâu và khi nào, bức tranh văn học hướng về phản ánh các sự kiện quan trọng của dân tộc, có ý nghĩa quyết định đối với đời sống tinh thần, vận mệnh của dân tộc và của nhân dân, thể hiện tinh thần trí tuệ bộ tộc và thời đại lịch sử…thì đều mang đậm màu sắc sử thi.

Như vậy, chúng ta thấy rằng dù đi vào hướng nghiên cứu nào thì nội hàm của khái niệm sử thi vẫn không thay đổi. Về sau này, những đặc trưng cơ bản của sử thi dần dần biến đổi và được tiểu thuyết hiện đại tiếp nhận để hình thành một thể loại mới - tiểu thuyết sử thi. Đương nhiên lý tưởng của người anh hùng sử thi thời hiện đại sẽ có những phẩm chất mới mẻ, do nội dung cách mạng của thời hiện đại mang lại. Đặc biệt trong văn học Cách mạng 1945- 1975, xuất hiện một loạt các tiểu thuyết mang tính sử thi như Hòn đất (Anh Đức), Đất nước đứng lên (Nguyên

Ngọc), Ở xã Trung Nghĩa (Nguyễn Thi), Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán)…Đó là những tác phẩm mang đặc trưng của thể loại tiểu thuyết nhưng lấy nội dung lịch sử - dân tộc làm đề tài sáng tạo nghệ thuật với cảm hứng chủ yếu là cảm hứng anh hùng, ngợi ca sự nghiệp anh hùng và con người của dân tộc của cộng đồng.

Một phần của tài liệu Tính sử thi trong tiểu thuyết phùng quán ( qua vượt côn đảo và tuổi thơ dữ dội) luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w