2.1.1. Du lịch và kinh tế du lịch
2.1.1.1. Du lịch
Quan niệm
Như chúng ta đã biết, trong cuộc sống của mình, mỗi người đều có những nhu cầu nhất định. Những nhu cầu đó có thể được đáp ứng ngay tại nơi ở (hay nơi cư trú) của bản thân họ, nhưng cũng có không ít nhu cầu chỉ cóthể
được thỏa mãn ngoài nơi ở thông qua các cách thức tổ chức thực hiện khác nhau. Một trong số cách thức tổ chức đó là mỗi người hoặc nhóm người thực hiện chuyến đi du lịch.
Luật Du lịch năm 2005 của Việt Nam nêu quan niệm: “Du lịch là hoạt
động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [36, tr.8].
Với quan niệm này, du lịch là hoạt động liên quan đến nhu cầu, nhưng không phải mọi nhu cầu đều là du lịch. Chỉ có hoạt động nào dẫn đến thỏa mãn nhu cầu về tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định mới được gọi là du lịch.
Trong đề tài luận án này, nghiên cứu sinh quan tâm đến phạm trù du lịch dưới góc độ kinh tế chính trị, xem đó là tổng thể những hiện tượng và những mối quan hệ kinh tế phát sinh từ sự tác động qua lại lẫn nhau giữa khách du lịch, nhà kinh doanh du lịch, chính quyền sở tại và cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình thu hút và lưu gi ữ khách du lịch. Du lịch là
một tổng thể hết sức phức tạp. Hoạt động du lịch vừa có đặc điểm của ngành kinh tế, lại có đặc điểm của ngành KT - XH.
Sản phẩm du lịch và tính đặc thù của nó
Sản phẩm du lịch được hiểu “là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch" [36, tr.2].
Theo cách hiểu khác, sản phẩm du lịch là “các dịch vụ, hàng hoá cung cấp cho du khách, được tạo nên bởi sự kết hợp của việc khai thác các yếu tố tự nhiên, xã hội với việc sử dụng các nguồn lực cơ sở vật chất - kỹ thuật và lao động tại một cơ sở, một vùng hay một quốc gia nào đó” [13, tr.31].
Sản phẩm du lịch có thể tồn tại dưới dạng vật thể (sản phẩm hữu hình), có thể là sản phẩm phi vật thể (sản phẩm vô hình). Sản phẩm du lịch phi vật thể được cung ứng bởi các hoạt động dịch vụ du lịch.
Đặc điểm của sản phẩm du lịch:
Ngoài những đặc điểm chung của hàng hóa thông thường, sản phẩm du lịch còn có những đặc trưng sau:
Một là, nếu các hàng hoá thông thường sau khi bán và được người mua
sử dụng, giá trị của nó sẽ mất dần đi, thậm chí có thể mất luôn sau lần sử dụng đầu tiên, nhưng giá trị của sản phẩm du lịch thì ngược lại. Nó sẽ tồn tại trong cảm nhận và đánh giá của khách du lịch và những giá trị này còn có thể được ghi nhận theo kênh lan truyền từ du khách này sang du khách kia. Nếu chất lượng của sản phẩm du lịch tốt, thì giá cả của nó còn có thể được tăng lên qua những lần sử dụng của du khách tiếp theo. Sở dĩ có hiện tượng trên, là do người cung ứng không phải bán cho du khách bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ bán giá trị các khả năng thoả mãn nhu cầu đặc trưng của du khách được chứa đựng trong sản phẩm du lịch đó mà thôi.
Hai là, việc tiêu dùng sản phẩm du lịch thường không thường xuyên
mà có thể chỉ tập trung vào những thời gian nhất định trong ngày (đối với sản phẩm ở bộ phận nhà hàng), trong tuần (đối với sản phẩm của chủ thể loại du lịch cuối tuần), trong năm (đối với sản phẩm của một số loại hình du lịch: du
lịch nghỉ núi, du lịch nghỉ biển...). Chính vì đặc tính này, hoạt động du lịch mang tính thời vụ cao.
Trên thực tế, trong cơ cấu sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng 80% - 90%) nên việc tìm hiểu và đánh giá đúng đặc điểm của dịch vụ du lịch là điều hết sức quan trọng.
Dịch vụ du lịch và đặc điểm của nó
Dịch vụ du lịch là hoạt động trong đó các đơn vị kinh doanh du lịch cung ứng nhằm thu hút và phục vụ du khách theo mức giá, mức chi phí sản xuất và các biến số kinh tế khác trong một thời gian nhất định. Cụ thể hơn, dịch vụ du lịch là“việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch” [36, tr.10].
Du lịch là một loại dịch vụ, vừa có những điểm chung của dịch vụ, vừa có nét đặc thù:
- Tính phi vật thể. Đây là đặc điểm quan trọng nhất của dịch vụ du lịch.
Tính phi vật thể làm cho du khách không thể sử dụng thử trước khi trực tiếp tiêu dùng dịch vụ du lịch, vì quá trình sản xuất gắn liền với quá trình tiêu thụ dịch vụ du lịch. Vì vậy, đối với du khách khi họ chưa tiêu dùng dịch vụ du lịch thì nó vẫn là trừu tượng. Dịch vụ thường xuyên đồng hành với những sản phẩm vật chất nhưng dịch vụ mãi mãi tồn tại tính phi vật chất của mình khiến cho du khách thực sự khó đánh giá dịch vụ.
Điều đó đòi hỏi nhà cung ứng dịch vụ du lịch cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho du khách, những thông tin ấy phải nhấn mạnh được tính lợi ích của dịch vụ đối với du khách để họ thấy hài lòng và quyết định mua dịch vụ của mình. Đồng thời, đòi hỏi công tác quảng bá du lịch cần phải có nhiều nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện quảng bá rộng rãi đến du khách để họ có thể định hình trước được những dịch vụ mà nhà cung ứng có và họ sẽ quyết định tiêu dùng những dịch vụ nào mà họ muốn.
- Tính đồng thời của sản xuất và tiêu dùng dịch vụ du lịch. Đặc tính này
thể hiện sự khác biệt giữa dịch vụ và hàng hoá. Đối với hàng hoá (vật chất) quá trình sản xuất và tiêu dùng tách rời nhau. Việc sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra ở những thời gian và địa điểm khác nhau. Còn đối với dịch vụ thì ngược lại, việc sản xuất và tiêu dùng thường trùng nhau về “không gian” và “thời gian”. Sản xuất không phải để lưu kho hay cất đi như các hàng hoá thông thường. Chẳng hạn, vào mùa đông thời gian rỗi của nhân viên du lịch ở các vùng ven biển không thể để dành đến lúc cao điểm của mùa hè được, một phòng khách sạn không cho thuê được trong ngày thì đã coi như mất dịch vụ, do đó mất nguồn thu v.v... Dịch vụ được sản xuất và tiêu dùng đồng thời nên cung - cầu cũng không thể tách rời nhau và cần phải tạo ra sự ăn khớp giữa cung và cầu. Vì thế, công tác dự báo nhu cầu trong kinh doanh dịch vụ du lịch là hết sức quan trọng.
- Sự tham gia của khách du lịch trong quá trình tạo ra dịch vụ. Đặc
điểm này nói lên rằng, khách du lịch ở một chừng mực nào đó đã trở thành nội dung của quá trình sản xuất. Do việc sản xuất và tiêu dùng dịch vụ diễn ra đồng thời, nên ở đó có sự gặp gỡ giữa hai chủ thể: khách hàng và người sản xuất. Sự gắn liền họ trong sự tác động qua lại này trong dịch vụ được khẳng định sự phụ thuộc vào mức độ lành nghề, khả năng của người cung cấp dịch vụ cũng như ý nguy ện của người tiêu dùng. Do có sự đa dạng về yêu cầu, sở thích, trình độ cũng như khả năng cảm nhận và đánh giá của khách du lịch mà nhà cung ứng dịch vụ du lịch cần sáng tạo trong quá trình sản xuất của mình để thoả mãn nhu cầu của du khách. Mức độ hài lòng của du khách phụ thuộc nhiều vào khả năng, trình độ, nghệ thuật ứng xử của người làm dịch vụ. Người tiêu dùng ở đây không chỉ là người hưởng thụ những lợi ích do nhà cung ứng mang lại mà sự hợp tác cùng với những phản hồi của họ có tác động đến khả năng phục vụ và mức độ hoàn thiện của dịch vụ; họ trở thành người đồng sáng tạo trong quá trình sản xuất dịch vụ du lịch.
- Tính không thể di chuyển của dịch vụ du lịch. Vì cơ sở du lịch vừa là
nơi sản xuất, vừa là nơi cung ứng dịch vụ nên dịch vụ du lịch không thể dịch chuyển được. Trên thực tế, không thể cung cấp dịch vụ du lịch đến tận tay du khách được mà du khách muốn tiêu dùng dịch vụ phải đến các cơ sở du lịch. Do vậy, các nhà kinh doanh du lịch muốn thu hút du khách du lịch, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng để phát triển KTDL.
- Tính không chuyển đổi quyền sở hữu dịch vụ. Khi mua sản phẩm vật
chất, người mua có quyền sở hữu đối với sản phẩm đó. Còn đối với dịch vụ du lịch thì vấn đề không phải như vậy. Khi khách hàng mua dịch vụ du lịch thì sự tiêu dùng dịch vụ của họ song song với quá trình sản xuất của nhà cung ứng; do vậy, khách hàng chỉ đang mua quyền hưởng thụ dịch vụ do nhà cung ứng mang lại chứ không thể mua được quyền sở hữu dịch vụ đó của nhà cung ứng dịch vụ du lịch.
- Tính không đồng nhất của dịch vụ du lịch. Dịch vụ du lịch là một loại
hình dịch vụ đời sống thoả mãn nhu cầu cho khách du lịch trong suốt thời gian đi du lịch. Dịch vụ du lịch khác với các hoạt động dịch vụ KH - CN, dịch vụ sản xuất, dịch vụ đời sống khác ở chỗ: dịch vụ du lịch chỉ thoả mãn nhu cầu cho khách du lịch, chứ không thoả mãn nhu cầu cho tất cả mọi người trong toàn xã hội, dịch vụ du lịch thoả mãn nhu cầu cho khách du lịch trong suốt thời gian đi du lịch như: nhu cầu ăn, ở, nghỉ ngơi, tham quan, vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử, văn hoá và các nhu cầu khác. Mặt khác, do khách hàng rất muốn được chăm sóc như những con người riêng biệt nên dịch vụ du lịch thường bị cá nhân hoá và không đồng nhất. DNDL rất khó đưa ra các tiêu chuẩn dịch vụ nhằm thoả mãn tất cả các khách hàng trong mọi hoàn cảnh vì sự thoả mãn ấy phụ thuộc vào sự cảm nhận của du khách...
- Tính không đồng đều về sản lượng. Do quá trình sản xuất dịch vụ du
lịch gắn liền với quá trình tiêu thụ nên sản lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của du khách. Mặt khác, nhu cầu của khách du lịch rất
phong phú, đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, tình hình chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh, vv... Kết quả là, số lượng khách du lịch thay đổi và kéo theo sản lượng dịch vụ du lịch cũng thay đổi theo từng ngày trong tuần, từng tuần trong tháng, từng tháng trong năm và giữa năm này so với năm khác.
Các loại hình du lịch
Dựa vào các tiêu thức phân loại khác nhau có thể phân du lịch thành các loại hình du lịch khác nhau:
- Theo phạm vi lãnh thổ của chuyến đi du lịch, sẽ có du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Du lịch quốc tế, là hình thức du lịch mà ở đó điểm xuất phát
và điểm đến của khách nằm ở lãnh thổ của các quốc gia. Với loại hình du lịch này khách du lịch phải qua biên giới và sử dụng dịch vụ ở nơi đến du lịch. Du lịch nội địa, là hình thức đi du lịch mà điểm xuất phát và điểm đến của khách
cùng nằm trong lãnh thổ của một quốc gia.
- Theo nhu cầu làm nảy sinh hoạt động du lịch có: du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, du lịch thể thao, du lịch tham quan, du lịch công vụ, du lịch tâm linh…
- Theo vị trí địa lý của nơi khách đến du lịch có: du lịch núi, du lịch biển, sông, hồ, du lịch thành phố, du lịch đồng quê.
- Theo phương tiện giao thông phục vụ chuyến đi du lịch của khách có: du lịch bằng xe đạp, du lịch bằng xe máy, du lịch bằng xe ô tô, du lịch bằng tàu hỏa, du lịch bằng tàu thủy, du lịch bằng máy bay…
- Theo hình thức tổ chức chuyến đi, du lịch được phân thành: du lịch theo đoàn và du lịch cá nhân.
- Theo độ dài thời gian chuyến đi của du khách, du lịch được phân thành: du lịch dài ngày và du lịch ngắn ngày v.v…
Việc quan tâm đến các bộ phận trên của du lịch là cần thiết để lựa chọn hình thức tổ chức thích hợp trong phát triển KTDL trên một địa bàn, lãnh thổ.