Thực trạng về các mối quan hệ giữa KTDL với các ngành khác

Một phần của tài liệu Kinh tế du lịch ở các tỉnh bắc trung bộ trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 98 - 101)

- Du lịch hội nghị, hội thảo, festival; DLST Bạch Mã, Tam Giang.

3.2.5. Thực trạng về các mối quan hệ giữa KTDL với các ngành khác

* Thực trạng mối quan hệ giữa KTDL và ngành văn hoá

Mối quan hệ này được thể hiện rõ trong việc tổ chức khai thác các điểm di tích lịch sử - văn hoá phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch. Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du Lịch được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý các điểm di tích lịch sử - văn hóa để phục vụ khách đến tham quan. Nhưng tại nhiều điểm có

giá trị về mặt kinh tế và qui mô lớn như Sầm Sơn, Lam Kinh, Cửa Lò, Làng Sen quê Bác, Cố đô Huế… du khách đến không chỉ đơn thuần để tham quan các di tích, mà còn để chiêm ngưỡng các thắng cảnh xung quanh hoặc cần được thoả mãn một số dịch vụ du lịch khác như đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm,... Nhưng do chưa có được sự thống nhất trong công tác tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch nên ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng tranh giành khách, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích, cảnh quan v.v... Điều này đã làm tổn hại không chỉ về mặt kinh tế, mà còn để lại những ấn tượng không tốt trong lòng du khách, làm giảm đáng kể tính hấp dẫn của điểm du lịch.

Thực trạng mối quan hệ giữa KTDL và ngành lâm nghiệp

Thực tế cho thấy, trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật, đặc biệt tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là những minh chứng điển hình thể hiện mối quan hệ giữa KTDL và ngành lâm nghiệp. Điều này được thể hiện rõ trong hoạt động du lịch tại vườn quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn thiên nhiên như Vườn quốc gia Bến En, Phong Nha - Kẻ Bàng... những nơi chưa có được sự thống nhất chung trong việc khai thác các tiềm năng du lịch, chưa có qui hoạch rõ nét những khu vực có thể khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch để phối hợp trong công tác bảo vệ đầu tư, tu bổ và cải tạo.

Thực trạng mối quan hệ giữa KTDL và ngành giao thông vận tải

Việc khai thác những lợi thế bờ biển để phát triển những khu nghỉ dưỡng, bãi tắm biển và phát triển giao thông vận tải biển là sự thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa KTDL và ngành giao thông vận tải. Các tỉnh Bắc Trung Bộ là vùng có nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển giao thông biển với hệ thống các cảng nước sâu. Bên cạnh đó, khu vực này cũng là vùng tập trung nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng. Chẳng hạn, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế thời kỳ 1996-2010 được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quyết định số 368QĐ/UBND (ngày 07/3/1996) đã xác định Cảnh Dương là một điểm du lịch cực quan trọng của tam giác tăng trưởng du lịch: Cảnh Dương - Bạch Mã - Lăng Cô. Đồng thời, Cảnh Dương còn là khu vực có bãi biển sạch và đẹp vào loại nhất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, hiện nay tại đây đang xây dựng phát triển dự án cảng nước sâu. Như vậy, thực tế đã và

đang nảy sinh mâu thuẫn giữa hai ngành trong khai thác tài nguyên ở khu vực này cần được giải quyết một cách thỏa đáng [22, tr.26-27].

Thực trạng mối quan hệ giữa KTDL và ngành thuỷ lợi, thuỷ sản

Mối quan hệ trên được thể hiện trong việc khai thác các hồ chứa nước lớn, các đầm phá ven biển. Với ưu thế về mặt thoáng lớn, có sự điều hoà tiểu khí hậu và cảnh quan đẹp nên hiện nay hệ thống các hồ chứa và đầm phá đang là đối tượng nghiên cứu để khai thác phục vụ các hoạt động du lịch: nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Điển hình là các điểm du lịch: hồ Phú An, hồ Thanh Bàn, đầm Cầu Hai, phá Tam Giang… có khả năng khai thác đưa vào danh mục các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nơi đã có qui hoạch du lịch nhưng do chưa có sự thống nhất trong khai thác nên nhiều điểm khi đưa vào khai thác du lịch đã bị những tác động không có lợi từ các hoạt động thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ sản nên đã bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt kinh tế.

Thực trạng mối quan hệ giữa KTDL và công nghiệp trong khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng.

Hiện nay, ở một số nơi trên địa bàn miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ, việc khai thác đá, san hô làm vôi, xi măng đã đang ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường du lịch. Mặc dù, việc phát triển KTDL không đồng nghĩa với việc nghiêm cấm khai thác tài nguyên phục vụ phát triển công nghiệp. Nhưng vấn đề là ở chỗ cần có sự thống nhất trong việc chọn vị trí và phương thức khai thác sao cho có hiệu quả nhất về kinh tế và có lợi nhất trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành KT - XH. Nhưng trên thực tế cho đến nay vấn đề này vẫn đang còn bỏ ngõ.

Tựu chung, những vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác tài nguyên giữa KTDL với một số ngành kinh tế, văn hoá…là tất yếu vì thường trong quy hoạch phát triển ngành dưới phạm vi lãnh thổ tỉnh hoặc vùng, lợi ích của ngành sẽ được đặt lên trên, mặc dù trong một số trường hợp các dự án chưa được nghiên cứu một cách toàn diện với sự tham gia của các ngành có liên quan. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu có sự quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH trên quan điểm khai thác tối ưu tiềm năng tài nguyên, đảm

bảo sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường và những di sản thiên nhiên, lịch sử, văn hoá của Việt Nam nói chung và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng.

Một phần của tài liệu Kinh tế du lịch ở các tỉnh bắc trung bộ trong hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)