Ở bậc Tiểu học, lần đầu tiên HS được học văn miêu tả. Các em gặp nhiều khó khăn cả về tri thức lẫn phương pháp. Do đó việc nắm được đặc điểm tâm lí của HS sẽ giúp cho giáo viên có những phương pháp thích hợp trong việc giảng dạy trong các giờ học TLV miêu tả.
1.2.3.1. Tri giác
Ở lứa tuổi cuối cùng của bậc Tiểu học, quá trình tri giác đã có những biến đổi quan trọng. Tri giác của HS đi từ tính đại thể, ít đi vào chi tiết chuyển sang tính có mục đích, có chủ định. Học sinh đã có khả năng nhìn thấy nhiều chi tiết trong cùng một đối tượng và nắm bắt được những dấu hiệu chủ yếu, quan trọng của đối tượng đó. Tuy nhiên tri giác ở lứa tuổi này cũng bắt đầu mang tính xúc cảm. Các em chỉ thích quan sát những sự vật, hiện tượng nào gần gũi, trực tiếp gây xúc cảm, tác động mạnh mẽ đến chúng. Do đó sự quan sát của HS còn mang nhiều cảm tính, có khi phiến diện và hời hợt.
Văn miêu tả là kết quả dễ thấy nhất, trực tiếp nhất của quan sát. Quan sát càng tinh vi, thấu đáo, bài viết sẽ đặc sắc, hấp dẫn. Quan sát hời hợt, phiến diện thì bài viết sẽ khô khan, nông cạn. Quan sát còn là một hoạt động tư duy cần thiết giúp trẻ nhận thức được thế giới xung quanh. Vì vậy kỹ năng quan sát luôn là một kỹ năng quan trọng trong chương trình dạy học văn miêu tả. Thông qua các giờ rèn luyện kĩ năng quan sát trong chương trình, sự quan sát của HS ngày càng trở nên tỉ mỉ, sâu sắc với những mục đích rõ ràng hơn. HS đã có khả năng
phân biệt, phán đoán và hệ thống hoá các sự vật được quan sát để diễn đạt chính xác những điều quan sát. Quan sát tốt chẳng những giúp HS tích luỹ vốn sống, mà còn góp phần bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên ở trẻ.
1.2.3.2. Tư duy
Tư duy của học sinh các lớp cuối Tiểu học đã thoát ra khỏi tính chất trực tiếp của tri giác và mang dần tính trừu tượng, khái quát. Các em đã có thể phân tích đối tượng mà không cần đến những hành động thực tiễn đối với đối tượng, cũng như có khả năng phân biệt những dấu hiệu, những khía cạnh khác của đối tượng dưới dạng ngôn ngữ và sắp xếp chúng thành một hệ thống nhất định. Tuy nhiên trẻ vẫn khó khăn khi tiến hành các thao tác tổng hợp.
Văn miêu tả đem lại cho trẻ cái nhìn mới mẻ về thế giới khách quan. Thông qua hoạt động trong các giờ học văn miêu tả như đọc, phân tích đề bài, quan sát, tìm ý, viết đoạn, sửa chữa bài,… tư duy của trẻ cuối cấp dần tách ra khỏi tri giác trực tiếp và mang dần tính trừu tượng. Những thao tác logic đầu tiên thay thế cho trực giác, cho phép trẻ có khả năng phán đoán, suy luận và nhận thức thế giới một cách khách quan hơn. Cùng một lúc, trẻ có thể vừa tìm thấy cái giống nhau và khác nhau của những đối tượng tri giác, tách chúng ra khỏi các dấu hiệu không bản chất để làm nên sự khái quát hoá đúng đắn. Những tài liệu trực quan của giờ văn miêu tả cũng là một chỗ dựa vững chắc để HS có thể chứng minh, lập luận vấn đề một cách dễ dàng.
1.2.3.3. Tưởng tượng
Càng về những năm cuối bậc Tiểu học, tưởng tượng của học sinh càng gần hiện thực hơn. Các em học sinh lớp 4, 5 đã có khả năng dùng ngôn ngữ để nhào
nặn, gọt rũa những hình tượng cũ , sáng tạo ra những hình tượng mới.Tuy nhiên các chi tiết, hình ảnh tưởng tượng của trẻ đôi khi còn nghèo nàn, tản mạn.
Văn miêu tả là một bức tranh vẽ các sự vật, hiện tượng, con người bằng ngôn ngữ một cách sinh động, cụ thể. Đọc và học văn miêu tả, các em sẽ đến được thế giới của tuổi thơ, thế giới của sự tưởng tượng và sáng tạo. Các em sẽ được tự do sáng tạo ra các ý tưởng, hình ảnh ưa thích mà không bị người lớn cho là nói dối. Chương trình dạy văn miêu tả sẽ giúp trẻ biến hình ảnh tưởng tượng ban đầu còn tản mạn bằng những hình ảnh trọn vẹn, chính xác, rõ ràng, mạch lạc hơn. Nhờ đó, trẻ có thể viết được những câu văn, đoạn văn, hay bài văn sinh động, đầy cảm xúc và chân thật.
1.2.3.4. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính của trẻ. Nhờ có ngôn ngữ mà cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng của trẻ phát triển dễ dàng và được biểu hiện cụ thể thông qua ngôn ngữ nói và viết của trẻ.
Ngôn ngữ của trẻ Tiểu học phát triển mạnh cả về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng. Vốn từ của các em tăng lên đáng kể từ kiến thức ở các môn học trong nhà trường và phạm vi tiếp xúc được mở rộng. Khả năng hiểu nghĩa của từ cũng phát triển : từ chỗ hiểu một cách cụ thể, cảm tính đến hiểu khái quát, trừu tượng nghĩa của từ. Tuy nhiên, trẻ thường hiểu nghĩa của từ gắn với nội dung cụ thể của bài khoá. Việc hiểu nghĩa bóng còn khó khăn với trẻ. Các em thường sử dụng chúng một cách tuỳ tiện khi chưa hiểu hết nội dung. Ngoài ra ở lứa tuổi này, HS đã nắm được một số quy tắc ngữ pháp cơ bản khi nói và viết nhưng việc vận dụng vào ngôn ngữ nói và viết chưa thuần thục, còn phạm nhiều lỗi, nhất là khi viết. Từ
chỗ hiểu nghĩa từ ngữ chưa chính xác, nắm ngữ pháp chưa chắc, nên khi viết các em còn dùng từ sai, viết câu chưa đúng, không biết chấm câu,…
Ngôn ngữ góp phần làm cho bài văn miêu tả thêm sinh động, tạo hình. Học văn miêu tả, học sinh sẽ cơ hội tích lũy, mở rộng thêm vốn từ. Thông qua các ngữ liệu trong bài văn miêu tả, thông qua các tiết quan sát, tìm ý, các bài học của tiết tập đọc, luyện từ và câu, học sinh sẽ biết cách chọn lựa từ ngữ thích hợp, vận dụng được các quy tắc ngữ pháp về câu, đoạn, các từ trái nghĩa, gần nghĩa, các phép so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, để viết ra những đoạn văn, bài văn miêu tả có sức gợi hình, gợi cảm lớn.
Từ những đặc điểm vừa nêu ở trên, chúng ta thấy rằng hoạt động nhận thức của học sinh lớp 4 - 5 đã có những bước phát triển quan trọng. Chính sự phát triển này là điều kiện thích hợp giúp cho trẻ dễ dàng tiếp xúc với thể loại văn miêu tả và vận dụng chúng trong hoạt động giao tiếp. Do đó, trong dạy học văn miêu tả, GV cần chú ý đến đặc điểm tâm lí về tri giác, tư duy, tưởng tượng, ngôn ngữ để có những biện pháp thích hợp cho quá trình dạy và học văn miêu tả cho HS lớp 4 - 5.