Trong các tiết luyện tập viết đoạn văn miêu tả, GV thường hướng dẫn HS viết đoạn văn dựa vào ý. Điều này khiến cho cả GV và HS gặp nhiều khó khăn với các dạng bài yêu cầu viết đoạn văn với nhiều cách khác nhau. Đoạn văn HS viết ra thường nghèo nàn về ý tứ, các câu thường lủng củng, mâu thuẫn, trùng lặp nhau và nhất là không hướng vào ý chính của đoạn. Do đó các bài tập luyện viết đoạn văn miêu tả theo cấu trúc của lí thuyết NPVB (được trình bày ở mục 1.2.2) mà chúng tôi đưa ra sẽ giúp cho HS có thêm những hiểu biết về đoạn văn, cách viết đoạn văn theo nhiều cấu trúc khác nhau. Ở bài tập rèn kĩ năng viết đoạn văn, chúng tôi chia thành 3 dạng bài :
2.2.4.1. Bài tập nhận diện câu chủ đề đoạn
Như đã trình bày ở mục1.2.2.2, xét về mặt cấu trúc , mỗi đoạn văn thường có câu chủ đề và các câu minh hoạ, giải thích... cho câu chủ đề. Câu chủ đề là câu mang nội dung thông tin chính của đoạn, có đầy đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Câu chủ đề có thể đứng ở đầu đoạn, cuối đoạn và giữa đoạn (ít khi gặp). Trong SGK Tiếng Việt lớp 4 - 5, phần lớn câu chủ đề nằm ở đầu đoạn văn miêu tả. Vì vậy dạng bài tập nhận diện câu chủ đề đoạn vừa giúp HS xác định tốt câu chủ đề đoạn, vừa giúp cho HS nắm vững được mô hình cấu trúc của đoạn văn miêu tả. Dữ kiện của bài là những đoạn văn miêu tả thuộc các phần khác nhau của bài văn. Lệnh bài tập có thể yêu cầu HS nhận diện câu chủ đề trong đoạn thông qua các đoạn văn miêu tả được viết theo các cấu trúc khác nhau.
Ví dụ 1 : Tìm và gạch chân dưới câu chủ đề của đoạn văn sau :
Đà Lạt là một trong những nơi nghỉ mát nổi tiếng vào bật nhất nước ta. Giữa thành phố có hồ Xuân Hương, mặt nước phẳng như gương phản chiếu sắc trời êm dịu. Hồ Than Thở nước trong xanh, êm ả, có hàng thông bao quanh reo
nhạc sớm chiều. Ra xa phía nam thành phố thì gặp suối Cam Ly. Thác nước xối ào ào, tung bọt trắng. Bên bờ suối, những thân cây nghiêng mình xoà lá biếc soi gương xuống mặt nước.
Ví dụ 2 : Đọc đoạn văn và khoanh tròn vào câu trả lời đúng :
Cây bút dài gần một gang tay. Thân bút tròn, nhỏ nhắn bằng ngón tay trỏ. Chất nhựa bút vẫn còn thơm, nom nhẵn bóng. Phần thân bút màu xanh lá cây, thon thon như búp măng. Nắp bút màu hồng, có cái nẹp cài cũng bằng nhựa. Mở nắp ra, em thấy ngòi bút sáng loáng hình lá tre, có mấy chữ rất nhỏ, không nhìn rõ vì một phần ngòi bút cắm chặt vào quản rỗng có cái chèn như nụ hoa.
Đọc đoạn văn trên, em thấy : a. Câu chủ đề ở đầu đoạn b. Câu chủ đề ở giữa đoạn c. Câu chủ đề ở cuối đoạn d. Không có câu chủ đề
2.2.4.2. Bài tập hoàn chỉnh cấu trúc đoạn văn
Mục đích của bài tập rèn cho HS có kĩ năng viết đoạn văn với nhiều cấu trúc khác nhau dựa trên vị trí của câu chủ đề đoạn. Dữ kiện của bài tập là các ý chính của đoạn văn (câu chủ đề đoạn). Lệnh của bài tập yêu cầu HS viết tiếp các câu minh hoạ, giải thích cho câu chủ đề nhằm hoàn thiện đoạn văn miêu tả.
2.a. Dạng bài tập rèn luyện kĩ năng xây dựng đoạn văn có câu chủ đề ở đầu đoạn
Đoạn văn có câu chủ đề đầu đoạn được gọi là đoạn văn diễn dịch. Câu chủ đề đứng ở đầu đoạn khái quát, bao trùm cả đoạn. Chúng ta có thể áp dụng cấu trúc diễn dịch trong việc hướng dẫn HS xây dựng đoạn mở bài, thân bài trong
các văn bản miêu tả. Dữ kiện của bài tập là các ý mang tính khái quát. Lệnh của bài tập yêu cầu HS phát triển các ý thành đoạn từ câu chủ đề ở đầu đoạn.
Ví dụ1 : Một bạn viết bài văn tả con gà trống gia đình nuôi. Bạn viết
được câu mở đoạn như sau :
Chú gà nhà em đã ra dáng một chú gà trống đẹp ... ...
Hãy giúp bạn viết tiếp thành một đoan thân bài của bài văn tả con gà trống gia đình nuôi.
Lưu ý : GV gợi ý cho HS tập trung miêu tả những đặc điểm thể hiện vẻ
đẹp của con gà trống gia đình nuôi.
Ví dụ 2 : Hãy viết tiếp phần mở bài còn dang dở dưới đây :
Trước sân nhà, ba em trồng một cây mai vàng... ... 2.b. Dạng bài tập rèn luyện kĩ năng xây dựng đoạn văn có câu chủ đề ở
cuối đoạn
Đoạn văn có câu chủ đề ở cuối đoạn còn gọi là đoạn văn quy nạp. Câu chủ đề đoạn có ý nghĩa tổng kết cả đoạn văn. Chúng ta có thể áp dụng cấu trúc quy nạp vào việc hướng dẫn HS xây dựng đoạn thân bài trong các văn bản miêu tả. Nhưng đặc biệt câu chủ đề đứng ở cuối đoạn thường được áp dụng cho đoạn kết bài. Câu chốt đoạn nhằm nêu bật lên suy nghĩ, tình cảm với sự vật. Dữ kiện của bài tập này là các ý mang tính tổng kết, đánh giá một sự vật, sự việc. Lệnh của bài tập này là yêu cầu HS phát triển các ý thành đoạn từ câu chủ đề ở cuối đoạn.
Ví dụ 1 : Em hãy hoàn chỉnh đoạn văn phần kết bài của bài văn miêu
tả cây chuối có buồng với câu kết đoạn như sau :
... Chuối có ích như thế nên bà em thường xuyên chăm bón cho cây chuối tốt tươi.
2.c. Dạng bài tập rèn luyện kĩ năng xây dựng đoạn văn có câu chủ đề ở đầu và cuối đoạn
Đoạn văn có câu chủ đề đầu hay cuối đoạn còn gọi là đoạn phối hợp. Câu mở đầu đoạn có ý nghĩa khái quát gợi mở một vấn đề. Câu kết đoạn có ý nghĩa tổng kết vấn đề đó. Dữ kiện của bài tập là các ý mang tính khái quát và tổng kết đoạn văn. Lệnh của bài tập yêu cầu HS viết thêm các ý, các câu minh hoạ, giải thích cho câu chủ đề đầu và cuối đoạn.
Ví dụ : Bạn Quỳnh viết đoạn văn phần thân bài miêu tả cây hoa hồng
nhung với câu mở đoạn nêu ý khái quát và câu kết đoạn nêu nhận xét về vẻ đẹp của cây hoa hồng đó. Em hãy giúp bạn viết thêm vào chỗ trống để hoàn chỉnh nội dung của đoạn :
Hồng nhung đứng giữa vườn với vẻ kiêu hãnh. Thân cây mảnh mai, màu nâu sẫm, có gai to, sắc và nhọn. Càng lên trên thân càng nhỏ... ... Hằng ngày, ong bướm cứ rập rờn bên cây hồng nhung thì thầm : “ Chị quả thật là công chúa của các loài hoa”.
2.d. Dạng bài tập rèn luyện kĩ năng xây dựng đoạn văn không có câu chủ đề
Đoạn văn không có câu chủ đề gọi là đoạn song song. Đoạn văn gồm nhiều câu nhưng không có câu nào mang ý nghĩa khái quát cho toàn đoạn. Mỗi câu mang một ý khác nhau nhưng lại chặt chẽ về mặt ý nghĩa. Cấu trúc đoạn văn này thường được các em HS Tiểu học chọn để viết đoạn văn phần thân bài miêu