2.1.2.1. Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống
Các bước trong một quy trình là một hệ thống chặt chẽ, đi theo tuần tự logic của bài miêu tả sao cho : bước 2 là sự kế tiếp bước 1, bước 3 rồi đến bước
4. Khi viết đoạn văn, đòi hỏi người viết phải thực hiện tuần tự từng bước một trong quy trình, không được bỏ qua bước nào. Nghĩa là bài làm của HS phải đi từ bước : tìm hiểu đề, thực hiện yêu cầu đề, thực hành kĩ năng, đánh giá đến bước nhận xét kết quả thực hành để có một đoạn văn hoàn hoàn chỉnh về mặt nội dung và ngữ pháp.
2.1.2.2. Nguyên tắc khoa học
Xây dựng quy trình cần chú trọng đến sự phát triển về mặt ngôn ngữ cũng như sự phát triển tâm sinh lí của học sinh. Qua quy trình, HS được hình thành được năng lực quan sát, hồi tưởng, so sánh, liên tưởng… phù hợp với quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ (nghe, nói, đọc, viết), sao cho mỗi HS đều có cơ hội nhúng sâu vào hoạt động làm văn của mình. Thông qua các bước trong quy trình, ý tưởng để nói viết của HS tồn tại và phát triển thông qua những kinh nghiệm mà HS đạt được từ quan sát, cảm nhận, từ nghe, đọc hoặc từ trao đổi kinh nghiệm với người khác. Trong quy trình, trẻ sẽ được quan sát trực tiếp, khơi lại trong trí nhớ những hiểu biết có liên quan, hay thu thập ý tưởng từ sách báo rồi thảo luận về các ý tưởng ấy, đối chiếu ý tưởng của mình với người khác, mở rộng hoặc biến đổi các ý kiến nguyên thủy của mình ; tìm những ý mới trong lúc giao tiếp với những người xung quanh. Mặt khác, HS có thời gian để lắng nghe ý kiến nhận xét của bạn hoặc của giáo viên về bài viết của mình. Trên cơ sở đó, HS xem lại bài rồi sửa đổi nó sao cho các ý định trong bài viết cuối cùng được thể hiện rõ ràng, hấp dẫn hơn. Việc hiện thực hóa quy trình còn hình thành cơ sở thế giới quan khoa học và những kĩ năng cần thiết khi viết văn phù hợp với quá trình phát triển tư duy phân tích, phê phán, lập luận, nhận xét, đánh giá ở HS.
2.1.2.3. Nguyên tắc đảm bảo tính vừa sức cho HS
Xây dựng quy trình phải phù hợp với trình độ phát triển chung của các học sinh trong lớp, đồng thời cũng phù hợp với trình độ phát triển của từng HS, đảm bảo cho mọi HS phát huy hết năng lực viết văn cũng như khả năng sáng tạo ngôn ngữ của mình.
Các kiến thức cũng như kĩ năng cũng phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ nắm tri thức đến kĩ năng, kĩ xảo ; từ vận dụng tri thức vào những đề bài ở mức độ đơn giản đến đề bài có yêu cầu cao hơn. Xây dựng quy trình sao cho tất cả HS đều có thể tham gia vào giải quyết nhiệm vụ ở tất cả dạng văn miêu tả.
Sản phẩm của quy trình phải được đánh giá dựa trên năng lực sử dụng Tiếng Việt phong phú và sáng tạo, mang bản sắc kinh nghiệm và cảm xúc của mỗi cá nhân. Tiêu chuẩn đánh giá chỉ nên dựa vào việc xem xét sản phẩm của HS có mạch lạc hay không, có thể hiện được những cảm nhận, quan sát riêng của bản thân không, từ ngữ dùng có xác đáng, phù hợp không. Còn ngôn từ trau chuốt, giàu hình ảnh gợi cảm, chi tiết phong phú, sâu sắc nên là những nhân tố thứ yếu đối với trình độ HS tiểu học.
Từ những căn cứ và yêu cầu về mặt nguyên tắc, chúng tôi xin đưa ra quy trình rèn kĩ năng viết đoạn văn miêu tả như sau :
- Tìm hiểu yêu cầu đề bài
- Hướng dẫn HS thực hiện yêu cầu đề bài - Học sinh thực hành kĩ năng