Lý tưởng đạo đức của ngành y nói riêng, đạo đức nghề nghiệp nói chung đều bắt nguồn từ lý tưởng sống tốt đẹp của con người. Lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất, là những khát khao và ước vọng mà con người muốn đạt tới. Lý tưởng có vai trò to lớn đối với hoạt động của con người. Người có lý tưởng cao đẹp, thì sẽ sống lương thiện, lành mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt và không những có yêu cầu cao đối với chính bản thân mình mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với người khác.
Ðạo đức nghề nghiệp là những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội đòi hỏi cá nhân phải tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp, có tính đặc trưng của nghề nghiệp. Trong xã hội có bao nhiêu nghề, thì có bấy nhiêu đạo đức nghề nghiệp. Lý tưởng đạo đức nghề nghiệp là sự tự nguyện, được khởi nguồn từ cái tâm của cá nhân, nghĩa là nó được xuất phát, thôi thúc bởi tình cảm, trách nhiệm cá nhân trước người khác và xã hội. Nó còn là nhu cầu tiến bộ và hoàn thiện của chính bản thân mỗi người. Vì thế lý tưởng đạo đức không phải là sự ép buộc từ bên ngoài mà nó là sự gắn bó chặt chẽ với ý thức về lẽ sống, hạnh phúc và triết lý sống của mỗi người.
Ðạo đức nghề y hay còn gọi là y đức không phải là luật pháp, là nghĩa vụ pháp lý mà là những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người hành nghề y. Y đức gồm có ba phần cơ bản: Tư tưởng - tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.
Ở Việt Nam, các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã có những di huấn về y đức quý báu để lại. Hơn 200 năm trước đây, ở nước ta, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”. Ông đã nêu lên chín điều răn dạy rất cụ thể và sâu sắc mà thầy thuốc thường gặp, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cố giáo sư Hồ Đắc Di, một trong những thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam đã nói với nhiều lớp học viên ngành y: “Trong mọi nghề, có lẽ nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo là hai nghề cao thượng nhất: một mang lại sự sống, một mang lại trí tuệ. Cả hai đều đòi hỏi lương tâm trong sáng”. Kế thừa truyền thống y đức của ông cha ta, tiếp thu tinh hoa y đức nhân loại, trên cương vị là lãnh tụ kính yêu của dân tộc và một nhà văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trau dồi, rèn luyện y đức - đạo đức của người thầy thuốc, người cán bộ y tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức. Nếu như mọi người đều có thể tìm thấy trong di sản
Chủ tịch Hồ Chí Minh những quan điểm, tư tưởng đạo đức phù hợp với mình thì cán bộ, nhân viên ngành y, nhận rõ điều đó nhất. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành Y được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cán bộ, nhân viên ngành Y danh hiệu cao quý và đẹp đẽ nhất: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây chính là yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của các bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh. [26]
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự hình thành cơ chế thị trường dưới sự điều khiển của nhà nước Xã hội chủ nghĩa, đạo đức người thầy thuốc Việt Nam đứng trước sự thách thức lớn đã nhanh chóng lựa chọn và xác định chỗ đứng của mình, tiếp tục giữ vững đạo đức tốt đẹp của thầy thuốc Việt Nam thực hiện “lương y như từ mẫu” hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo theo quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06 tháng 11 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khăn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam, Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận.
Song song với hoạt động đào tạo chuyên môn ngành y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Bộ môn Y Đức nhằm trang bị phẩm chất đạo đức người thầy thuốc, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người thầy giáo - người thầy thuốc cho sinh viên - học viên - học sinh.
Sinh viên - học viên - học sinh phải được học, được bồi dưỡng, trao dồi y đức về lời thề Hippocrates, về “8 tội cần tránh của người thầy thuốc” mà đại danh y Việt Nam - Hải Thượng Lãn Ông đã truyền dạy, về “Quy định về y đức” của Bộ Y tế với 12 tiêu chuẩn nghề nghiệp của người làm công tác y tế. Hàng năm nhà trường tổ chức
lễ tri ân những người thầy thầm lặng đã cống hiến thân xác mình phục vụ cho khoa học y học; tổ chức cho sinh viên tuyên thệ lời thề Hippocrates trước khi ra trường.