Giải pháp tăng cường quản lý các điều kiện hỗ trợ và các yếu tố đảm bảo công tác quản lý đổi mới phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học quận 8 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 98 - 102)

- Kiểm tra việc thể hiện đổi mới phương pháp dạy học trên lớp

3.2.4. Giải pháp tăng cường quản lý các điều kiện hỗ trợ và các yếu tố đảm bảo công tác quản lý đổi mới phương pháp dạy học

đảm bảo công tác quản lý đổi mới phương pháp dạy học

3.2.4.1 Ý nghĩa, tầm quan trọng của giải pháp

Để việc dổi mới PPDH mang lại hiệu quả như mong muốn không chỉ nổ lực từ người giáo viên là đủ, các đơn vị cần tổ chức thực hiện một số giải pháp quản lý hỗ trợ mới có thể đảm bảo việc đổi mới PPDH đi đến thành công.

3.2.4.2 Các nội dung cụ thể của giải pháp

- Điều chỉnh sĩ số :

Việc đổi mới phương pháp dạy học trong một lớp học quá đông học sinh rất khó thực hiện, vì vậy cần giảm dần sĩ số học sinh ở các lớp sao cho đạt chuẩn 35 em/lớp. Với sĩ số này, GV có thể quản lý lớp tốt hơn và trong dạy học có điều kiện kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm cũng như phát huy khả năng của cá nhân, cá thể hoá việc dạy học, tiến đến có những bài tập thích hợp cho từng nhóm trình độ và dạy theo nhu cầu riêng của các em. Ngoại trừ một số trường chịu áp lực về mặt sĩ số học sinh trong nội thành thì việc điều chỉnh sĩ số học sinh nằm trong tầm tay của người cán bộ quản lý nhưng phải được thực hiện dần dần từng bước theo kế hoạch dài hạn.

Quyết định số 48/2003/QĐ-BGDĐT về ban hành mức chất lượng tối thiểu của trường, điểm trường và lớp Tiểu học đã quy định chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Căn cứ trên quyết định này, các đơn vị cần từng bước xây dựng trường học khang trang, có đủ điều kiện để giáo viên tác nghiệp như xây dựng phòng làm việc của giáo viên, phòng thư viện, thiết bị, phòng bồi dưỡng, phụ đạo, phòng học bộ môn…. Mỗi giáo viên có một bộ đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, sách nghiệp vu, sách tham khảo và các tạp chí của ngành.

Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi Tiểu học nên việc vận dụng các trang thiết bị vào dạy học cũng hết sức quan trọng và cần thiết. Trong những năm thay sách, mỗi trường học đều trang bị bộ ĐDDH theo mức tối thiểu. Tuy nhiên không phải GV nào cũng thường xuyên sử dụng bộ thiết bị này hoặc biết cách khai thác hiệu quả của nó trong dạy học. Chính vì vậy, cần tổ chức các buổi tập huấn lại. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua đã có sự mất mát, hư hỏng. Vì vậy, sau mỗi năm, cần có kế hoạch bảo dưỡng, trang bị thêm để có thể phục vụ đầy đủ cho nhu cầu các lớp. GV tuỳ theo nội dung và phương pháp dạy học của mình làm thêm ĐDDH. Để hỗ trợ cho giáo viên trong vấn đề này, cần tổ chức các lớp hướng dẫn làm ĐDDH, trang bị máy ép nhưạ và trả chi phí cho hoạt động này. Bằng nhiều biện pháp, người cán bộ quản lý khuyến khích giáo viên tự làm ĐDDH. Việc làm này tuy rất mất thời gian nhưng hiệu quả dạy học lại rất cao, bên cạnh đó nó còn gắn kết giáo viên với nhau thông qua hoạt động tập thể. Nếu có điều kiện về mặt tài chính hoặc thông qua công tác xã hội hóa giáo dục, nên mua sắm các phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại như máy chụp ảnh, quay phim, máy chiếu đa phương tiện, màn hình cảm ứng… và tạo điều kiện, giới thiệu cho giáo viên tìm nguồn tư liệu để thiết kế tiết dạy.

- Mở rộng không gian lớp học, xây dựng vườn trường, tổ chức tham quan học tập thực tế :

Mở rộng không gian lớp học cũng là một giải pháp bổ trợ hết sức cần thiết trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Nếu trước đây suốt 5 tiết học các em học sinh bị buộc phải ngồi "ngay", ngồi "đẹp" trong lớp của mình, thì hiện nay với các phương pháp linh hoạt, không gian lớp học mở rộng ra rất nhiều. Khi học nhóm, các em có thể lựa chọn chỗ tuỳ thích, có thể là một góc hành lang dã lau dọn sạch, là bục giảng của lớp học…Sản phẩm của học sinh như các bảng làm việc nhóm, các sản phẩm thực hành khác không chỉ trên bảng lớp, trên góc học tập, lên dây căng sẵn mà còn ở trong và ngoài các bức tường của lớp (tranh vẽ trong tiết mỹ thuật treo dọc hành lang)

Rộng hơn nữa, một số tiết học được hiện thực hoá bằng hoạt cảnh trên sân khấu của lớp, của trường. Cần khuyến khích tổ chức tiết học ngoài trời đối với các môn như tập làm văn tả cảnh, các tiết vẽ và một số tiết học có nội dung thích hợp dạy ngoài sân như "Đồ chơi-trò chơi". Tổ chức cho các em học Lịch sử tại các viện bảo tàng, dự buổi thi đố em về sử Việt Nam tại Thảo cầm viên hoặc tổ chức cho học sinh tham quan, qua đó hướng dẫn các em kỹ năng quan sát và ghi nhận để phục vụ cho việc học Tập làm văn hay học sử địa phương...

Xây dựng vườn trường với các loại rau và cây thuốc nam, trồng một số loại dây leo như bầu, bí, dưa, mướp.. nhằm giúp học sinh nhận biết quá trình sinh trưởng của cây, rèn các kỹ năng thực hành trồng và chăm sóc cây, giáo dục ý thức thẩm mỹ, bảo vệ cảnh quan, tạo điều kiện cho học sinh học tập thực tế cũng là giải pháp rất hay mà một số trường tiểu học ở ngoại thành đã vận dụng và cũng rất thành công.

Thực hiện những giải pháp này rất cần bàn tay sắp xếp, tổ chức của nhà quản lý.

- Đề cao vai trò tổ, nhóm, thư viện, thiết bị :

Trong nhà trường tiểu học, giáo viên được biên chế vào các tổ chuyên môn theo khối lớp mà mình chủ nhiệm và dạy học. Tổ chuyên môn là tập hợp

các thầy cô dạy cùng một khối lớp, tổ trưởng và tổ phó do hiệu trưởng quyết định phân công. Tổ chuyên môn không chỉ làm nhiệm vụ một tháng họp 2 lần và bàn bạc mọi vấn đề liên quan đến hoạt động dạy học. Để phục vụ cho yêu cầu đổi mới PPDH, nội dung trọng tâm của họp tổ chuyên môn cần xoay quanh việc thống nhất mục tiêu dạy học, thảo luận để bàn bạc về các PP và hình thức dạy học dự kiến. Tổ chuyên môn còn có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động về đổi mới PPDH theo yêu cầu của ban giám hiệu cũng như tham gia hội giảng trình bày PPDH mới, tổ chức thao giảng về PPDH tích cực, tham gia dự giờ, nhận xét, góp ý cho bạn đồng nghiệp, đề xuất nhà trường hỗ trợ về kinh phí, thiết bị…trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn.

Thư viện hiện nay được xem là “trái tim” của nhà trường. Muốn hỗ trợ cho hoạt đổng đổi mới PPDH, thư viện trước hết phải có đủ sách nghiệp vụ, sách tham khảo, các tạp chí chuyên ngành có nội dung liên quan. Đó phải là nơi mà giáo viên có thể nghiên cứu về vấn đề đổi mới PPDH thông qua việc đọc sách, báo, tra cứu tài liệu trên mạng…và thậm chí là nơi mà giáo viên có thể tổ chức hoạt động học cho học sinh như kỹ năng đọc sách, hướng dẫn học sinh lựa chọn tài liệu tham khảo…Muốn như vậy, thư viện phải đủ rộng, được trang bị bàn ghế phù hợp, có đủ sách vở, tài liệu tham khảo và được bố trí khoa học. Nhân viên thư viện phải am hiểu nghiệp vụ, tích cực hỗ trợ cho giáo viên trong các hoạt động dạy học, tự lên kế hoạch để tham mưu với hiệu trưởng về việc phát triển thư viện và tự sưu tầm tài liệu để bổ khuyết.

Các buổi giới thiệu hoặc trưng bày sách cần được chuẩn bị chu đáo, hình thức đa dạng, nội dung phong phú và phù hợp với chủ đề học tập của học sinh.

- Sự hỗ trợ của các tổ chức và các bộ phận khác trong nhà trường.

Trong chỉ đạo, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học cũng cần đề cao sự hỗ trợ của các tổ chức và các bộ phận khác trong nhà trường :

• Chi bộ đề ra nghị quyết, chi đoàn đi đầu trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, công đoàn vận động giáo viên thực hiện.

• Thư viện bổ sung các sách nghiệp vụ, sách tham khảo về đổi mới phương pháp, hỗ trợ giáo viên làm đồ dùng dạy học…

• Tổ văn phòng có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra để sửa chữa kịp thời những hư hỏng về cơ sở vật chất, thiết bị và đề nghị mua sắm bổ sung.

• Ban Đại diện cha mẹ học sinh thông qua sự đóng góp của cha mẹ học sinh và các bậc mạnh thường quân giúp nhà trường trang bị thêm các thiết bị dạy học, tham gia hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa của trường…

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học quận 8 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w